Học đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công!
Hannah Maruyama tham gia lớp đại học đầu tiên vào năm 16 tuổi, sau đó nhanh chóng nhận ra đó không phải mong muốn của mình.
“Tôi chán trường trung học và cũng không thấy việc học đại học thú vị hơn là bao. Khi đó tôi đã nghĩ ‘Mình sắp mắc nợ vì chuyện này phải không?’”, Hannah, hiện 29 tuổi, nói và cho biết đã rời trường Georgia Southern sau một vài học kỳ.
Việc không có bằng đại học khiến Hannah bị giới hạn. Trong suốt những năm tháng tuổi 20, cô gái trẻ chỉ có thể làm những công việc như nhân viên cứu hộ, pha chế và phục vụ. Chưa bao giờ Hannah kiếm được hơn 30.000 USD/năm.
Thế nhưng, không ai ngờ rằng, một Hannah 30 tuổi giờ đây có thể kiếm được hơn 100.000 USD nhờ AI. Câu chuyện như sau:
Năm 2018, Maruyama và chồng Ryan chuyển từ Savannah đến Honolulu, Hawaii để theo đuổi công việc mơ ước thời thơ ấu: trở thành nghệ sĩ xăm hình thẩm mỹ và lính cứu hỏa.
“Tôi đã xem một bộ phim tài liệu về một người phụ nữ ở Ả Rập Xê-Út xăm hình thẩm mỹ cho những ai bị bỏng axit. Tôi thấy thật cao cả”, Hannah nói và cho biết mình nhận được giấy phép xăm hình thẩm mỹ vào năm 2018 ở Savannah.
Cặp đôi sau đó mở xưởng xăm thẩm mỹ của riêng mình mang tên Yama Studios ở Honolulu vào cuối năm 2018, thay phiên nhau điều hành cửa hàng ngoài công việc hàng ngày. Ryan làm việc tại Sở cứu hỏa Honolulu trong khi Hannah làm việc toàn thời gian tại một công ty du lịch.
Mỗi sáng, Hannah thức dậy lúc 4:30, sau đó có mặt tại công ty vào lúc 6 giờ. Tan ca lúc 3 giờ chiều, cô sẽ về nhà và tới Yama Studios, tiếp tục làm việc từ 5 đến 10 giờ tối.
Sau đó, đại dịch Covid-19 ập đến. Yama Studios phải đóng cửa còn Hannah bị buộc cho thôi việc. “Vào thời điểm đó, tôi biết đã đến lúc phải tìm một công việc mới. Chúng tôi phải trả hai khoản tiền thuê nhà và studio. Hawaii không hề rẻ”, Hannah nói và nhận ra hầu hết các công việc trên mạng đều thuộc lĩnh vực công nghệ và yêu cầu nhiều kỹ năng cô chưa từng nghe tên.
“Comp TIA, AWS, CISSP, tất cả những từ viết tắt khác nhau này đều xa lạ với tôi. Tôi đã dành hàng giờ trên Reddit, Quora, tất cả các diễn đàn internet khác nhau để tìm hiểu xem những chứng chỉ công nghệ nào phổ biến hiện nay để có thể giúp tôi tìm được việc làm”.
Nghĩ tới nghĩ lui, Hannah quyết định trở thành quản trị viên của Salesforce. Khoá học có giá khoảng 300 USD và cô mất cả tháng 4/2020 để hoàn thành. Ba tháng sau, cô nhận được công việc công nghệ đầu tiên với tư cách nhà phát triển Salesforce từ xa tại một công ty tư vấn quản lý kinh doanh ở Honolulu. Thù lao rơi vào khoảng 70.000 USD.
Hầu hết các công việc mà Hannah ứng tuyển đều không yêu cầu bằng cử nhân. Họ chỉ quan tâm kỹ năng mềm và kỹ thuật cần thiết để hoàn thành trách nhiệm.
“Ngay cả khi tôi không đáp ứng các yêu cầu về trình độ học vấn, tôi vẫn nộp đơn và ghi chú trong đơn đăng ký hoặc trong cuộc phỏng vấn rằng tôi sẽ học hỏi thật nhanh để bắt kịp”.
Sau khi có được công việc như ý, Hannah bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm trên TikTok với tên người dùng @degreefree. Mỗi video nhận được hơn 500.000 lượt xem và các bình luận tràn ngập yêu cầu Hannah cho lời khuyên về cách tìm việc mà không cần học đại học.
“Mọi người yêu thích nội dung này và nó đã thành công. Tôi nhớ mình đã nhìn chằm chằm vào điện thoại của mình, xem số lượt thích và bình luận tăng lên”.
Vào tháng 11/2021, Hannah ra mắt Degree Free, một nền tảng trực tuyến cung cấp tài nguyên giáo dục và huấn luyện nghề nghiệp miễn phí cho những người trẻ quan tâm đến những vị trí không yêu cầu bằng cấp. Cùng tháng đó, Hannah cũng nghỉ việc tại công ty tư vấn kinh doanh và gia nhập Neo License – startup chuyên về xây dựng phần mềm AI và nhận lương 100.000 USD (2,5 tỷ đồng).
“Việc nâng cao kỹ năng nhất quán là lợi thế lớn nhất giúp tôi thăng tiến trong sự nghiệp công nghệ”, Hannah tâm sự.
Gia đình Hannah rời Honolulu đến Houston vào năm 2022 với lý do thuế và chi phí sinh hoạt thấp hơn. Hannah tiếp tục làm việc toàn thời gian từ xa tại Neo License trong khi chồng Ryan bỏ sự nghiệp cứu hỏa của mình để điều hành Degree Free.
Vào năm 2023, Degree Free đã tạo ra khoảng 128.000 USD lợi nhuận từ các dịch vụ huấn luyện và quan hệ đối tác thương hiệu. Hannah cho biết thành công này khác xa so với những gì cô tưởng tượng cách đây 10 năm.
“Tôi thường được dạy rằng đại học là mục tiêu cuối cùng, song điều đó không còn đúng trong thế giới chúng ta đang sống. Có hàng triệu con đường thành công mà không cần bằng cấp. Tôi thấy mình thật may mắn khi tìm được con đường khiến bản thân thực sự hạnh phúc”.
Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Trên thực tế, gần 30% tỷ phú trên thế giới hiện nay không có bằng cử nhân, bao gồm cả những người chưa từng đi học đại học và những người bỏ dở việc học như Bill Gates. Đó là kết quả thống kê hồi năm 2022 được công ty nghiên cứu Wealth-X công bố trong bản Điều tra tỷ phú hàng năm, một nghiên cứu thường niên về dân số tỷ phú toàn cầu.
“Nhiều người đứng đầu xã hội có ít trình độ học vấn chính quy. Mặt khác, đại đa số mọi người vẫn bị thuyết phục rằng bằng thạc sĩ và tiến sĩ là con đường dẫn đến sự giàu có”, tác giả cuốn sách Người Giàu Suy Nghĩ Như Thế Nào viết.
Không phải con đường dẫn đến thành công nào cũng trải bởi bằng đại học, song điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự tìm tòi, học hỏi. Không phải tự nhiên mà ông trùm đầu tư Warren Buffett dành tới 80% quỹ thời gian làm việc trong ngày để đọc sách, trong khi nhà sáng lập Microsoft Bill Gates nghiền ngẫm khoảng 50 cuốn sách mỗi năm.
Theo: CNBC-Vũ Anh–An ninh tiền tệ