Trong 5 từ khóa được ông Trương Gia Bình gọi tắt là “Tuệ Bán Xe Số Xanh”, có một vấn đề giờ đây đã trở thành bắt buộc với các công ty nếu muốn ký những hợp đồng giá trị lớn với các tập đoàn tầm cỡ.
Hôm 10/4/2024, CTCP FPT (mã CK: FPT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên tại Hà Nội theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, sau một năm 2023 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tại đại hội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình kể lại rằng, cách đây 2 tuần, một đoàn lãnh đạo các công ty Nhật Bản đã sang Việt Nam làm việc và có buổi gặp mặt với FPT. Theo ông Bình, họ đã lựa chọn hợp tác với Việt Nam dựa trên 5 từ khoá: Trí tuệ nhân tạo, Bán dẫn, Xe điện, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh. Chủ tịch FPT gọi tắt là “Tuệ Bán Xe Số Xanh”.
“Thực ra 5 từ này đã quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ vừa qua, và sẽ tiếp tục xác định 1/4 thế kỷ còn lại“, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Chia sẻ cụ thể hơn về từ khóa “chuyển đổi xanh”, ông Bình chỉ ra rằng nếu muốn phát triển nhanh và lớn mạnh, chỉ có một cách là đi tiên phong.
“Về làm phần mềm, chúng tôi đi sau Ấn Độ phải đến 15 năm. Quá chậm, đuổi họ mệt và khó vô cùng tận. Câu đầu tiên mọi người hỏi luôn là khác gì Ấn Độ, trả lời không mạch lạc là thua. Vì vậy, mình phải đi tiên phong“, ông lấy ví dụ.
Vị Chủ tịch cho biết Tập đoàn FPT luôn theo dõi rất sát các diễn biến công nghệ và thường đầu tư “trước một bước”. Quay lại vấn đề chuyển đổi xanh, ông kết luận rằng Việt Nam nói chung và FPT nói riêng cũng phải đi trước một bước như vậy.
“Nếu so với khối Bắc Âu, chúng ta đi muộn khoảng 15-20 năm, nhưng nói chung vẫn là sớm.
Các bạn phải hiểu rằng từ khóa “xanh”có sức ảnh hưởng kinh khủng. Bây giờ FPT muốn ký hợp đồng to với các tổ chức lớn, hễ con số lên đến 10 triệu, 100 triệu đô, kiểu gì họ cũng hỏi: “Ông có xanh không?”. Không xanh là không ký luôn. Mà các hợp đồng của FPT bây giờ sẽ có quy mô lên tới hàng trăm triệu, nên phải đi trước“, ông Bình lý giải.
Ngoài ra, ông cho biết FPT cũng đang tư vấn cho các tập đoàn về việc làm thế nào để trở nên “xanh”, hoặc phát triển những giải pháp phần mềm để hướng tới “kế toán xanh” cho khách hàng cả ở trong nước và trên thế giới.
Giống như những phát biểu của Chủ tịch FPT, thực tế cho thấy từ khóa “xanh” đang dần lan tỏa tới mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế. Hôm 9/4, Forbes Việt Nam đã lần thứ ba tổ chức Hội nghị Phát triển Bền vững với chủ đề “Nền kinh tế mới”.
Một trong những chủ đề thảo luận lớn trong sự kiện là nền kinh tế carbon thấp. 2023 là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua trên Trái Đất, và tác nhân không thể không kể đến là khí thải nhà kính từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn, mọi người đều cảm nhận rõ rệt môi trường sống và làm việc đang bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều địa phương chịu các thảm họa thiên tai, lụt lội, sạt lở…
Vì vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu đã chia sẻ cách thức giảm “dấu chân carbon” trong hoạt động kinh doanh, chuyển dịch sang sản xuất xanh, đáp ứng các yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới. Các chuyên gia cũng chia sẻ góc nhìn về cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM, cũng như cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường carbon.
Dấu chân carbon (carbon footprint) là khái niệm mô tả lượng khí nhà kính được tạo ra từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người. Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đang thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ngăn sự nóng lên toàn cầu dẫn tới các thảm họa biến đổi khí hậu.
Minh Anh–Theo An ninh Tiền tệ