Tại thời điểm năm 2018, Trung Quốc có 208 kỳ lân, cao hơn Mỹ với 151 thì hiện nay xứ sở tỷ dân chỉ còn 171 kỳ lân, chỉ bằng ¼ so với 658 kỳ lân tại Mỹ.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay giới khởi nghiệp và ngành công nghệ Trung Quốc từng là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ, thậm chí trở thành người đi tiên phong trong một số lĩnh vực, đáng để các nước phát triển học tập.
Thế nhưng kể từ vụ vạ miệng của Jack Ma năm 2020 khiến chính quyền Bắc Kinh quyết tâm chấn chỉnh lại giới khởi nghiệp và ngành công nghệ, Trung Quốc đã dần đánh mất đi hào quang vốn có của mình.
Thời hoàng kim đã qua
Theo Nikkei, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ ở mảng trí thông minh nhân tạo (AI), điện mặt trời và xe điện cách đây vài năm.
Thậm chí trong một số lĩnh vực cụ thể như nhận dạng khuôn mặt, các startup Trung Quốc còn hoạt động tốt hơn cả những tập đoàn lớn của Mỹ.
Tuy nhiên giờ đây, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc lại đi sau rất nhiều trong mảng AI, để các tập đoàn Mỹ bỏ xa.
Nguyên nhân rất đơn giản, những trung tâm phát triển AI phụ thuộc rất lớn vào nguồn chip bán dẫn nước ngoài, nhưng Mỹ lại đang siết chặt nguồn cung này với Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng xoay sở với sự ra mắt dòng điện thoại 5G của Huawei cùng bộ vi xử lý tự thiết kế nhưng chúng bị đánh giá là vẫn lạc hậu công nghệ.
Trong 4 năm qua, khoảng cách sản xuất chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng từ 2 thế hệ lên 5 thế hệ khi các tập đoàn nước ngoài nỗ lực phát triển công nghệ này, còn xứ sở tỷ dân thì vẫn chưa thể bắt kịp.
Xét về quy mô, các tập đoàn phát triển AI tại Trung Quốc cũng nhỏ hơn so với Mỹ. Hiện công ty dẫn đầu Trung Quốc về mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho AI chỉ có vốn hóa thị trường là 33,7 tỷ USD và tạo ra 91 triệu USD doanh thu liên quan đến AI trong quý 4/ 2023. Con số này nhỏ hơn nhiều so với mức định giá 80 tỷ USD của OpenAI, cha đẻ ChatGPT, và khoản doanh thu 2 tỷ USD của hãng này.
Câu chuyện vốn trong mảng AI là cực kỳ quan trọng khi việc phát triển các mô hình LLM đang tiêu tốn hàng trăm triệu USD và có thể lên đến hàng tỷ USD khi ngày càng nhiều tập đoàn cỡ lớn nhảy vào tham chiến.
Thế nhưng việc đào tạo các mô hình đòi hỏi nguồn vốn lớn này đang làm khó cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc sau quãng thời gian bị chấn chỉnh bởi chính quyền Bắc Kinh.
Năm 2018, hai công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn Alibaba và Tencent Holdings có giá trị thị trường xấp xỉ 62% giá trị thị trường của hai công ty công nghệ lớn nhất Mỹ là Microsoft và Apple. Giờ đây, Alibaba và Tencent cộng lại chỉ có giá trị bằng 9% Microsoft và Apple.
Hiện 7 hãng công nghệ lớn nhất Mỹ là Apple, Microsoft, Nvidia, Tesla, Meta, Alphabet và Amazon có tổng vốn hóa thị trường là 13,2 nghìn tỷ USD. Trong khi đó 7 hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc chỉ có giá trị hơn 1 nghìn tỷ USD.
Không làm không sai
Theo Nikkei, ngành công nghệ Trung Quốc đang kém sáng tạo hơn trước vì lo ngại vi phạm các quy định của chính phủ.
Năm 2018, hàng loạt những xu thế mới như ứng dụng chia sẻ cho thuê xe đạp, tích hợp ứng dụng mạng xã hội và thanh toán trực tuyến, nền tảng video ngắn Tiktok…đều khiến thế giới phải chú ý. Tại thời điểm đó, dường như Trung Quốc là nơi khơi mào những xu thế nóng bỏng nhất của làng công nghệ toàn cầu.
Thế nhưng hiện nay, số lượng các kỳ lân, những startup được định giá 1 tỷ USD tại Trung Quốc dần suy giảm, nhất là kể từ khi Jack Ma phải vào ở ẩn vì cú vạ miệng năm 2020.
Tại thời điểm năm 2018, Trung Quốc có 208 kỳ lân, cao hơn Mỹ với 151 thì hiện nay xứ sở tỷ dân chỉ còn 171 kỳ lân, chỉ bằng ¼ so với 658 kỳ lân tại Mỹ.
Rất rõ ràng, tâm lý “càng làm càng sai, không làm không sai” đang lan rộng trong ngành công nghệ.
Sự chấn chỉnh của chính quyền Bắc Kinh không chỉ khép chặt nguồn vốn mà còn tác động lan rộng đến nhu cầu thị trường, nguồn lao động cũng như khả năng sáng tạo, tinh thần dám thử, dám sai của cộng đồng khởi nghiệp.
Cách đây 6 năm, các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đổ tiền vào khởi nghiệp nhiều hơn so với Mỹ. Thế nhưng vào năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc chỉ bằng ¼ so với Mỹ.
Nhiều chuyên gia có thể cho rằng những lệnh cấm vận của Mỹ đã ảnh hưởng đến nguồn vốn, nhưng sự hồi phục của Huawei lại cho thấy đây không phải vấn đề lớn với ngành khởi nghiệp nếu Trung Quốc thực sự muốn thúc đẩy mảng này.
Sợ hãi
Tờ Nikkei cho hay câu chuyện nguồn vốn chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong ngành công nghệ lẫn khởi nghiệp Trung Quốc.
Đặc trưng của mảng này là tinh thần dám đặt câu hỏi, dám thử và dám sai. Thế nhưng hàng loạt động thái chấn chỉnh ngành trò chơi điện tử, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến và tài chính online đã tàn phá tinh thần này.
Hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền, quốc hữu hóa một phần công ty tư nhân hay yêu cầu tái cơ cấu những tập đoàn lớn như Alibaba đã tạo nên bầu không khí sợ hãi bao trùm.
Theo Nikkei, ngày nay các doanh nhân Trung Quốc quan tâm đến việc liệu hoạt động kinh doanh của họ có thu hút sự chỉ trích của các cơ quan quản lý hay không hơn là liệu sản phẩm của họ có tạo sự đột phá trên thị trường.
Tất nhiên, mọi chuyên gia đều hiểu chính quyền Bắc Kinh cần thiết lập lại sự kiểm soát với những ông trùm ngành công nghệ đang dần đi quá giới hạn. Thế nhưng động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và sự sáng tạo của toàn ngành công nghệ.
Hiện nay các cơ quan chức năng Trung Quốc mới là bên lựa chọn lĩnh vực công nghệ để tập trung nguồn lực chứ không phải thị trường. Số liệu của Rhodium Group cho thấy ngân sách chính phủ Trung Quốc đang chiếm đến 60% tổng nguồn tài chính đầu tư cho hệ sinh thái khoa học công nghệ ở nước này.
Tuy vậy, sự hoạch định mang tính hành chính chủ quan này rất dễ dẫn đến thất bại khi tương lai phát triển công nghệ cũng như sự đột phá của thị trường là thứ không ai có thể đoán trước.
Lấy ví dụ như AI, chẳng ai nghĩ rằng Microsoft sẽ thành công khi đổ 10 tỷ USD cho OpenAI khi Google mới là ông lớn đi tiên phong trong mảng này. Thậm chí chính OpenAI cũng thừa nhận ChatGPT là một sản phẩm chưa sẵn sàng khi tung ra thị trường và ban lãnh đạo đã hoàn toàn bất ngờ về sự thành công này.
Ngay cả Elon Musk, người nổi tiếng với tầm nhìn công nghệ cũng mắc sai lầm khi từ bỏ OpenAI để rồi giờ đây hối tiếc, quay lại đầu tư từ đầu cho công nghệ AI.
Cuối cùng, dù Trung Quốc có thể thành công với một số lĩnh vực công nghệ trong ngắn hạn nhưng tờ Nikkei cho rằng môi trường tự do, tinh thần khởi nghiệp cởi mở mới nuôi dưỡng được sự phát triển lâu dài.
*Nguồn: Nikkei-Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ