Sau 8 năm vắng bóng, Bộ trưởng Quốc phòng TQ mang đến Shangri-La bài phát biểu nảy lửa nhằm vào Mỹ: “Muốn nói chuyện? Xin mời. Muốn đánh nhau? Sẵn sàng. Muốn bắt nạt? Không có cửa.”
“Công thức” thành công của ASEAN gặp thách thức
Tại Shangri-La, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M Shanahan nhấn mạnh các nguồn lực và biện pháp cụ thể để triển khai Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP). Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa kiên trì khuôn khổ Châu Á-Thái Bình Dương với bài phát biểu đanh thép hướng về Mỹ cùng thông điệp: “Muốn nói chuyện? Xin mời. Muốn đánh nhau? Sẵn sàng. Muốn bắt nạt? Không có cửa.”
Cả hai Bộ trưởng đều để ngỏ cơ hội tiếp tục thương lượng, hợp tác và tuyên bố không muốn xung đột-chiến tranh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn gọi đây là “cuộc đối thoại của người điếc” vì quan điểm quá khác biệt của đôi bên đối với các vấn đề an ninh cụ thể và tương lai trật tự khu vực.
Trong bài phát biểu chính tại Shangri-La, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có đánh giá thẳng thắn về hố ngăn cách ngày sâu rộng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, và kêu gọi đôi bên kiềm chế, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin chiến lược và tìm biện pháp giải quyết bất đồng.
Tuy nhiên, tiếng nói của Singapore cũng như các nước vừa và nhỏ khác đang bị lấn lướt bởi những chỉ trích gay gắt lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng cao từ hai bờ Thái Bình Dương.
Xuyên suốt Đối thoại Shangri-La 2019 là ba tầm nhìn khác nhau về một trật tự đang thay đổi, mặc dù cả ba đều tham chiếu đến lịch sử, luật pháp quốc tế và hợp tác khu vực.
Đối với Mỹ, sự hiện diện của nước này với tư cách cường quốc Thái Bình Dương vốn có lịch sử lâu đời, bắt đầu hơn 200 năm trước, khi tàu buôn Mỹ Empress of China thiết lập giao thương với Trung Quốc năm 1784. Sự khởi đầu này mở đường cho Mỹ gắn kết chặt chẽ với các nước trong khu vực, trải qua chiến tranh, tái thiết và cùng phát triển, đi từ kẻ thù đến đồng minh và đối tác.
Với Trung Quốc, lịch sử cận-hiện đại là những cuộc chiến tranh xâm lược và phân vùng ảnh hưởng của các cường quốc thực dân tại Châu Á. Liên hệ quá khứ này đến bối cảnh hiện tại, ông Ngụy chỉ trích sự “can thiệp của các cường quốc bên ngoài” trong khu vực, nhất là các điểm nóng như Đài Loan và Biển Đông.
Với Singapore cũng như các nước ASEAN, lịch sử Đông Nam Á “chưa bao giờ xa lạ với trò chơi quyền lực” của các nước lớn. Nhưng cũng từ trải nghiệm này, các nước trong khu vực đã tìm thấy chìa khóa thành công: Mở cửa đất nước và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đồng thời mở cửa Đông Nam Á cho sự tham gia, đối thoại và hợp tác với tất cả các cường quốc trong và ngoài khu vực, qua đó duy trì độc lập tự chủ và phát triển kinh tế của mỗi nước thành viên.
Tuy nhiên, công thức thành công này đang đối mặt với thách thức lớn từ cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Trong khi Mỹ cố gắng đặt mình trong vị thế và tâm thế là “cường quốc thường trú” ở Châu Á, Trung Quốc ngày càng không hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ vì coi đây là sự can dự từ bên ngoài.
Sóng ngầm ở Biển Đông
Tôn trọng luật pháp quốc tế cũng là một nguyên tắc được đề cập trong các phát biểu tại Shangri-La. Tuy nhiên, sự đồng thuận về nguyên tắc chung không giải quyết được mâu thuẫn trong việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế trên các vấn đề cụ thể, đặc biệt liên quan đến những diễn biến trên Biển Đông.
Theo cách nói của Trung Quốc, các hoạt động thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOPS) của tàu Mỹ và các nước đồng minh như Anh, Úc, Pháp vi phạm nội luật của các quốc gia ven biển đối với lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, không phù hợp với Công Ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), là nhân tố “gây bất ổn định và khó lường nhất” tại Biển Đông.
Cách giải thích này hoàn toàn trái ngược với lập trường của Mỹ và đa số các quốc gia về nguyên tắc qua lại vô hại ở lãnh hải và quyền tự do hàng hải tại vùng biển chung của nhân loại theo quy định của UNCLOS.
Đa phần các nước ASEAN ủng hộ tự do hàng hải về mặt nguyên tắc nhưng hạn chế công khai ủng hộ FONOPS, một phần do lo sợ Trung Quốc phản ứng, phần khác do lo ngại FONOPS có thể gây ra va chạm vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc ngay tại Biển Đông.
Trước việc Mỹ gia tăng tần suất FONOPs và phản ứng đáp trả quyết liệt hơn của Trung Quốc tại Biển Đông, việc duy trì lập trường “nước đôi” này ngày càng trở nên khó khăn hơn với các nước trong khu vực.
Cuộc chiến về định nghĩa khái niệm và áp dụng luật biển quốc tế còn thể hiện ở vấn đề quân sự hóa Biển Đông. Ông Ngụy cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự trên các thực thể ở Biển Đông vì mục đích phòng thủ không thể coi là “quân sự hóa” vì “xây dựng trên lãnh thổ của mình là quyền chính đáng của một quốc gia có chủ quyền.”
Lập luận này cho thấy Trung Quốc coi các thực thể ở Biển Đông là của mình như một lẽ đương nhiên, không thuộc phạm vi vùng tranh chấp nào. Ông Ngụy còn đảo ngược khái niệm “quân sự hóa” khi cho rằng chính FONOPs và các cuộc diễn tập hải quân của Mỹ và các nước đồng minh mới là “quân sự hóa” và buộc Trung Quốc phải tăng cường cơ sở quân sự trên Biển Đông.
Trung Quốc vẫn lấp liếm rằng, ngoại trừ FONOPs do các nước bên ngoài cố tình gây rối, Biển Đông hiện tại đang “sóng yên biển lặng” cùng với những tiến triển tốt trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).
Tuy nhiên, xuyên suốt Đối thoại Shangri-La, nhiều nước đã chỉ ra những cơn sóng ngầm và có thể là những cơn sóng dữ dưới bề mặt “bình yên” mà Trung Quốc vẽ ra. Nổi bật nhất là nhận định thẳng thắn của ông Shanahan rằng các quốc gia trong khu vực “không thể khai thác tài nguyên ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình” và “ngư dân không thể tiếp cận những vùng biển mà tổ tiên họ bao đời trước đây từng đánh cá”.
Vẫn theo lời ông Shanahan, “các nước không thể để lời nói thắm tình hữu nghị làm lạc hướng khỏi những hành động không mấy hữu hảo trên biển.” Ngoài ra, nhiều nước cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng COC làm con cờ để “đóng cửa Biển Đông” và do đó yêu cầu COC không đi ngược lại luật pháp quốc tế. Đây là những vấn đề mà ASEAN không thể làm ngơ trong tiến trình đàm phán COC.
Cạnh tranh Mỹ – Trung phủ bóng khu vực
Ngoài vấn đề Biển Đông, những lo ngại về tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại và cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung đối với tương lai khu vực cũng phủ bóng u ám tại Shangri-La. Chưa bao giờ mối liên hệ không thể tách rời giữa kinh tế và an ninh được đặt ra cấp thiết như vậy.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có câu trả lời chuẩn mực khi được hỏi về kế hoạch triển khai mạng 5G trong bối cảnh cấm vận ráo riết của Mỹ đối với Huawei. Ông cho rằng tất cả các mạng viễn thông đều tiềm ẩn nguy cơ gián điệp và rủi ro an ninh; tuy nhiên điều làm nên khác biệt trong việc lựa chọn nhà cung cấp 5G chính là niềm tin. Niềm tin đó không chỉ đơn thuần dựa trên đánh giá an toàn kỹ thuật mà phải được chứng minh từ ứng xử có trách nhiệm, tôn trọng chuẩn mực và luật pháp quốc tế của các nước lớn.
Phát biểu của ông Lý cũng là tiếng nói đại diện cho ASEAN nhằm bảo đảm tự chủ và quyền lợi của mọi quốc gia.
Tuy nhiên, vai trò cầu nối của ASEAN đang chịu sức ép lớn khi tầm nhìn chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ngày càng phân cực. Những công thức truyền thống của ASEAN – xây dựng trật tự khu vực mở và thu nạp, không chọn bên mà hợp tác với tất cả – không còn dễ thực hiện khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần bị phá vỡ và nền kinh tế-công nghệ thế giới dần phân tách thành hai hệ thống nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang trả đũa nhau.
Dẫu vậy, tiếng nói của ASEAN không đơn độc. Cùng với các đối tác, đặc biệt là các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc, ASEAN tiếp tục nỗ lực duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ, các chuẩn mực, luật pháp quốc tế và thể chế đa phương.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào hiệu lực cuối năm ngoái và Hiệp định Kinh tế Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến hoàn tất cuối năm nay chính là hai điểm sáng để khu vực này kiên trì con đường cởi mở, hợp tác và liên kết. Đây cũng chính là thông điệp chốt lại bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long – thận trọng hơn trong tương lai bất định phía trước nhưng không bao giờ từ bỏ nỗ lực và hi vọng.
Hoàng Thị Hà (Từ Singapore)