Trong tiếng Quảng Đông có câu tục ngữ: “Tài lai tự hữu phương, ngô sử hàm bàng hoàng. Cật kỷ đa, trư kỷ đa đô hệ chỉnh định cát.” Ý tứ là nói, một cá nhân phát tài tự có cách của nó, không cần phải khổ tâm toan tính. Được ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu, dùng bao nhiêu, đều là có định số.
Câu chuyện tôi muốn kể cho các bạn dưới đây xuất phát từ cuốn “Thính Vũ Hiên bút ký”. Những nhân duyên tế hội trong cuộc đời họ, tài vận có thể đạt đến đỉnh cao của cuộc đời, tất cả đều do họ “lượm được” mà có.
Mệnh trúng tài, muốn cản cản không nổi
Vào thời nhà Thanh, ở một thôn làng nào đó ở Nam Hương, huyện Thạch Môn, có một thôn dân tên là Hạ Khai Cơ, ông cố nội của chàng từng giữ làm quan to vào thời nhà Minh. Tuy nhiên, thế hệ của Hạ Khai Cơ, gia cảnh suy bại, ngôi nhà lớn xưa kia đã sụp đổ, chỉ còn lại khu vườn bỏ hoang, ẩn dưới đó là vài gian nhà thấp.
Hạ Khai Cơ mưu sinh bằng nghề nông, tự lực nuôi thân, chàng kết hôn với con gái của cậu ruột, nhạc phụ tên là Cao Lân Chiêu, sống ở một thôn trang khác. Cao Lân Chiêu ban đầu gia cảnh cũng nghèo nàn, nhưng sau đó bắt đầu nghiệp buôn bán, trở thành một phú gia trong làng. Nhưng sau khi trở nên giàu có, ông lại kinh thị sự bần hàn của con rể, thường nói những lời khó nghe để chế nhạo anh chàng, đương nhiên cũng từ chối tiếp tế cho họ.
Một mùa thu năm nọ, có một trận lũ lớn, ruộng đồng của Hạ Khai Cơ đều bị úng nước, không có thu hoạch, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng quẫn bách, bếp núc thường xuyên lạnh lẽo, đành phải đi vay mượn để sống qua ngày. Đến cuối năm, những chủ nợ đến đòi nợ đã phá cả cổng rào. Vợ chàng bảo chồng hãy đến nhà bố vợ vay ít tiền để trả nợ, và mua một ít đồ ăn Tết.
Hạ Khai Cơ biết rằng đến nhà bố vợ mượn tiền, khẳng định sẽ không có kết quả, dù trong tâm vạn phần không muốn, nhưng không còn cách nào khác, chàng vẫn rắn rỏi lên đường.
Khi đến nhà nhạc phụ, thấy ông đang bàn bạc với một người khác về việc mua bán ruộng đất, hai bên thương lượng, bàn luận rất lâu. Hạ Khai Cơ phải đợi mãi đến chiều lúc Mặt trời xế bóng, người đàn ông kia mới chịu rời đi. Nào ngờ, khi bố vợ vừa nhìn thấy Hạ Khai Cơ, không đợi chàng mở miệng, đã cao giọng trách mắng con rể thậm tệ, thẳng thừng từ chối: “Không có tiền, không có tiền!”
Hạ Khai Cơ không những không vay được tiền, mà còn bị mắng cho một trận, một mình lủi thủi về nhà. Lúc này trời đã tối, nhưng khi chàng đi đến gần cửa nhà mình, thì đột nhiên ngã lộn xuống đất. Chàng nằm trên mặt đất nghĩ ngợi: “Quả là, nhà dột gặp mưa đêm, thuyền trễ gặp gió lớn, năm hết Tết đến rồi, mà mình chẳng còn con đường sống nào để đi…” Lúc trước bị bố vợ vũ nhục một trận, tình tự đã chạm đến đáy, giờ lại vấp ngã, trong tâm Hạ Khai Cơ chán nản cùng cực, nghĩ mình chết quách đi cho xong.
Phía sau căn nhà nơi họ sống có một cái ao, lúc này, Hạ Khai Cơ không bước vào nhà, mà bước đến cái ao sau nhà, rồi quăng mình xuống nước, tính tự vẫn. Lúc này đang là mùa đông, nước trong ao rất cạn, chỉ đến thắt lưng. Vừa xuống ao, chàng đột nhiên cảm thấy trong bùn có vật gì cứng cứng đâm vào lòng bàn chân, đau đến không chịu nổi, bèn cúi xuống mò mẫm. Mọi người đoán xem chàng tìm thấy cái gì? Một thỏi bạc!
Hạ Khai Cơ hưng phấn cực độ, lại tiếp tục dùng chân, theo cảm giác của chàng, cảm thấy dưới đáy ao những thỏi bạc lớn lớn nhỏ nhỏ ở khắp nơi. Hạ Khai Cơ mừng quýnh vội leo lên bờ, gõ cửa nhà. Khi vợ vừa mở cửa, chàng nhanh chóng lẻn vào bên trong, lấy thỏi bạc ra đưa cho vợ xem, kể lại phát hiện của mình. Hai vợ chồng giữa đêm ra ao đào bạc, đào cả một đêm, mà vẫn chưa lấy lên được hết. Sau khi về nhà, họ dùng nước rửa sạch những thỏi bạc dính bùn.
Đến khi trời sáng, những chủ nợ lại đến gõ cửa đòi nợ, Hạ Khai Cơ liền mang thỏi bạc nhỏ ra, nói bố vợ đã cho mượn, ngày hôm đó tất toán toàn bộ nợ nần.
Sau đó, hai vợ chồng đến đêm lại ra ao đào bạc, tổng cộng hơn mười ngày, mới mò hết số bạc dưới đáy ao. Tính sơ sơ tổng cộng có hơn 10 vạn lượng, trong đó ba phần là vàng, bảy phần là bạc. Họ đặt những thỏi vàng bạc vào hũ, mang vào phòng trong để cất giữ, không dám sử dụng tùy tiện, e khiến người ta nghi ngờ, dẫn đến tai họa không cần thiết.
Mãi đến năm sau, lương thực, tơ tằm nhà nuôi đều bội thu, Hai vợ chồng Hạ Khai Cơ được ăn no mặc ấm, không còn quần áo rách rưới, mặt mũi tái nhợt gầy gò như trước, bố vợ Cao Lân Chiêu mới lại đối đãi tử tế với con rể.
Một năm sau, vợ của Hạ Khai Cơ trở về nhà mẹ đẻ, ở lại đó rất lâu. Hạ Khai Cơ đến nhà bố mẹ vợ để thăm vợ, muốn đưa vợ về. Anh chàng đi đi lại lại trong sảnh đường nhà bố vợ, lúc lúc lại dùng ngón tay đo độ dày của những cây cột trong sân. Bố vợ thấy kỳ lạ, bèn hỏi con rể đang làm gì vậy. Hạ Khai Cơ nói: “Nhà con xem ra sắp sập rồi, con muốn mô phỏng ngôi nhà của cha để xây một ngôi nhà mới.” Cao Lân Chiêu cười to và nói: “Chúng mày hễ ăn cơm đủ bữa, liền hồ tư loạn tưởng, mày đang nói mộng hả?”
Vợ của Hạ Khai Cơ tình cờ ở gần đó, bèn nói với cha: “Nếu con rể của cha thực sự có thể xây một ngôi nhà mới, thì cha sẽ nói gì?” Cao Lân Chiêu trả lời: “Nếu chồng mày thực sự có thể xây một ngôi nhà mới, vậy thì tiền công và tiền lương xây nhà bao nhiêu, tao sẽ trả toàn bộ.” Kỳ thực, ông nghĩ hai vợ chồng họ thậm chí chẳng đủ khả năng mua vật liệu xây nhà. Vợ chồng Hạ Khai Cơ sau đó đã đồng ý với Cao Lân Chiêu về chuyện tiền công và tiền ăn cho thợ. Cao Lân Chiêu nói: “Chúng mày cứ thử làm đi, tao sẽ không bao giờ thất hứa.”
Nhà họ Hạ quả nhiên sau đó sập xuống, nhưng nền móng vẫn còn, sau khi về nhà, họ bắt đầu khởi công xây dựng, mua vật liệu, thuê công nhân, ngôi nhà mới cao lớn mấy chục gian nhanh chóng được xây dựng, cực kỳ kiên cố và tỉ mỉ. Khi Cao Lân Chiêu nhìn thấy, mặc dù ngậm đắng nuốt cay, nhưng vẫn phải nuốt giận dốc túi đưa cho con một số tiền lớn, là vì bản thân ông đã đề xuất trước như vậy.
Khi Hạ Khai Cơ đang động thổ và khởi công xây dựng, một đêm nọ, chàng bỗng mơ thấy một ông già râu trắng đội mũ gạc đen, mặc áo choàng đỏ, nói với chàng rằng tảng đá hình hoa mẫu đơn làm móng phía sau nhà không thể để người ta tự ý di chuyển. Sau khi tỉnh dậy, chàng cảm thấy rất kỳ quái, đến đêm tự mình đi di chuyển tảng đá, liền phát hiện phía dưới đá có bốn chiếc bình sứ chứa đầy vàng bạc, nguyên là ông cố cao tổ của chàng đã hiển linh báo cho biết, như vậy, Hạ Khai Nguyên lại thu được thêm hơn mười vạn lượng.
Mấy ngày sau, Hạ Khai Cơ trong đêm ngồi một mình trong phòng, nghĩ ngợi: “Mình nguyên là một người bần cùng, đột nhiên phát hiện được bao nhiêu vàng bạc, thực sự là được ông Trời phù hộ. Mình với cậu ruột là quan hệ chí thân chí thiết, làm sao có thể khiến cậu tức khí đây? Nếu cậu không mắng mình mà cho mình mượn tiền, thì mình đã không tức giận chán nản như vậy, cũng sẽ không nghĩ sẽ lao đầu xuống ao tự vẫn, thế thì làm sao mò được số vàng bạc này. Chà, phú quý của mình thực tế là bắt nguồn từ bố vợ!”
Nghĩ vậy, anh chàng tính toán xem rốt cuộc bố vợ đã đưa cho mình bao nhiêu tiền công, cuối cùng mang toàn bộ hoàn trả lại cho bố vợ.
Sau khi xây nhà xong, Hạ Khai Cơ nỗ lực làm việc thiện, mời thầy giáo về dạy học cho con trai mình. Người con trai này vào những năm Khang Hy đã đỗ cử nhân, đến đời cháu cũng liên tục đỗ đạt, làm quan chức trong triều.
Nghe xong câu chuyện này, bạn có nghĩ Hạ Khai Cơ thực sự quá may mắn không! Kỳ thực, người xưa tin rằng, từ khi một người sinh ra, vận mệnh của người đó đã được an bài sẵn. Trong mệnh nên có bao nhiêu tiền tài, đến lúc nào phát tài, đều là có định số. Tục ngữ có câu: “Mệnh có 10 xu, cầu không nổi tài trăm vàng.” Trong cuộc sống, có người thiếu niên đắc tiền tài, cũng có người trung niên, thậm chí đến tuổi lão niên mới có thể đắc tài, đều là do nhân duyên trong mệnh bất đồng mà tiền tài có thể đến sớm đến muộn. Vì vậy không cần ghen tị với họ, càng không phải sợ họ nghèo khốn, vì hết thảy trong cõi âm đã có định số.
Nghèo khổ cả đời, già mới phát tài
Câu chuyện này bắt nguồn từ cuốn sách “Diệu hương thất tùng thoại”, kể rằng vào thời nhà Thanh, có một người đàn ông tên là Lưu Đan Giai, người Đồng Thành, tỉnh An Huy. Ông đến 40 tuổi vẫn không một xu dính túi. Một ngày nọ, ông quyết định đến Quảng Đông để tìm sự giúp đỡ từ một người họ hàng làm việc soạn thảo thư tín tại phủ Chế quân. Chế quân là cách gọi của chức tổng đốc thời nhà Minh và nhà Thanh. Không ngờ, người thân của ông lại coi thường ông, thậm chí còn không sẵn lòng giúp ông tìm việc làm. Không có nơi ăn chốn ở, bất đắc dĩ, ông đành ở nhờ tại chùa Quang Hiếu.
Vị lão tăng trụ trì của ngôi chùa, vừa nhìn thấy đã rất coi trọng ông. Đương thời viên chế quân ở đó thập phần sùng kính Phật pháp, mỗi tháng nhất định sẽ đến chùa đảnh lễ và thắp hương, sau khi hành lễ sẽ cùng lão tăng đàm đạo. Có một ngày, chế quân lại đến chùa, đúng lúc trời mưa rất to. Mưa to cả ngày không dứt, khiến chế quân và thủ hạ thị tòng của ông không thể trở về quan phủ.
Vì thế, lão tăng đã chuẩn bị bữa ăn cho ông. Chế quân ở phòng nhỏ uống rượu, cảm thấy cô đơn nên nói với lão tăng: “Ở đây không có ai có thể nói chuyện được sao?” Vị sư già nói, có tiên sinh Lưu đang ngụ tại chùa.
Chế quân lập tức sai người hầu mời tiên sinh Lưu đến. Không lâu sau, người hầu quay lại nói: “Lưu tiên sinh cho rằng mình là một thư sinh nghèo khổ sống ở nơi đất khách quê người, làm sao dám ngồi ngang hàng với một viên quan lớn đương đại? Ông ấy đã từ chối không dám đến gặp.” Chế quân đáp, “Lễ hiền hạ sĩ, đó là việc ta nên làm. Nhân sĩ giữ lễ như vậy, làm sao có thể gọi đến liền đến, ta nên thân chinh đến gặp Lưu tiên sinh.” Thế là ông nhờ lão tăng dẫn đường. Lần đầu gặp nhau, họ đã nồng nhiệt như gặp bạn cũ, mời nhau vào phòng thiền uống rượu và nói chuyện vui vẻ, cạn tiệc mới chia tay.
Ngày hôm sau, chế quân mời Lưu Đan Giai đến quan phủ của mình, dành cho ông sự chào đón đặc biệt. Đương thời, các quan lớn ở miền đông Quảng Đông như đốc phủ, tướng quân, quan sai thu thuế hàng năm đều phải cống nạp các vật phẩm bằng ngọc bích theo thông lệ. Những người xử lý sự việc trước đó lần nào cũng mắc nhiều sai sót, không thể làm hài lòng hoàng đế. Chế quân đã ủy nhiệm việc này cho Lưu Đan Giai phụ trách. Lưu Đan Giai thông minh thiên phú, từng trải và thâm thúy, nên khi làm việc càng tỏ rõ năng lực. Số tiền nhận được ông không tơ hào một xu, mà dùng hết để mua ngọc tốt, thuê thợ lành nghề, tận tâm giám sát việc chế tác, vì vậy không chỉ giá rẻ mà vật phẩm làm ra rất ưu mỹ.
Sau khi ngọc được dâng cống, hoàng đế vui mừng khôn xiết, ban thưởng cho chế quân hà bao và nhẫn ngọc, tất cả đều là nhờ vào công của Lưu Đan Giai. Chế quân cũng vui mừng vì bản thân đã phát hiện ra nhân tài, càng hậu đãi Lưu hơn trước. Khi các tướng lĩnh, quan thuế v.v. nghe được chuyện này, họ cũng giao cho Lưu Đan Giai xử lý việc cống nạp ngọc. Lưu Đan Giai ngày càng thành thục trong việc xử lý, càng nỗ lực nhiều hơn, trong những năm đó, phàm những món ngọc bích do ông tiến cống, mỗi cái đều làm hoàng đế hài lòng.
Tất cả các quan lớn đều cho rằng ông là người tài giỏi, muốn quyên cho ông một chức quan. Nhưng Lưu Đan Giai kiên quyết từ chối, nói: “Đan Giai tự coi mình là một bần Nho, không phải là một nhân tài làm quan. Tuy nhiên, tự thấy bản thân về phương diện kinh doanh có một chút nghiên cứu, nếu các vị đại nhân sẵn lòng đề bạt, hiện tại có một doanh nghiệp vận tải biển nào đó bị thua lỗ đình nghiệp, tôi nguyện ý tiếp quản và lấy đó làm sinh kế.”
Các quan lớn đều đồng ý, nên họ đã thượng tấu lên hoàng thượng. Theo đó, Lưu Đan Giai bắt đầu kinh doanh vận tải biển. Vì số vốn ít ỏi của ông, các hãng vận tải khác đều lén cười nhạo, nói rằng ông sẽ không thể duy trì được.
Thật bất ngờ, không lâu sau, công việc kinh doanh của ông có bước chuyển biến lớn. Một doanh nhân nước ngoài từng làm ăn với hãng vận tải này qua đời vì bạo bệnh ở quê nhà, trước khi qua đời, ông để lại di ngôn cuối cùng với con trai mình: “Cha còn nợ một công ty nước ngoài ở Quảng Đông tổng cộng hơn năm triệu lượng bạc cả gốc và lãi, con không thể để ta thành kẻ phụ người, con phải hoàn lại số tiền đó cho họ, hy vọng sau này con lại giao dịch với họ, có thể chiếm được lòng tin của người Trung Quốc, không để bị người đồng bối coi thường.”
Con trai của vị thương gia nước ngoài đã tuân theo di chúc của cha, vượt biển đến Trung Quốc trả lại toàn bộ số tiền nợ cả gốc và lãi cho Lưu Đan Giai. Việc doanh nhân này vay tiền rồi trở về nước đã xảy ra hơn mười năm trước, ông một đi không trở lại, còn hãng tàu đã nhiều lần đổi chủ, sổ sách không thể thanh tra, nhưng tên của hãng vận tải vẫn chưa thay đổi, nên Lưu Đan Giai, người tiếp quản sau cùng của hãng vận tải, mới có thể nhận khoản tiền bất ngờ này. Kể từ đó trở đi, mọi công việc kinh doanh của Lưu Đan Giai đều diễn ra thuận lợi. Bằng cách này, Lưu Đan Giai, người không tham lam biển thủ, không tì vết trong công việc, dù ban đầu bị người thân coi thường, nhưng sau này đã trở nên vô cùng giàu có.
Đó là hai câu chuyện về hai người bỗng dưng phát tài bất ngờ. Nhìn thì thấy như bất ngờ, kỳ thực đều là có định số. Mọi kết quả trên nhân thế đều nói với chúng ta một quy luật: Hậu đức tải vật, hữu đức hữu tài, vô đức vô tài. Tài nhỏ dựa vào siêng năng, tài lớn phải dựa vào đức.
Khi một người muốn có tiền tài ngàn vàng, trước hết phải xem mình có đủ phúc đức xứng đáng hay không. Khi tài phú không ngừng gia tăng, mọi người càng cần đề cao đức hành của tự thân, chỉ bằng cách này, mới có thể cng gia tăng phúc khí và tài phú!
Một số người có thể nói, chúng tôi đều hiểu những gì bạn đang nói, nhưng tại sao một số người, có tư cách đạo đức dường như ở mức trung bình hoặc thậm chí rất xấu, lại có thể trở thành quan lớn phát đại tài?
Kỳ thực, trong việc này còn có duyên cố. Thời gian hôm nay không đủ, chúng ta sẽ nói về chủ đề này với bạn vào lần sau.
Theo Epoch Times,-Hương Thảo biên dịch