Thực trạng cho thấy, các chiêu trò lừa đảo tinh vi đang được “cải tiến” hàng ngày hàng giờ và ngày càng trở nên đa dạng, “đội lốt” dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ngày càng khó lường
Những ngày vừa qua, Cục an toàn Thông tin đã đưa ra 5 hình thức cảnh báo lừa đảo đến người dân: Nhận làm thay thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe online để lừa đảo; Cung cấp dịch vụ “visa giá rẻ”; Lập website, fanpage giả mạo để lừa đảo; Mạo danh công an để lừa kê khai thông tin tài sản; Bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động trên mạng
Cụ thể, kẻ gian đã thực hiện giả mạo logo, hình ảnh thương hiệu, Website, Facebook, Zalo, công văn, con dấu, tài khoản ngân hàng của một số sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp có uy tín thương hiệu trong hoạt động kinh doanh để chiếm đoạt tài sản của người dân ngày càng phức tạp, tinh vi.
Các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo, Instagram, Email… đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất. Theo đó, các đối tượng có khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và email để lan truyền thông điệp lừa đảo của mình tới một số lượng lớn người dùng trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, trên mạng xuất hiện tràn lan các dịch vụ làm thay thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe, với mức phí từ 400.000 – 600.000 đồng, tùy theo nhu cầu. Nhiều đối tượng còn quảng cáo: Người có nhu cầu dùng dịch vụ này sẽ không cần đến Sở Giao thông vận tải để chụp ảnh; chỉ cần cung cấp bản sao một số loại giấy tờ cá nhân và ảnh thẻ. Điều này làm tăng nguy cơ mà người dùng có thể rơi vào bẫy lừa đảo.
Thực trạng cho thấy, các chiêu trò lừa đảo tinh vi đang được “cải tiến” hàng ngày hàng giờ và ngày càng trở nên đa dạng, “đội lốt” dưới nhiều hình thức khác nhau. Do vậy, không ít người vẫn bị trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo qua mạng dù cho chính quyền đã phát đi các cảnh báo nguy hiểm.
Nhiệm vụ quan trọng và đột phá
Tính đến tháng 1 năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương với 79,1% tổng dân số. Như vậy, đây hoàn toàn là “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ gian trên mạng “lộng hành”.
Trước vấn đề này, Hội nghị trực tuyến triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2024 được tổ chức vào ngày 19/3 vừa qua, Tổng Giám Đốc Nguyễn Thế Mạnh đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai các nội dung của Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng…
Trong đó, Nghị quyết nhận định, an toàn thông tin mạng là nhiệm vụ quan trọng và đột phá để tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng…
Các chuyên gia đến từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã trình bày, cần trang bị kiến thức, hướng dẫn cách nhận diện, phòng chống các nguy cơ gây mất an toàn thông tin mạng hiện nay qua các chuyên đề: “Rủi ro lộ lọt tài khoản – Nhận diện và phòng chống” và “An ninh không gian mạng và một số vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong giai đoạn hiện nay”.
Ngoài ra, đến nay đã có 127 triệu thuê bao đã được chuẩn hóa thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư.Thế nhưng, theo Cục Viễn thông, cần phải tiến tới thông tin chính chủ sẽ ngăn chặn được hành vi trái pháp luật, góp phần làm cho dịch vụ điện thoại di động được sử dụng đúng mục đích.
Đối với người tiêu dùng, việc phòng tránh lừa đảo trực tuyến đang trở thành một vấn đề cấp bách và cần được chú ý. Nhiều chuyên gia về an ninh mạng khuyến cáo người dân cảnh giác, lưu ý thực hiện các biện pháp để tránh bị lừa đảo. Trong đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật khi sử dụng mạng xã hội cho người dùng.
Việc phòng tránh lừa đảo trực tuyến còn bao gồm việc bảo vệ thông tin cá nhân và thông tin tài khoản. Người dùng cần sử dụng mật khẩu mạnh, thay đổi định kỳ mật khẩu, không sử dụng mật khẩu dễ đoán và không chia sẻ mật khẩu với người khác. Đồng thời, người dùng cũng cần cập nhật các phần mềm bảo mật, chương trình diệt virus định kỳ để bảo vệ máy tính và thiết bị của mình khỏi các mối đe dọa trực tuyến.
Ngọc Hiền–An ninh Tiền tệ