“Mưa rửa đền” là hiện tượng được người dân đất Tổ coi là điềm lành mang đến may mắn bao đời nay.
Trước thềm nghỉ lễ Giỗ tổ Vua Hùng, từ khóa “mưa rửa đền” bất ngờ được tìm kiếm nhiều. Người ta thắc mắc không biết năm nay có cơn mưa xuất hiện để “thanh tẩy” đất trời trước khi người dân cả nước hướng về ngày giỗ Tổ hay không? Vậy thực chất “mưa rửa đền” là gì?
“Mưa rửa đền” diễn ra khi nào?
Từ xa xưa, “mưa rửa đền” vẫn luôn được coi là một hiện tượng thiêng liêng mang đậm dấu ấn của truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bao đời nay, người dân vẫn lưu truyền những câu chuyện về những cơn mưa kỳ lạ rơi xuống các ngôi đền, chùa vào những dịp quan trọng minh chứng cho sự linh nghiệm của những nơi này.
Và cứ năm nào cũng vậy, vào mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương, người dân lại hồi hộp mong mỏi đón cơn mưa thiêng thần bí – như thể đó là nhịp cầu nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, giữa hiện tại và quá khứ huy hoàng của tổ tiên.
Cơn mưa mang trong mình sự linh thiêng của những Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, là minh chứng cho sức mạnh tinh thần và niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Chính vì vậy, “mưa rửa đền” không chỉ đơn thuần là mưa, mà còn là biểu tượng của sự thanh tẩy, là lời nhắc nhở về một truyền thống tôn kính và gìn giữ những giá trị văn hóa tâm linh Việt Nam. Để mỗi khi tận mắt chứng kiến những cơn mưa trước và trong ngày Giỗ tổ, người dân bốn phương lại nhớ về câu ca dao:
“Khắp nơi con cháu ba kỳ
Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài
Sở cầu như ý ai ơi
Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng ba”.
Thông thường vào mọi năm, cứ trước và sau, thậm chí là trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) là những cơn mưa lại đổ xuống vùng trời Phú Thọ. Trước ngày lễ, thường từ ngày 7 tới 9/3, sẽ xuất hiện những cơn mưa như thanh tẩy, rửa sạch mọi bụi phàm trần, đón người dân khắp nơi đổ về dâng hương vào giỗ Tổ. Sau khi lễ xong, mưa sẽ lại thường diễn ra vào các ngày 11/3 đến 13/3 Âm lịch như gột rửa tất thảy, trả lại cho vùng đất liêng thiêng này dáng vẻ vốn có. Dù mưa ít hay mưa nhiều nhưng năm nào cũng có, rất hiếm khi nào trời không mưa. Theo người dân, các cơn mưa này thường là mưa rào, diễn ra nhanh, sau đó tạnh ngay mà không phải kéo dài lê thê vài ngày.
Theo tín ngưỡng dân gian, “mưa rửa đền” thường gắn liền với nghi thức lễ “mộc dục” trong tín ngưỡng thờ cúng. Tức là trước khi thực hiện nghi lễ chính, người dân sẽ làm lễ tắm tượng và các đồ tế khí. Mục đích là lau rửa đồ thờ cho sạch sẽ, dọn dẹp không gian thờ cúng cho tố hảo, trang nghiêm. Chính vì vậy, khi trước lễ hoặc trong lễ có mưa, người ta sẽ liên tưởng ngay dến việc thần linh cho mưa để “làm sạch” cả ngôi đền, vì thế nên gọi là “mưa rửa đền”.
Ngày 10/3 Âm lịch năm ngoái (tức ngày 29/4), người dân miền Bắc cũng đã chứng kiến trời bất ngờ đổ mưa lớn. Mưa nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình,… Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, một số nơi ở Hà Nội còn mưa gây ngập đường. Trong một bài phỏng vấn trao đổi với phóng viên Dân trí vào chiều 12/4/2022, ông Lê Trường Giang – Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ cho biết, sáng cùng ngày ở khu vực Đền Hùng đã có một cơn mưa nhỏ, sau đó trời nắng và xuất hiện 7 sắc cầu vồng rất đẹp. Điều đặc biệt ở chỗ cơn mưa nhỏ chỉ diễn ra quanh khu vực Đền Hùng, còn thành phố Việt Trì và khu vực lân cận vẫn tạnh ráo. Ông Giang cũng cho biết, hiện tượng mưa này không phải điều gì quá lạ, bởi đã diễn ra lặp đi lặp lại xuyên suốt chiều dài lịch sử ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Xét ở góc độ người làm khí tượng, ông Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết việc mưa diễn ra vào ngày giỗ Tổ là hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên. Ngày giỗ Tổ 10/3 Âm lịch thường rơi vào tháng 4 Dương lịch. Ở miền Bắc thời gian này vẫn còn rải rác mưa, xác suất mưa tại khu vực Việt Trì sẽ rơi vào trước hoặc sau 1 vài ngày so với chính lễ. Các cơn mưa này cũng chủ yếu là mưa rào hoặc mưa dông mùa xuân xong tạnh ngay.
Dẫu vậy, việc trùng hợp ngẫu nhiên hay liên quan đến niềm tin tâm linh thì cũng mang lại sự thú vị trong dịp giỗ Tổ Vua Hùng. Trong tháng 3 Âm lịch, có nhiều lễ hội ở các đền chùa diễn ra. Điều này cũng rất dễ giải thích bởi những tháng đầu năm mưa xuân nhiều vì thế tần suất mưa diễn ra đúng ngày lễ thường rất cao.
Đó là nói ở góc độ khoa học, còn nói về góc độ niềm tin tâm linh và tín ngưỡng, từ xa xưa, mưa rơi xuống trần gian mang lại sự tốt tươi, ruộng đồng bội thu nên vốn được coi là điềm lành và sự may mắn.
Chính vì vậy, những cơn mưa vào tháng 3 Âm lịch luôn đặc biệt hơn cả, cũng chẳng biết thực hư ra sao nhưng mưa cứ diễn ra xoay quanh ngày lễ giỗ Tổ hàng năm, nên nó đã nhuộm một dáng vẻ linh thiêng. Và điều đặc biệt hơn cả, “mưa rửa đền” vào những ngày này luôn được coi là may mắn. Chưa kể, “mưa rửa đền” đã xuất hiện trong nhiều truyền thuyết thời Vua Hùng, điều đó càng củng cố thêm niềm tin của người dân vào điềm lành ấy.
Chuyện cũ về “Mưa rửa đền”
Hơn 4000 năm, dòng máu Lạc Hồng chảy tràn trong huyết quản của con dân người Việt và mỗi cái cây, ngọn cỏ, dãy núi ở vùng đất Tổ này đều ôm ấp nhiều thăng trầm lịch sử. Dường như mỗi hàng cây cổ thụ ở đỉnh núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn đều mang linh hồn bảo vệ cho vùng đất thiêng này.
Những hạt mầm từ khi được ủ trong lòng đất, đã mang theo câu chuyện từ ngàn xưa, uống sương gió đất trời vùng “tam sơn cấm địa” để lớn lên, như những liên kết luôn bảo vệ vùng đất của vua cha bình an qua năm tháng. Và mỗi khi đến ngày giỗ Tổ – nơi thờ phụng cha Lạc Long Quân – mẹ Âu Cơ, các Vua Hùng, các Lạc hầu Lạc tướng lại đón cơn mưa lành như gửi gắm thông điệp về vùng đất thiêng này vẫn sẽ mãi đón bình an và thịnh trị.
Xin trích dẫn một phiên bản nói về “mưa rửa đền” của nhà văn Đỗ Hàn rút trong tập Bức huyết thư để chúng ta có thể hiểu rõ hơn khái niệm “mưa rửa đền” từ thời xưa.
Ngày ấy, Hùng Vương – người con cả của Âu Cơ có trí tuệ hơn người, đã thống lĩnh hầu hết các bộ lạc trong vùng và lên ngôi vua. Vua Hùng chọn đóng đô ở khu vực hòa lưu của sông Đà, sông Lô với sông Cái, đặt tên nước là Văn Lang.
Trong vùng khí đó nổi lên giữa những cánh rừng bạt ngàn là núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền núi này rất thiêng, hàng ngày có mây lành ngũ sắc tụ trên đỉnh, đêm đến có bóng tiên du ngoạn, bởi vậy Vua Hùng chọn đất ấy làm nơi thờ Tổ tiên và tế Trời Đất.
Mỗi độ xuân về, Vua Hùng và quần thần tổ chức lễ hội, tế tự trong niềm vui của dân chúng. Đó là lúc các bộ lạc phía Bắc, Đông Tam Đảo làm loạn để chiếm đất. Vua quyết tâm mở mang bờ cõi. Cả nước đều biết 101 con voi thần, do thần linh ban, chỉ hướng về núi Nghĩa Lĩnh khi nghe trống đồng do vua đánh. Vua cầu khấn Đấng tối linh rằng dù là Thần hay Nhân ở đất này, nếu có lòng phản trắc thì xin trời chu đất diệt, phanh thây xé xác giữa trời.
Ngày giỗ Tổ, Lạc tướng Lương Ám muốn thay thế Vua làm chủ tế. Trong lễ, một con voi đực vùng dậy, lắc mình kêu ré lên và xăm xăm lao đi ngược với hướng núi Nghĩa Lĩnh, theo sau là con voi cái. Mẹ Âu Cơ đọc lời nguyền họ Hùng như vua đã khấn, bão táp kéo dài ba ngày đêm là sự tức giận của thần linh. Vua Hùng từ xa trở về, thấy 99 con voi biến thành đồi nhìn về núi thiêng, chỉ còn hai con voi trong bi kịch. Vua cầu khấn Thần Rừng nếu là con voi trung nghĩa thì chứng tỏ bằng tâm huyết đỏ như máu ta, đó là Thần dân trung thành. Từ vết thương của con voi, dòng máu đỏ tuôn ra, chứng tỏ lòng trung thành. Nhà vua cúi xin cha Trời, mẹ Đất rằng mỗi năm vào ngày này, hãy đổ xuống mưa thần làm dịu nỗi đau của hai con voi trung nghĩa.
Trời bỗng đổ một trận mưa rào rất to. Đêm đó là mùng 10 tháng 3. Người đời sau bảo rằng đó là “Mưa rửa đền”. Đền đây là đền bù, đền đáp – một sự cải chính của bề trên! Và bãi Chu Chàng hiện nay cũng từng là nơi con voi nằm. Dù thời gian thay đổi, chuyện xưa có thể không rõ ràng, người ta chỉ biết rằng đêm mùng 10 tháng 3 nào cũng vậy, ở núi Hùng có mưa thì ở bãi Chu Chàng cũng có mưa…
Theo Minh Dương-Theo PNM