“Thành phố này của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt xa Singapore nếu đầu tư mạnh cho 3 thứ”, GS Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore (SMU) chia sẻ.
Phát triển xanh được coi là lựa chọn tất yếu cho tương lai bền vững. Phát triển bền vững cũng đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai. Đó là tăng trưởng xanh cùng với sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo đó, người dân sẽ là trung tâm và là chủ thể quyết định cho việc sống xanh và chuyển đổi năng lượng từ nâu sang xanh nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng về khí nhà kính về 0.
Vậy, Việt Nam nên bắt đầu như thế nào với chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững?
Nhân dịp các lãnh đạo của SMU đến Việt Nam, mới đây PV đã có cuộc trò chuyện cùng với GS Lily Kong, Chủ tịch của SMU, một trong những chuyên gia hàng đầu và có nhiều đóng góp cho việc phát triển xanh ở Singapore.
“Tôi thực sự ngạc nhiên trước sự phát triển của Hà Nội”
GS từng đến Việt Nam chưa? Bà có đánh giá sơ bộ thế nào về sự phát triển ở Việt Nam?
GS Lily Kong: Ồ, tôi đến Việt Nam được 4 – 5 lần rồi. Tôi từng đến Hà Nội và TP HCM. Lần cuối cùng tôi đến Việt Nam là vào dịp trước khi Covid-19 xảy ra. Hồi đó, tôi đã đi thăm phố cổ của Hà Nội, được trải nghiệm những bản sắc văn hóa và tìm hiểu về các câu chuyện lịch sử của Việt Nam. Còn lần này, vừa xuống sân bay, tôi di chuyển thẳng đến khu vực Ocean City. Có lẽ đây là một khu vực rất mới của TP Hà Nội.
Tôi thực sự ngạc nhiên và bất ngờ trước tốc độ phát triển và sự thay đổi, chuyển đổi của thành phố này. Bởi theo như tôi biết thì khu vực này trước đây là những cánh đồng lúa và đầm lầy. Nhưng bây giờ nơi đây là những tòa nhà cao tầng với rất nhiều “âm hưởng” từ những nền văn hóa khác nhau. Tôi ngỡ như mình đang ở London (Anh), Venice (Ý), Hàn Quốc… Hà Nội giờ đây trông rất hiện đại và quốc tế. Tôi nghĩ Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành Singapore trong tương lai gần, thậm chí là vượt xa, nếu đầu tư mạnh cho quy hoạch đô thị như nhà ở, giao thông và con người.
Là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển xanh, phát triển bền vững ở Singapore, theo bà, cơ hội nào cho Việt Nam phát triển trong lĩnh vực này?
GS Lily Kong: Tôi thấy rằng Việt Nam đang ở trong giai đoạn trọng điểm, giai đoạn bản lề. Đây là giai đoạn chúng ta bắt đầu xây dựng các đại đô thị mới, khu dân cư mới. Do đó, nếu các bạn thực sự muốn xanh và bền vững, đây sẽ là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta có thể bắt đầu. Khi chúng ta quyết định có một tầm nhìn thì chúng ta phải xây từ đó, vì rất khó thay đổi lại lộ trình ở giữa đường, đúng không? Xây dựng và bám sát lộ trình đã đề ra về phát triển xanh, phát triển bền vững thì chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong muốn.
Cơ hội cho Việt Nam phát triển xanh là rất khả quan. Tôi nghĩ trước mắt việc quan trọng nhất ở Việt Nam là chúng ta cần phải xác định được đâu là những thách thức cấp bách nhất hiện tại. Nếu chúng ta không giải quyết thì tất cả những lĩnh vực khác đều không hoạt động nữa. Chẳng hạn, ở Singapore, đó là vấn đề nhà ở. Nếu như chúng tôi không có nhà ở tử tế cho người dân thì không có một cái gì khác có thể phát triển được.
Một trong những nền tảng quan trọng của phát triển xanh là có hệ thống giao thông xanh. Trước khi làm được điều này, con người cần phải “an cư”, “an cư thì mới lạc nghiệp”. Theo tôi, Việt Nam có thể đầu tư vào vấn đề nhà ở, phát triển giao thông xanh và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc phát triển xanh khi có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, khối tư nhân vô cùng mạnh và có nhiều viện nghiên cứu, trường ĐH. Nhưng chúng ta cần phải có sự hợp tác ba khối này với nhau, bởi mỗi bên sẽ mang lại những giá trị khác nhau. Sự tổng hòa của những giá trị này thì mới tạo nên sức mạnh và giúp đạt dược hiệu quả mà chúng ta mong muốn.
GS vừa nói đến đầu tư vào nhà ở và giao thông. Singapore đã gặp những khó khăn gì trong quá trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội và xây dựng hệ thống giao thông?
GS Lily Kong: Như bạn biết đấy, Singapore là một quốc gia rất nhỏ, với diện tích chỉ hơn 730 km2 và dân số khoảng 6 triệu người. Đất nước chúng tôi có nhiều hạn chế từ tài nguyên thiên nhiên hữu hạn đến sự khan hiếm về đất đai. Chúng tôi chọn phát triển xanh và bền vững. Trong bối cảnh căng thẳng giữa bảo tồn môi trường và tăng trưởng kinh tế, Singapore đã áp dụng một phương pháp thiết thực bao gồm các quy định nghiêm ngặt, sáng tạo công nghệ và quy hoạch chiến lược.
Khoảng 80% dân số của chúng tôi sống ở nhà ở công. Chúng tôi có một ủy ban phụ trách những dự án nhà ở này. Đây là những dự án do Chính phủ dẫn dắt và các bên doanh nghiệp xây dựng dành riêng cho các công dân của Singapore. Họ được thuê nhà với giá rất rẻ so với thị trường.
Những dự án nhà ở tại Singapore là kết quả đem lại từ sự hợp tác giữ khối công – tư. Do đó, nhà ở công hay nhà ở xã hội là một công cụ vô cùng thiết yếu của xã hội Singapore. Bởi có tới 80% dân số của chúng tôi hiện sống trong nhà ở xã hội. Có thể nói loại nhà ở này là nơi “an cư lạc nghiệp” của phần lớn dân số Singapore.
Tuy nhiên, bên cạnh nhà ở, chúng tôi còn phải xây dựng rất nhiều chính sách liên quan cho người dân. Ví dụ, chính sách về nhà ở cho người trẻ, người già, sắc tộc khác nhau, đối tượng nào sẽ được nhận phần chiết khấu giảm… Chính sách về nhà ở của Singapore được ban hành để đạt được tất cả những mục tiêu mà tôi vừa nói. Đó là vừa đảm bảo nhà ở cho người dân vừa giảm thiểu mâu thuẫn trong dân số có đa dạng sắc tộc, đồng thời đảm bảo về chất lượng cuộc sống.
Vậy, khi chúng ta xây dựng một đô thị không phải chỉ dừng ở việc xây nhà, xây cầu, đường, trường, trạm đâu. Thay vào đó, khi bắt tay vào xây dựng đô thị, chúng ta phải hình dung được là mình đang muốn xây dựng một xã hội như thế nào. Nhà ở chỉ là “công cụ” để chúng ta xây dựng một xã hội mà chúng ta mong muốn mà thôi.
Tương tự, xây dựng hệ thống giao thông cũng như vậy. Theo tôi, một trong những dự án giao thông tiêu biểu nhất của Singapore là dự án đường sắt đô thị Singapore (SMRT). Dự án này bắt đầu được xây dựng từ năm 1982 với tổng mức đầu tư là 5 tỷ đô la Singapore. Đến tháng 11/1987, hệ thống đường sắt này bắt đầu hoạt động và chính thức được khai trương vào ngày 12/3/1988 dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu. Tuy nhiên, không chỉ mất 5 năm, chúng tôi thực tế đã dành ra hàng chục năm để nghiên cứu cả về vận tải, khả năng kỹ thuật, kinh tế và tài chính. Vâng, đó là một hành trình dài.
Đến nay, hệ thống đường sắt đô thị này dài 200 km, có hơn 140 trạm trên sáu tuyến MRT trải dài trên quốc đảo, với hơn ba triệu lượt đi hàng ngày.
GS đi thử xe điện ở Việt Nam chưa? GS đánh giá thế nào về xe điện ở Việt Nam?
GS Lily Kong: Có, tôi đã thử lái xe VinFast. Xe chạy rất tốt và rất thoải mái. Xe điện đang là xu thế phát triển tất yếu. Để thúc đẩy việc sử dụng xe điện ở Việt Nam đòi hỏi nhiều chính sách và biện pháp, từ việc làm cho giá cả các phương tiện này trở nên phải chăng đến đảm bảo đủ điểm sạc và tối ưu hóa vị trí của các điểm sạc để đảm bảo thời gian sạc là chấp nhận được. Nhưng giải quyết các vấn đề vận tải không chỉ là về việc thúc đẩy xe điện. Quan trọng là phải giải quyết tắc đường, điều kiện đường vì những chiếc xe điện tốt nhất phải chạy trên những con đường có ổ gà vẫn không mang lại trải nghiệm tốt nhất.
Ngoài ra, chúng ta cần phải cung cấp các phương tiện giao thông công cộng vừa tiện lợi vừa không quá đắt đỏ. Chúng ta có thể di chuyển đa phương tiện, tức là chúng ta không chỉ dùng mỗi taxi, xe máy điện, xe buýt điện… Thay vào đó, chúng ta có thể kết hợp tất cả các phương tiện đó và đảm bảo được sự liền mạch, dễ sử dụng và dễ kết nối.
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để phát triển xanh
Vậy, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là gì, thưa bà?
GS Lily Kong: Hiện nay, ngay từ khi bắt tay vào bất kỳ công trình nào, chúng tôi áp dụng những công nghệ mới nhất, bền vững nhất và xanh nhất… Singapore quá nhỏ bé, nên chúng tôi không thể xây ra một cái mà chúng tôi không sử dụng được. Chúng tôi phải xây một công trình gì đó tối ưu nhất để có thể tối ưu được diện tích dành ra cho nó.
Quy hoạch đô thị về nhà ở, giao thông không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Do đó, chúng ta cần phải có một chiến lược lâu dài và nghiêm túc thực hiện nó. Dân số ở Singapore hiện tại gần như là không tăng và chỉ có giảm đi thôi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang có tốc độ phát triển dân số rất tốt. Đây là một lợi thế.
Theo GS Lily Kong, đầu tư vào con người là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển xanh và bền vững.
Theo tôi, ngoài nhà ở, giao thông, Việt Nam nên chú trọng đầu tư vào con người, chính xác là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là chìa khóa quan trọng trong việc phát triển xanh và bền vững. Tôi và SMU từng có cơ hội hợp tác với ba trường đại học ở Việt Nam: ĐH quốc gia TP HCM, ĐH Kinh tế TP HCM và VinUniversity. Chúng tôi đã cùng triển khai những chương trình trao đổi và học tập để sinh viên và các giảng viên có cơ hội tham gia giải quyết những thách thức thực tế trong thế giới thực.
Tôi nhận thấy sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam rất thông minh, đầy động lực và ham học hỏi. Do đó, chỉ cần các hạn luôn nắm bắt, tích cực học hỏi thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn trong lĩnh vực này vào những năm sắp tới.
Ngoài ra, Việt Nam cần thu hút được sự tham gia của các trường đại học, viện nguyên cứu vào công cuộc chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Tại các trường đại học ở Việt Nam, cần chú trọng đào tạo về tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và tính đa ngành. Còn trong nghiên cứu, các bạn cần tập trung vào những thay đổi mang lại cho xã hội hơn là theo đuổi thứ hạng.
Như tôi đã nói ở trên, việc hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các viện nghiên cứu, trường đại học cùng với Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao trong việc chuyển đổi xanh.
Xin cảm ơn GS!
GS Lily Kong từng là Hiệu trưởng trước khi giữ vai trò Chủ tịch thứ 5 của SMU. Bà là phụ nữ Singapore đầu tiên giữ chức Chủ tịch một trường đại học tại Quốc đảo này. Trước khi gia nhập SMU, bà từng là Phó Hiệu trưởng (Giáo dục) và giữ các chức vụ quản lý cao cấp ở Đại học quốc gia Singapore (NUS).
GS Kong nổi tiếng với nghiên cứu về sự biến đổi đô thị và thay đổi văn hóa xã hội tại châu Á. Bà nhận được nhiều giải thưởng học bổng quốc tế uy tín, đồng thời lọt top Top 50 phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có tầm ảnh hưởng của Forbes Châu Á (2022).
(Ảnh: MH)- Minh Hằng-Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn