Đam mê với hoa lan, nhất là hoa lan rừng chính là động lực để anh Huỳnh Văn Hòa, ở Thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng lan rừng mang lại thu nhập tốt với mức 300 triệu đồng/năm.
Đam mê với hoa lan, nhất là hoa lan rừng chính là động lực để anh Huỳnh Văn Hòa, ở Thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng lan rừng mang lại thu nhập ổn định 300 triệu đồng/năm.
Trước đây, sau khi tốt nghiệp trung cấp văn phòng, anh Hòa về làm việc tại UBND Thị trấn Gia Ray một thời gian, đồng thời phát triển rẫy tiêu, điều, chôm chôm… của gia đình. Sau này, khi cha mẹ lớn tuổi, công việc gia đình ngày một nhiều, anh Hòa đã xin nghỉ việc ở thị trấn để lo việc gia đình, phát triển vườn rẫy.
Anh Huỳnh Văn Hòa chia sẻ, cách đây 4 năm, niềm đam mê với hoa lan, nhất là hoa lan rừng đã nhen nhóm trong anh.
Thế là anh bắt đầu “tập tành” trồng lan với những loại lan dễ trồng, như: vũ nữ, dendro, hồ điệp, ngọc điểm…Sau đó anh dần làm quen với các loại lan rừng.
Nhận thấy bỏ tiền túi ra mua về để ngắm thì không đáp ứng được nhu cầu nên anh Hòa đã nghĩ đến việc mua đi bán lại.
Để có được những loại lan rừng vừa độc, vừa lạ, anh Hòa đã đi khắp nơi, nhất là các nhà vườn trồng hoa lan ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để tìm mua những loại hoa lan rừng phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng đất Đông Nam Bộ.
“Mới đầu bước vào niềm đam mê chơi lan cũng gặp không ít khó khăn bởi kinh nghiệm chưa có nên khi mua lan về thì không đảm bảo nguồn giống dẫn đến lan bị bệnh và chết.
Nhưng sau một thời gian vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, đến nay, vườn lan đã phát triển tốt. Lan kén người chơi bởi phải thực sự đam mê, yêu lan, chăm sóc tỉ mỉ thì cây lan mới phát triển tốt” – anh Hòa nói.
Nhận thấy, số người yêu thích và muốn sở hữu những giỏ lan độc, lạ ngày càng nhiều, sau 2 năm mua đi bán lại, anh Hòa đã mạnh dạn mua các loại lan rừng chưa lên chậu về chăm sóc cho lan ra bông rồi mới đem bán.
Anh Hòa cho biết, ngoài các nhà vườn ở Đà Lạt mà anh hay đến, anh lân la khắp nơi, thậm chí là các vỉa hè ở thành phố Biên Hòa để tìm kiếm các loại lan rừng trong vườn chưa có.
Với những loại lan rừng mua ở vỉa hè, người bán thường bán theo ký nên sau khi đem về, anh cẩn thận treo vào chỗ râm mát vài hôm để lan quen với khí hậu vườn nhà.
Tiếp đến, anh cắt bỏ rễ đã chết, rễ đen, cắt bớt rễ (nếu rễ dài); phun nước rửa sạch lan rồi treo ngược nơi râm mát vài ngày và phun sương giữ ẩm cho lan hàng ngày.
Để ngừa thối ngọn, thối gốc và vi khuẩn tấn công lan, anh Hòa tiến hành phun thuốc sát khuẩn cho lan. Cuối cùng anh đem lan đi ghép, đưa lên chậu.
Đến nay, vườn lan của anh Hòa đã có hàng trăm chậu lan với các giống lan quý như dã hạc, thủy tiên, phi điệp, ngọc điểm, hoàng phi hạc…
Theo anh Hòa lan rừng có sức sống rất mãnh liệt, dễ chăm sóc, ít bị bệnh. Đặc biệt hoa lan đẹp, lâu tàn và có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng nên rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên muốn chơi lan trước hết phải hiểu lan, nhận biết rõ các loại lan, từ đó nắm được đặc tính của từng loại để chăm sóc.
Trồng lan bằng sự đam mê, niềm yêu thích nên mỗi giỏ lan, anh Hòa đều coi như những đứa con tinh thần và giành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt.
Trăm ngày như một, ngày nào anh cũng có mặt ở vườn lan từ sáng sớm, tỉ mỉ chăm sóc, theo dõi sự phát triển của từng giỏ hoa. Kết quả sau 2 năm gầy dựng, hiện vườn hoa lan rừng của anh có diện tích khoảng 200m2 với khoảng 500 giỏ, chậu, tổng giá trị ước tính khoảng 700 triệu đồng.
Ngoài các đợt bán tập trung vào dịp trước Tết Nguyên đán, hoa lan rừng trong vườn được anh đăng trên facebook và được nhiều người yêu hoa lan rừng tìm đến mua từ một đến vài triệu đồng/giỏ, chậu giúp anh có nguồn thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm từ hoa lan rừng.
P.Hương (Cổng TT Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Đồng Nai)