“Trong cuộc đời có những người khi gặp, tôi sững sờ vì trí tuệ và nhân cách của họ. May mắn lớn của tôi trong thời gian ở Việt Nam là được làm việc với một số người hiền tài của đất nước, là những cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải”, GS. TS Trần Ngọc Anh chia sẻ.
Anh Trần Ngọc Anh – Lọt Danh sách người Việt có tầm ảnh hưởng năm 2024
Giáo sư Quản trị công, Đại học Indiana.
Trường hiện xếp hạng số 1 ở Hoa Kỳ về Quản trị công. Là Chủ tịch của Vietnam Initiative – một mạng lưới toàn cầu về nghiên cứu chính sách công và bồi dưỡng lãnh đạo cho Việt Nam. Anh đã tham gia phát triển cho hàng trăm lãnh đạo trẻ trên các lĩnh vực của đất nước.
Về Khoa học, các công trình nghiên cứu về Quản trị nhà nước và Kinh tế của anh được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu trong Kinh tế, Tài chính và Chính trị như Journal of Financial Economics, Journal of Public Economics, và American Political Science Review.
Anh cũng thường xuyên tư vấn cho Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, và nhà nước Việt Nam; nhận Giải thưởng Lãnh đạo trẻ châu Á (2001), Chuyên gia Đông Á của Liên hiệp quốc (2006), Giáo sư Trẻ Xuất sắc tại ĐH Indiana (2014). Anh tốt nghiệp Tiến sĩ về Chính sách Công tại Đại học Harvard (2009).
01. Xiềng xích vô hình
– Là khách mời và diễn giả của Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng” 2024, cảm xúc của anh thế nào?
Người Việt ở khắp nơi thế giới, dù ở trong nước hay ngoài nước, đều có những sáng kiến, hoạt động đóng góp cho đất nước. Tham dự Diễn đàn, tôi được gặp nhiều nhân vật là người Việt xuất sắc trên thế giới và học hỏi được những việc họ đang làm để xây dựng Tổ quốc.
Bên cạnh đó, tôi cũng có cơ hội chia sẻ với họ những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Tôi cảm ơn AVSE (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu) đã có sáng kiến và dành nhiều tâm huyết để tổ chức Diễn đàn giá trị này.
– Anh đã sống và làm việc ở Nga, Pháp, Úc và Mỹ. Anh làm kinh doanh, chuyển sang Văn phòng Chính phủ và giờ là Giáo sư Đại học, vậy đâu là thách thức lớn nhất thôi thúc anh vượt qua chặng đường nhiều thay đổi này?
Thách thức lớn nhất có lẽ là những xiềng xích trong suy nghĩ do tôi tự tạo ra. Khi trẻ, tôi chỉ muốn được vào trường tốt, rồi muốn có việc tốt, rồi muốn có vị trí xã hội, muốn được mọi người công nhận. Với năng lực có hạn, tôi cũng phải thất bại nhiều lần, mất nhiều năm, cố gắng đi con đường này. Khi kết quả bắt đầu đến, tôi tự hỏi: Liệu sự theo đuổi danh vọng như vậy có phải mục đích của cuộc đời không? Mình sống thế nào để ý nghĩa nhất cho chính mình?
Tôi dần dần thấy một cảm xúc trống rỗng trên con đường theo đuổi danh vọng cho cá nhân. Tôi nhận ra, mình đang chạy theo những quan niệm của xã hội và thói quen của bản thân. Tôi chưa bao giờ tự hỏi những quan niệm đó có thực sự đúng không, mà chỉ chấp nhận chúng. Chính vì thế những quan niệm này trở thành những xiềng xích vô hình khó nhìn ra. Nếu được, tôi muốn nói với các bạn trẻ: Hãy phá bỏ xiềng xích do chính mình tạo ra!
– Anh chuyển từ khu vực kinh doanh sang làm nhà nước để phá bỏ một xiềng xích phải không?
Thường thì ở khu vực nhà nước có nhiều trói buộc hơn khu vực kinh doanh. Nhưng đối với tôi, làm việc ở khu vực công cho mình một cơ hội được đóng góp tới các chính sách và các dịch vụ cho người dân. Cái này giúp tôi bỏ bớt một xiềng xích vị kỷ. Nhưng tôi phải nói là nhiều người ở khu vực kinh doanh đóng góp cho xã hội hơn cả khu vực nhà nước.
– Vậy trở thành một Tiến sĩ và Giáo sư Đại học giúp anh phá bỏ xiềng xích gì?
Khi tôi đi làm một thời gian, cha tôi bảo: “Cha có bằng TS, em con cũng có bằng TS, con cũng nên học TS”. Tôi cười và nghĩ là TS hoàn toàn không phù hợp với con người hành động và thực tế như mình. Định kiến đó chính là một xiềng xích của tôi. Khi làm tại Văn phòng Chính phủ, tôi chợt nhận ra mình rất muốn hiểu tận gốc mọi vấn đề. Tôi phát hiện trong mình một động lực tìm tòi mạnh mẽ. Lúc đó tôi nộp đơn vào chương trình Tiến sĩ bên Mỹ với một ‘âm mưu’ là phải tìm ra được chìa khóa cho con đường phát triển của những nước như Việt Nam.
– Và Đại học Harvard nhận anh vào chương trình Tiến sĩ?
Không, thực ra họ từ chối đơn xin học của tôi. Thay vì nhận vào chương trình Tiến sĩ, họ cho tôi vào chương trình Thạc sĩ. Sau khi học một năm trong chương trình Thạc sĩ của họ, tôi cố gắng được điểm tối đa trong các môn học, lấy được thư giới thiệu mạnh của 3 giáo sư, rồi nộp đơn một lần nữa, mới được nhận vào chương trình Tiến sĩ.
– Từ trải nghiệm đó, anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ muốn vào chương trình Tiến sĩ ở những trường Đại học tốt trên thế giới?
Tấm vé để vào được những chương trình Tiến sĩ tốt ở Mỹ là thư giới thiệu mạnh của các Giáo sư hay Nhà nghiên cứu giỏi. Tất nhiên, học bạ, điểm thi vẫn phải xuất sắc, nhưng quyết định nhất là thư giới thiệu của các Giáo sư giỏi. Vì sao vậy? Ở Mỹ, chương trình Tiến sĩ là chương trình đào tạo ra những người làm nghề nghiên cứu. Do vậy, hội đồng tuyển sinh cần những Nhà nghiên cứu giỏi giới thiệu là bạn có tiềm năng trở thành Nhà nghiên cứu giỏi. Không phải lo về học bổng vì ở Mỹ các chương trình Tiến sĩ tốt đều có học bổng, được nhận thì sẽ có học bổng.
02. Những người thầy truyền cảm hứng…
– Làm sao có thể lấy được thư giới thiệu mạnh của một giáo sư giỏi, thưa anh?
Với tôi thì không dễ. Khi học chương trình Thạc sĩ, tôi chọn học các môn cùng với sinh viên đang học Tiến sĩ, với hy vọng lấy được thư giới thiệu của thầy cô. Có môn khó đến mức mà lên lớp tôi chỉ hiểu được khoảng 50% lời thầy giảng. Một giáo sư thấy vậy mới kể cho lớp một câu chuyện: Cách đây 10 năm, ông ấy cũng có một sinh viên Việt Nam trong lớp. Giữa học kỳ, sinh viên này lên gặp ông ấy và nói là “Professor. Speak. Slow” (Giáo sư! Nói! Chậm đi!) – ý là người ấy cũng hầu như không hiểu gì trên lớp. Thế nhưng người đó cuối cùng được điểm cao thứ 2 trong khoảng 100 sinh viên trong lớp đó.
Câu chuyện này động viên tôi rất nhiều. Mặc dù không hiểu nhiều trên lớp, nhưng tôi dành rất nhiều thời gian đọc sách, chuẩn bị, làm bài tập tối đa. Giữa học kỳ tôi nhờ thầy viết thư, và thầy đã gửi thư giới thiệu để vào chương trình Tiến sĩ. Nhưng cuối học kỳ, khi có điểm đứng đầu lớp, thầy viết email cho tôi và nói rằng thầy đã sửa và gửi lại thư giới thiệu dựa trên điểm mới (chứng tỏ thư trước thầy viết chưa mạnh). Từ đó, tôi cùng hiểu được sự khách quan, công bằng của các giáo sư Mỹ.
– Ở Việt Nam, anh có gặp những người thầy công bằng như vậy không?
Có chứ. Lúc tôi xin thư giới thiệu của bác Trần Đức Nguyên, Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Tôi nhờ bác: “Cháu muốn đi du học Mỹ, bác viết cho cháu một bức thư thật ‘mạnh’ nhé”. Bác cũng quý tôi nên đã nói rất thật: “Mình làm với Ngọc Anh chưa được lâu, chưa quan sát được nhiều, nên mình chưa thể viết được thư ‘mạnh’”.
Mặc dù cách trả lời của bác khiến lúc đó tôi giật mình, nhưng cũng nhờ vậy mà tôi học được cách thẳng thắn với mọi người. Trong công việc, bác hỗ trợ rất nhiệt tình và sau này cũng là người rất thân thiết với tôi. Nhưng bác rất dứt khoát, rõ ràng và thẳng thắn. Bác Nguyên cũng không biết một lời nói như vậy đã ảnh hưởng đến việc xây dựng nhân cách của tôi về sau. Thẳng thắn, chân thành với chính mình và mọi người là vượt qua được một xiềng xích.
– Anh có được truyền cảm bởi ai ở Việt Nam nữa không?
Trong cuộc đời có những người khi gặp, tôi sững sờ vì trí tuệ và nhân cách của họ. May mắn lớn của tôi trong thời gian ở Việt Nam là được làm việc với một số người hiền tài của đất nước, là những cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Những người truyền cảm sâu sắc tới tôi là bác Trần Việt Phương, Lê Đăng Doanh, Võ Đại Lược, Phạm Chi Lan, Đặng Đức Đạm và một số nhân sỹ lớn khác của đất nước. Mỗi lần gặp khó khăn, tôi hay nghĩ đến họ, và tự hỏi họ sẽ làm gì trước khó khăn của tôi.
– Anh thấy cách giáo dục ở Mỹ có gì khác ở Việt Nam?
Khi chuẩn bị tốt nghiệp, tôi lên gặp GS Dwight Perkins, nguyên Trưởng khoa Kinh tế của ĐH Harvard, để hỏi thầy lời khuyên nên làm gì sau khi tốt nghiệp. Tôi hy vọng thầy sẽ chỉ cho tôi sẽ nghiên cứu gì, và xuất bản thế nào để chóng trở thành giáo sư giỏi. Nhưng thầy cho một lời khuyên khá ngạc nhiên: “Hãy là chính mình”.
Dần dần, tôi nhận ra đây là một triết lý trong giáo dục ở Hoa Kỳ. Ở Á Đông, cha mẹ, thầy cô thường có lời hướng dẫn cụ thể là mình nên chọn nghề gì, bằng cấp gì, làm việc như thế nào. Trong giáo dục ở Mỹ, lời khuyên quan trọng nhất là “Hãy là chính mình. Đừng cố gắng làm người khác”. Mỗi triết lý có cái hay riêng. Đối với tôi, “Hãy là chính mình” khuyến khích tôi tự phát hiện ra những quan niệm của xã hội ăn sâu trong bản thân và đang xiềng xích mình. Nó giúp tôi dũng cảm hơn để làm những việc không đúng chuẩn mực xã hội nhưng có ý nghĩa với mình.
– “Hãy là chính mình” có thể hơi trừu tượng với các bạn trẻ ở Việt Nam. Anh có cụ thể hóa cho các bạn trẻ đang chọn con đường đi của mình không?
Bạn hãy chọn một con đường hay nghề nghiệp mà nghĩ đến nó là bạn hào hứng tới mức đêm nghĩ tới không ngủ được. Nó không nhất thiết là con đường mà gia đình và xã hội kỳ vọng bạn đi. Nhưng chỉ đi con đường đó bạn mới có hạnh phúc và động lực mạnh mẽ để thành công.
03. Thành công không phải điểm đến, mà là con đường mình đi
– Theo anh, sự thành công được đo bằng gì?
Vận động viên Mỹ nổi tiếng Robert Cheeke chỉ ra rằng cách đánh giá tốt nhất cuộc đời mình là xem những người tới dự lễ tang của mình nghĩ gì. Nếu dùng thước đo này, thì tiền bạc hay vị trí xã hội chắc không ăn thua, mà phải xem mình làm được gì cho gia đình và xã hội. Đây là thước đo của tôi trong nhiều năm.
– Giờ anh còn dùng thước đo đấy không?
Tôi bỏ nó rồi. Vì tôi nhận ra rằng nó phụ thuộc vào chuẩn mực của xã hội. Theo nó thì mình sẽ phải phấn đấu để mọi người đánh giá tốt về mình. Nếu mình làm một việc tốt, mà những người khác không đánh giá cao thì sao? Do vậy, tôi nghĩ thước đo là mình thực sự nghĩ là mình đã cố gắng hết sức. Còn người khác nghĩ thế nào thì cũng không phải quá quan trọng.
– Sáng kiến Việt Nam của các anh hiện có cơ hội gì cho các bạn trẻ không?
Sáng kiến Việt Nam là một mạng lưới những những chuyên gia giỏi trên thế giới và trong nước về bồi dưỡng lãnh đạo và phân tích chính sách cho Việt Nam. Chúng tôi luôn tìm kiếm nhân tài trẻ để phát triển, dần dần thay thế hệ chúng tôi. Chúng tôi có những chương trình thực tập, và làm việc cho các bạn trẻ có nhiệt huyết trong lĩnh vực chính sách phát triển đất nước. Sáng kiến Việt Nam đang triển khai chương trình ứng dụng thiền để phát triển trí tuệ, nhiệt huyết và hạnh phúc cho các bạn trẻ. Nếu mình nghĩ sâu, muốn phá bỏ được hết những xiềng xích trong suy nghĩ của mình thì các bạn trẻ cần sử dụng thiền để hiểu và kiểm soát tâm mình.
– Anh có thể chia sẻ với các bạn trẻ một bí quyết để phá bỏ xiềng xích không?
Để làm được việc lớn, ta phải nghĩ vượt lên lối suy nghĩ thông thường. Nói cách khác, ta phải phá bỏ những xiềng xích vô hình đang trói buộc số đông. Nhà châm ngôn Pháp Pierre Marc Gaston từng nói “Hãy đánh giá một con người bằng câu hỏi, thay vì câu trả lời mà người ấy đưa ra”. Bạn đặt biết câu hỏi đúng thì bạn sẽ thấy được xiềng xích đang trói buộc tiềm năng của bạn. Câu hỏi lớn nhất cho con đường của bạn là gì?
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng” – Vietnam Global Leaders Forum – VGLF 2024 là một sự kiện quan trọng, quy tụ những người Việt và gốc Việt xuất sắc trên toàn cầu, có tầm ảnh hưởng, có khát vọng được cống hiến và hành động cho sự phát triển của đất nước nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp nối thành công của năm 2019, sự kiện năm nay sẽ đánh dấu những hoạt động mang tính chiến lược, cùng đất nước vượt qua thử thách, đón đầu cơ hội, cùng nhau phát huy tiềm lực to lớn của dân tộc.
Là quốc gia có nền kinh tế năng động, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. VGLF 2024 tập trung vào đối thoại xoay xung quanh chủ đề chính “Việt Nam – Vươn mình trong biến động”, với ba câu hỏi lớn: “Làm sao để kết nối nguồn lực nhằm phát huy tiềm lực và thúc đẩy Thịnh vượng Việt Nam”; “Làm sao để nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới”; và “Làm thế nào để khai thác và sử dụng những chìa khóa của thành công để bứt phá”.
Ứng Hà Chi-Theo Đời sống Pháp luật