Việc có thành tích học tập tốt luôn là mong muốn của nhiều người nhưng những con số “vô hình” chưa chắc đã là thước đo của sự thành công.
Vừa qua, mạng xã hội Threads đã nảy ra một cuộc tranh luận xoay quanh chuyện học tập và sự nghiệp trong tương lai. Cụ thể, tài khoản này viết: “Hồi bé tôi chăm học lắm, nhưng hay bị mọi người xung quanh bảo ‘học giỏi ra trường cũng thất nghiệp đấy’, ‘mấy đứa học giỏi sau này làm nhân viên cho mấy đứa học tệ’, ‘mấy đứa học ngu sau này làm giám đốc’…”.
Ngay sau đó, nhiều bình luận khác cũng đã chia sẻ những trải nghiệm tương tự và bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm định kiến của nhiều người về việc học. Song song đó, cũng có không ít ý kiến nhận định, vấn đề học tập không thể được nhìn nhận “đóng khung” ở trường học mà còn nằm ở tư duy, trải nghiệm.
Người giỏi có thể không giàu nhưng người giàu chắc chắc giỏi
Chu Văn An từng nhận định: “Ta chưa thấy nước nào coi thường sự học mà khá lên được”. Chính vì lý do này, trong suốt chiều dài lịch sử nhiều quốc gia, việc học tập vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu. Đây là nền tảng tri thức giúp con người có thể thay đổi tư duy, vận dụng vào thực tế và xây dựng hệ kiến thức sâu rộng cho mình trong nhiều vấn đề cuộc sống.
Việc học tập tốt không chỉ mang đến cho con người thành tích, mà còn góp phần “bồi bổ” cho con người cả về chiều sâu lẫn chiều rộng bên trong suy nghĩ. Điều này cũng mang đến cho họ cơ hội để nắm bắt được tình hình, mở ra nhiều hướng đi trong tương lai hay đơn giản hơn là được chủ động lựa chọn cho mình một công việc.
Tuy nhiên, vấn đề học tập vẫn cần có sự nhìn nhận bao quát và tích cực hơn thành tích, điểm số. Bởi lẽ con người đều có những thế mạnh riêng biệt, việc học tại trường lớp cũng chỉ là quá trình cá nhân tự tìm kiếm cho mình những thế mạnh để từ đó phát huy. Chính vì vậy việc học giỏi ở trường hay không vẫn chưa thể giải quyết được câu chuyện lâu dài ở tương lai.
Trước câu hỏi muôn thuở: “Học giỏi để làm gì?”, một tài khoản đầy tự tin cho biết: “Mình tâm niệm việc học không phải để có công việc tốt, mà chính là để bản thân được mở mang và biết đến nhiều kiến thức. Học để có công việc chiếm 1, học để mở rộng thế giới quan chiếm đến 10. Mình vẫn luôn cảm thấy tự hào vì đến năm 27 tuổi vẫn theo đuổi sự học”.
Sếp giỏi cũng cần có tri thức, giá trị chuyện học nằm ở mục đích
Việc một người không có thành tích học tập nổi bật, không chịu khó cập nhật bản thân hay “ở không” nhưng một ngày trở thành sếp, lãnh đạo công ty… không phải hiện trạng quá mới trong xã hội ngày nay. Trước điều này, nhiều ý kiến thẳng thắng bày tỏ việc nên ngừng đánh đồng chức vị CEO là thành công bởi chúng chưa thể quyết định được giá trị con người.
Mark Zuckerberg, Bill Gates, Larry Page và nhiều tỉ phú “tự thân” giàu có khác từng bỏ học và lập nên những công ty tỉ đô đều là những minh chứng được nhiều người bao biện cho câu chuyện bỏ học hay học tệ. Ít ai biết được, ở vị trí người lãnh đạo, họ cũng phải “trầy da tróc vảy” trong suốt nhiều năm liền để tìm tòi, học hỏi kiến thức khắp nơi.
Việc học vẫn phụ thuộc vào sự phù hợp của con người và tương lai của bản thân, học không có mục tiêu rõ ràng thì dù giỏi đến đâu cũng khó lòng thành công được. Ngồi ở một vị trí cao là vấn đề dễ dàng nhưng để mang đến hiệu quả, điều hành được công việc và xử lý được hết thảy các vấn đề phát sinh… thì đòi hỏi người sếp phải giỏi về tư duy, kinh nghiệm và kiến thức.
“Thật ra định kiến về việc học giỏi cũng chỉ là lời an ủi của những người thiếu năng lực hoặc không có. Nhìn vào top những tỷ phú trên thế giới, có ông nào không giỏi? Có thể là ở thế hệ trước, giai đoạn bắt đầu đổi mới nhiều người tuy chưa được học nhiều nhưng họ tư duy nhanh nhạy, nắm bắt được cơ hội… nhưng nhìn lại những người giỏi xem, họ chẳng phải đã chạy ‘đằng đông đằng tay’ để học thêm à?”, một tài khoản thẳng thắn bày tỏ.
Học tập và con đường tắt để đi đến thành công
Tóm lại, việc học không phải hướng đi duy nhất để đi đến thành công trong sự nghiệp của mỗi con người nhưng là con đường tắt để hiện thực hóa ước mơ. Việc học cần được áp dụng đúng nơi, đúng lúc hơn là một “cuộc đua” trường kỳ không hồi kết về điểm số, thành tích và thứ hạng.
Việc học giỏi có thể sẽ không quan trọng nhưng việc có kiến thức là thứ bắt buộc nếu con người muốn có được thành công. Học tập có thể không quá nổi bật ở trường học, tuy nhiên cần tìm ra điểm mạnh hay sở trường của bản thân để từ đó học tập chuyên sâu. Bên cạnh đó, cần phải liên tục “update” bản thân với nhiều kỹ năng như: Ngoại ngữ, giao tiếp, quản lý…
Một tài khoản bày tỏ quan điểm trung lập: “Không phải học mỗi sách vở là giỏi đâu. Cần học nhiều về tư duy và cuộc sống thì mới thành công được. Ngoài ra, học cũng cần có sự chọn lọc chứ không phải giỏi tất cả các môn là thật sự giỏi. Nhiều người học không nhiều nhưng họ giỏi về mặt khác nên trông về kết quả thành tích ở trường lớp thì họ có vẻ ‘học dốt’ thôi”.
Theo Hiểu Đan-Theo PNS