Người có thể nhẫn nhịn, khắc chế bản thân thì sẽ không mãi mãi lâm vào cảnh khốn cùng. Những khó khăn hiểm trở đều khắc phục được, cuối cùng thành tựu đại nghiệp.
Chữ Nhẫn (忍), theo “Thuyết văn giải tự” nghĩa là “năng lực, khả năng”. Chữ Nhẫn bao gồm chữ Tâm (心 – trái tim) và chữ Nhận (刃 – lưỡi dao). Dao đâm vào tim, nếu vẫn đủ năng lực, đủ sức mạnh, chịu đựng được thì đó là Nhẫn. Chu Vũ Vương, người sáng lập ra triều Chu đã để bài minh cho con cháu và người đời sau, trong đó có câu: “Nhẫn chốc lát có thể bảo toàn tấm thân”.
Người xưa nói về Nhẫn, ít nhất có 2 tầng ý nghĩa. Thứ nhất là kiên nhẫn và bền bỉ. Đó là thể hiện của tinh thần ngoan cường. Thứ 2 là ức chế. Đó là trong cuộc sống cần phải nhẫn nại, nhẫn nhịn và khiêm nhường.
Giỏi Nhẫn là một mỹ đức ưu tú, là kết tinh của trí tuệ và thiện lương, là mẫu mực của người mạnh mẽ. Con người sống trong thế gian ắt phải nhẫn. Trên đường đời, mỗi người đều không thể tránh được những thống khổ, trắc trở, khó khăn và trở ngại. Mỗi người chúng ta cũng trong một thời khắc nào đó phải chịu vận mệnh đùa giỡn. Khi chúng ta không có năng lực thay đổi hiện trạng, chúng ta ắt phải học nhẫn nại và bao dung.
Khổng Tử nói: “Việc nhỏ không nhẫn được thì hỏng việc lớn” (nguyên văn: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”).
Tô Thức viết trong “Lưu Hầu luận” rằng: “Những kẻ sỹ hào kiệt thuở xưa ắt phải có tiết tháo hơn người. Nhân tình thế thái có những việc không thể nhẫn được, kẻ thất phu bị nhục thì rút kiếm đứng lên, xông ra chiến đấu, như thế này là không đủ dũng. Người đại dũng trong thiên hạ, kẻ địch đến bất ngờ mà không kinh sợ, vô cớ oan ức ập đến mà không nổi giận. Đó là do họ có tấm lòng rộng lớn, có chí hướng cao xa… Nhẫn những phẫn uất nhỏ để thành tựu sự nghiệp lớn”.
Hàn Tín chịu nhục chui háng
Chương “Hoài Âm Hầu liệt truyện” trong “Sử ký” có viết:
Một thiếu niên ở lò mổ Hoài Âm làm nhục Hàn Tín rằng: ‘Ngươi tuy cao lớn, lại thích đeo kiếm, nhưng trong lòng lại hèn nhát’. Mọi người lấy làm nhục. Hắn nói tiếp: ‘Người dám liều chết thì hãy đâm ta, không dám thì chui qua háng ta’. Thế là Hàn Tín nhìn xem, rồi cúi xuống, bò qua háng. Mọi người đều cười Hàn Tín, cho rằng Hàn Tín hèn nhát.
Hàn Tín có thể nhẫn được cái nhục chui háng, thực ra không phải là ông ta hèn nhát, mà là trí tuệ nhìn rõ cục diện. Sau này Hàn Tín là đại tướng quân, được phong hầu, phú quý hiển đạt, ông tìm đến người đồ tể năm xưa. Người đồ tể rất sợ hãi, cho rằng Hàn Tín sẽ giết ông ta để báo thù. Không ngờ Hàn Tín lại đối xử tốt với người đồ tể, đồng thời phong cho ông ta làm hộ quân vệ. Hàn Tín nói với người đồ tể rằng: “Nếu không có cái nhục chui háng năm xưa thì không có Hàn Tín ngày nay”.
Trương Lương nhẫn rồi lại nhẫn
Một hôm, Trương Lương nhàn hạ thong dong tản bộ trên cầu Hạ Phi, có một ông lão áo nâu trên cầu. Khi Trương Lương đến, cụ đánh rơi chiếc giày xuống dưới cầu. Cụ nhìn và nói với Trương Lương rằng:
“Cậu bé, xuống lấy giày cho ta”. Trương Lương rất ngạc nhiên, chỉ muốn đánh. Nhưng vì là cụ già nên gắng nhẫn nại, xuống dưới cầu nhặt giày.
Cụ già nói: “Xỏ giày cho ta”. Trương Lương vì đã nhặt giày rồi, nên đành quỳ xuống xỏ giày. Cụ già thò chân ra xỏ giày, cười rồi đi. Trương Lương kinh ngạc lắm nên đưa mắt nhìn theo. Cụ già đi khoảng một dặm lại quay trở lại và nói: “Cậu bé này có thể dạy được. 5 ngày sau lúc bình minh gặp ta ở đây”.
Trương Lương lấy làm lạ, bèn quỳ xuống đáp: “Vâng”.
5 ngày sau vào lúc bình minh Trương Lương đến đã thấy cụ già trên cầu rồi. Cụ già giận dữ nói: “Có hẹn với người già lại đến sau, là sao vậy?”. Nói rồi cụ bỏ đi, và nói thêm: “5 ngày nữa gặp lại”.
5 ngày sau, khi gà gáy Trương Lương bèn dậy sớm đi. Cụ già đã đến trước, cụ lại giận dữ nói: “Lại đến sau, là sao vậy?”. Cụ bỏ đi và nói: “5 ngày sau lại đến”.
5 ngày sau, Trương Lương đi từ lúc nửa đêm. Đến nơi được một lúc thì cụ già đến. Cụ vui mừng nói: “Nên như thế”. Rồi cụ lấy một bộ sách ra nói: “Đọc sách này có thể làm thầy đế vương. 10 năm sau sẽ hưng thịnh. 13 năm sau, cậu gặp ta ở Tễ Bắc, Hoàng Thạch (đá vàng) dưới chân núi Cốc Thành chính là ta”.
Nói rồi cụ già ra đi, không nói thêm lời nào, cũng không gặp lại. Trương Lương nhìn bộ sách, đó là “Thái Công binh pháp”. Trương Lương lấy làm lạ lắm, thường xuyên đọc sách này.
Trương Lương cùng với Hàn Tín sau này đều là bậc công thần khai quốc của triều Hán.
Trương Lương có thể nhẫn nhịn hết lần này đến lần khác khi cụ già cố ý gây khó khăn, làm nhục, cuối cùng đã ức chế được cái khí sắc bén, cương ngạnh của tuổi trẻ, trở thành người mưu lược có thể nhẫn những cái phẫn uất nhỏ để thành tựu sự nghiệp lớn. Trương Lương nhẫn nhịn nhặt giày, cuối cùng đã có vinh quang được phong hầu.
Lưu Bang nhẫn nhịn nên được cả thiên hạ
Đầu tiên, Lưu Bang tấn công chiếm Hàm Dương; như đã ước hẹn với Sở Hoài Vương, Lưu Bang đáng được phong làm Quan Trung Vương. 40 vạn đại quân của Hạng Vũ tiến vào Quan Trung, Lưu Bang không những không được làm Quan Trung Vương mà ngay cả đất phong cũng bị chuyển thành Hán Trung. Lưu Bang trong lòng oán hận, nhưng không để lộ ra, nhẫn chịu.
Khi Sở Hán tương tranh, Bành Việt mấy lần phản đất Lương, tuyệt đường lương thực của Sở. Hạng Vương lo lắng, làm cái đàn tế lễ cao, bắt Thái Công (cha Lưu Bang) và đặt lên đàn tế, rồi báo tin cho Hán Vương rằng: “Hôm nay không có chuyện gấp, ta sẽ nấu Thái Công”.
Hán Vương nói: “Ta và Hạng Vũ đều quay mặt phương bắc thọ mệnh Hoài Vương, có hẹn ước là huynh đệ, cha ta cũng là cha Hạng Vũ. Nếu nấu Thái Công thì chia cho ta bát canh”.
Hạng Vũ dùng cha Lưu Bang để uy hiếp Lưu Bang. Lưu Bang quả là người nhẫn nại, nói nếu ông nấu cha ta thì chia cho ta một bát canh, khiến cho Hạng Vũ không còn cách nào, đành phải thả Thái Công.
Cuộc tranh đoạt thiên hạ giữa Lưu Bang và Hạng Vũ bước vào thời khắc then chốt, trận chiến Cai Hạ nổ ra. Dựa vào lực lượng của Lưu Bang thì khẳng định không đánh thắng được Hạng Vũ, thế là Lưu Bang gửi thư cho Hàn Tín và Bành Việt, lệnh 2 người dẫn binh mã cùng tề tựu ở Cai Hạ hợp sức với Lưu Bang bao vây Hạng Vũ.
“Hoài Âm Hầu liệt truyện” viết:
Nhà Hán năm thứ 4, Hàn Tín bình định được nước Tề, sai người đưa đến nói với Hán Vương rằng: “Nước Tề giả dối hay thay đổi, là nước phản phúc, phía nam lại giáp nước Sở, nếu không đặt chức Vương trấn giữ thì thế sẽ không ổn định, nên giả xưng vương cho tiện”.
Lúc đó quân Sở đang bao vây Hán Vương ở Huỳnh Dương. Sứ giả của Hàn Tín đến, dâng thư. Hán Vương nổi giận mắng rằng: “Ta bị vây khốn ở đây, đêm ngày mong ngươi đến trợ giúp, nay lại muốn tự lập làm vương”.
Trương Lương, Trần Bình nhón chân đến ghé tai Lưu Bang nói nhỏ: “Quân Hán bất lợi, sao có thể ngăn cấm Hàn Tín xưng vương được? Chi bằng hãy lập cho ông ta, đối xử tốt với ông ta để ông ta giữ đất. Nếu không sẽ sinh biến”.
Hán Vương cũng ngộ ra, bèn nói: “Đại trượng phu bình định chư hầu, tức là chân vương rồi, sao cần phải giả”. Sau đó sai Trương Lương đến lập Hàn Tín làm Tề Vương, trưng dụng quân Hàn Tín đánh Sở.
Lưu Bang đã nhẫn nhịn được cơn giận dữ khi Hàn Tín thừa cơ tình thế Lưu Bang bất lợi muốn lập mình làm vương, đồng thời sai Trương Lương đem ấn gia phong cho Hàn Tín. Sau khi Hàn Tín làm Tề Vương, Hàn Tín đã cùng quân đội Lưu Bang bao vây Hạng Vũ, bức bách khiến Hạng Vũ cuối cùng phải tự vẫn. Lưu Bang cuối cùng cũng có được cả thiên hạ, dựng nên cơ nghiệp nhà Hán.
Do đó có thể thấy, nhẫn nhịn là biểu hiện của tấm lòng rộng lớn, tầm mắt cao xa, nội hàm thâm sâu, giàu hùng tài đại lược. Người có thể nhẫn nhịn, khắc chế bản thân thì sẽ không mãi mãi lâm vào cảnh khốn cùng. Những khó khăn hiểm trở đều khắc phục được, cuối cùng thành tựu đại nghiệp.
***
Thời Đường, chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai có 2 tăng nhân là Hàn Sơn và Thập Đắc hành tung rất kỳ lạ, lời nói khác thường. Tương truyền, hai ông là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát.
Trong sách “Hàn Sơn Thập Đắc vấn đối lục”, Hàn Sơn hỏi Thập Đắc rằng: “Thế gian có người phỉ báng mình, ức hiếp mình, nhục mạ mình, cười chê mình, khinh mạn mình, xem thường mình, ác độc với mình, lừa dối mình thì xử trí như thế nào?”
Thập Đắc trả lời rằng: “Chỉ cần nhẫn họ, nhường họ, mặc họ, tránh họ, chịu đựng họ, kính trọng họ, không để ý đến họ, qua vài năm ông lại có thể gặp họ”.
Trong “Cách ngôn liên bích”: có viết: “Người ta phỉ báng mình, biện luận với họ không bằng khoan dung. Người ta sỉ nhục mình, đề phòng họ không bằng cảm hóa”. Nhẫn những việc người khác không thể nhẫn thì mới làm được những việc người khác không thể làm nổi.
Tư Mã Thiên đã ghi chép rất nhiều câu chuyện về Nhẫn trong “Sử ký”. Tư Mã Thiên có thể viết được bộ Sử ký “nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và con người, thông tỏ sự thay đổi của cổ kim” cũng là kết quả của Nhẫn vậy.
Theo sohu.com – Nam Phương biên dịch