Thực tế luôn tàn khốc, quá tốt bụng sẽ dễ bị lợi dụng, quá hào phóng sau cùng cũng sẽ chỉ tự làm tổn thương chính mình
Trên mạng xã hội, có người đặt ra một câu hỏi rằng: Tại sao có những người rõ ràng rất tốt bụng nhưng lại bị phụ lòng?
Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt tán đồng rằng: Bởi lẽ “chân tình” giữa người với người thường thất bại dưới tay ba chữ “cứ tưởng là…”
Tôi cứ tưởng rằng chỉ cần đối xử tốt với người khác, thứ tôi nhận lại sẽ là sự chân thành.
Tôi cứ tưởng rằng chỉ cần tử tế với người khác, tôi sẽ tự nhiên nhận lại được lòng biết ơn.
Tôi cứ tưởng rằng chỉ cần mình đủ bao dung, tự nhiên sẽ có một kết thúc có hậu.
Nhưng thực tế luôn tàn khốc, quá tốt bụng sẽ dễ bị lợi dụng, quá hào phóng sau cùng cũng sẽ chỉ tự làm tổn thương chính mình. Bước vào tuổi trung niên, cách yêu thương bản thân tốt nhất là chăm sóc lòng tốt và thu lại sự rộng lượng của bản thân.
01–Lòng tốt không có giới hạn
Tất cả những gì chúng ta nhận được chỉ là lấy oán báo ơn.
Nhà văn Mạc Ngôn từng kể lại trải nghiệm cá nhân trong một bài phát biểu.
Một năm nọ, vào dịp Trung thu, gia đình anh làm món sủi cảo nhưng chỉ đủ cho mỗi người một bát.
Đang lúc cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm thì có một ông lão ăn xin đến trước cửa nhà ông xin đồ ăn, nhà văn Mạc Ngôn thấy vậy liền đưa cho người ăn xin nửa bát khoai lang khô.
Không ngờ, ông lão nhìn củ khoai lang khô trong bát tức giận nói: “Tôi dù gì cũng là một người già, nhà cậu ăn sủi cảo lại chỉ cho tôi khoai lang, các người có lương tâm không vậy?”
Nhà văn Mạc Ngôn nghe vậy lập tức tức giận nói: “Gia đình chúng tôi một năm cũng chỉ được ăn sủi cảo vài lần, mỗi người một bát ăn còn không đủ no, chia cho ông khoai lang là tốt lắm rồi.”
Sau đó mẹ mắng ông đồng thời chia cho ông lão ăn xin một nửa bát sủi cảo của mình, lúc đó ông lão mới chịu đi.
Vậy nhưng câu nói “Mấy người có lương tâm không vậy?” lại gần như phủ nhận mọi thiện ý của gia đình nhà văn.
Dù có cho nhiều tới mấy, ăn no tới mấy, người đàn ông đó cũng sẽ không có lòng biết ơn.
Sau này, trong một tác phẩm của mình, nhà văn đã viết một câu như này: Những người lương thiện thường trưởng thành muộn, và là bị kẻ xấu ép phải trưởng thành.
Sự khởi đầu của sự trưởng thành của một con người là nhận ra thực tế sau khi bị “cắn lại” hết lần này đến lần khác.
Yu Minhong, một nhà giáo dục nổi tiếng tại Trung Quốc, từng chia sẻ một câu chuyện trong quá khứ của mình, hơn 20 năm trước, anh đã bị cướp hai lần. Ngoài việc mất đi rất nhiều tài sản, anh còn suýt mất mạng, hai cơn ác mộng này chỉ cách nhau một năm.
Phải đến sáu năm sau, anh mới hiểu ra tại sao mình lại phải trải qua sự việc tồi tệ như vậy.
Thì ra, anh đã thuê khu nghỉ dưỡng để làm nơi triển khai một khóa học và trả trước 200.000 tệ (khoảng 650 triệu đồng), sau khi khóa học kết thúc, khu nghỉ dưỡng cần trả lại 30.000 tệ (khoảng 95 triệu đồng), nhưng số tiền trả trước trước đó đã bị ông chủ khu nghỉ dưỡng tiêu hết.
Ông chủ cầu xin Yu Minhong thương xót, Yu Minhong thấy anh ta đáng thương liền nói: “Không sao, nếu thực sự không trả được thì thôi.”
Chính câu nói này đã khiến chủ khu nghỉ dưỡng nhận ra Yu Minhong không chỉ giàu có mà còn tốt bụng nên bắt đầu lên kế hoạch cướp tiền của anh.
Từ đó, Yu Minhong chợt nhận ra: Vì tôi quá tốt với anh ta, vậy nên mỗi khi có ý định phạm tội, anh ta đều tìm đến tôi.
Tâm Bồ Tát không sai, nhưng nếu mất đi sự sắc bén thì sẽ là tự rước họa vào thân.
Đối xử tốt với người khác không sai, nhưng nếu bạn đánh mất điểm nguyên tắc của bản thân, thứ bạn nhận lại sẽ chỉ là bốn chữ “lấy oán báo ơn”.
Đừng bao giờ chiều chuộng một người vô ơn, cũng đừng bao giờ nuôi sống một trái tim vô ơn.
02–Sự khoan dung không có nguyên tắc
Tất cả những gì bạn nhận lại được chính là “được nước lấn tới”.
Có người từng nói:
Trong thế giới vật chất này, cuộc sống vốn đã đủ khó khăn.
Nếu bạn cố tình trở thành một người lương thiện, không tranh giành với thế giới, người khác sẽ lợi dụng và bắt nạt bạn;
Nếu bạn có một chút tài năng, đức hạnh hay tính cách, người ta sẽ ghen tị và muốn loại trừ bạn;
Nếu bạn nhượng bộ một cách hào phóng, người khác sẽ xâm chiếm và làm hại bạn.
Bản chất con người là vậy, càng nhượng bộ, đối phương càng tiến tới, càng nuốt giận, đối phương càng vô liêm sỉ.
Tôi rất đồng ý với quan điểm của tiểu thuyết gia Vương Hiểu Ba:
Con người sống trên đời có hai nghĩa vụ lớn, một là làm người đàng hoàng, không hổ thẹn với lòng.
Điều còn lại là không dung túng những cái xấu của người khác.
Sống ở đời, cái giá phải trả để làm người tốt, không nóng nảy là quá lớn, nhưng phần thưởng làm người tốt mà không phàn nàn thì lại quá ít.
Bạn càng “dễ bắt nạt”, người khác sẽ càng lấn tới hơn bởi họ không cần quan tâm đến cảm xúc của bạn.
Đừng bao giờ để sự bao dung mù quáng của mình trở thành con bài mặc cả để người khác bắt nạt bạn, nếu không còn cách nào rút lui, vậy thì hãy kiên trì với nguyên tắc của mình.
Đừng mềm lòng khi đến lúc phải nói không, và đừng nhượng bộ khi người khác chạm vào giới hạn của bạn.
03–Sự tha thứ vô tận
Tất cả những gì bạn nhận được là những tổn thương lặp đi lặp lại.
Có một cuộc trò chuyện như sau.
Một đệ tử hỏi Khổng Tử: “Lấy đức báo oán, vậy thì sao?”
Khổng Tử đáp: “Lấy đức báo oán, vậy lấy gì báo đức?”
Đệ tử cảm thấy khó hiểu: “Vậy thì làm như thế nào mới là thích hợp nhất?”
Khổng Tử đáp: “Lấy đức báo đức, lấy trực (thẳng thắn) báo oán.”
Càng lớn tuổi, càng trải qua nhiều điều, bạn càng hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói này.
Kết quả cuối cùng của việc lấy đức báo oán không phải là thay đổi người đã làm tổn thương bạn mà là giúp họ có can đảm để đâm bạn thêm lần nữa.
Khi còn đi học, trong lớp có một cô gái nhút nhát đã gây ấn tượng sâu sắc với tôi.
Phần lớn thời gian tôi nhìn thấy cô ấy đều là khi cô ấy đang đi bộ một mình trong khuôn viên trường.
Không biết từ khi nào, có người bắt đầu tung tin đồn cô ấy “thường xuyên trộm đồ và có tính cách đặc biệt xấu”. Từ đó trở đi, mỗi khi có ai đánh mất thứ gì đó, cô ấy là người đầu tiên bị nghi ngờ.
Nhưng khi đồ vật được tìm ra, không có ai thành thật xin lỗi cô, chỉ nói “xin lỗi” một cách hời hợt.
Và lần nào cô ấy cũng đáp lại bằng một nụ cười: “Không sao đâu.”
Chính ba chữ này đã khiến những người đó thấy cái giá của việc làm điều ác chẳng hơn gì thế này nên bắt đầu tung tin đồn, vu khống cô ấy càng táo bạo hơn.
Sự tha thứ của cô ấy không đổi lại được thiện chí nào; sự hào phóng của cô ấy cũng không khiến những tin đồn lắng xuống.
Nếu bạn tìm cách thỏa hiệp, bạn sẽ chỉ nhận được hậu quả tồi tệ hơn cho những người làm điều ác chứ không phải là sự an toàn của chính bạn.
Không phải mọi tổn thương đều đáng được tha thứ, và không phải câu “xin lỗi” nào cũng nên được đi kèm với “không sao đâu”.
Đừng liên tục tha thứ cho những người đã làm tổn thương bạn. Tránh xa họ càng sớm càng tốt là cách tốt nhất để bảo vệ chính bạn.
Có người từng nói:
Có câu nói “hãy biết ơn những người đã làm tổn thương bạn, vì họ khiến bạn mạnh mẽ hơn”, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng tổn thương chính là tổn thương, và nếu không có những tổn thương này, tôi vẫn sẽ có thể trở nên mạnh mẽ hơn.
Tôi không biết ơn những người đã làm tổn thương tôi, họ chỉ nhắc nhở tôi đừng trở thành người như họ mà thôi.
Có một câu hỏi trên mạng rằng: Khoảnh khắc nào khiến bạn quyết định ngừng tử tế?
Tôi rất thích một câu trả lời rằng: Tôi chưa bao giờ quyết định không là người tử tế, tôi chỉ không còn với ai cũng tử tế nữa.
Khi bạn không thể giúp đỡ người khác, hãy buông bỏ cái gọi là “lương tâm”;
Khi không còn cách nào để rút lui, hãy buông bỏ sự hào phóng của mình;
Khi không nhận được phản hồi hãy bỏ đi lòng tốt của mình.
Trong suốt quãng đời còn lại, hy vọng bạn, vừa là một người tử tế, vừa biết bảo vệ, đặt lợi ích của bản thân lên trên trước tiên.
Diệu Đan-Theo Đời sống Pháp luật