Sau khi thị trường sụp đổ, các nhà đầu tư mất tất cả chỉ sau một đêm. Giấc mơ làm giàu giờ trở thành cơn ác mộng không thể vượt qua.
Thời hoàng kim của trà Phổ Nhĩ
Theo The Paper (Trung Quốc), nếu muốn thảo luận về loại trà thần thoại nhất Trung Quốc thì đó chính là Phổ Nhĩ.
Vào mùa xuân năm 2005, một đoàn người ngựa hiện đại chở trà cống, mô phỏng theo dấu chân người xưa trên “Con đường tơ lụa”, đi từ quê hương trà Phổ Nhĩ, Vân Nam lên đến đường Mã Liên, Bắc Kinh.
Đoàn diễu hành gồm hơn 40 người, 120 con ngựa và la đã đi 1.200 km qua 5 tỉnh của Trung Quốc.
Tại cuộc đấu giá 5 tháng sau, một ống trà Phổ Nhĩ đặc biệt có giá khởi điểm 20.000 NDT sau đó được bán với giá cuối cùng là 1,6 triệu NDT (khoảng hơn 5,5 tỷ VNĐ theo tỷ giá hiện nay), hơn giá cả căn nhà ở nhiều vùng Trung Quốc. Có một thời gian, “mọi người ở chợ đường Mã Liên đều nghĩ đến việc bán trà Phổ Nhĩ”.
Trong giới trà, uống Phổ Nhĩ, gọi đúng hơn là “thưởng thức” Phổ Nhĩ, chỉ những người có thể “thưởng thức” – cảm nhận được lá trà đó đến từ địa phương nào mới được coi là những người sành sỏi thực sự.
Phó giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam Trương Tịnh Hồng nhận xét rằng: “Chỉ cần chỉ vào một bản đồ nhỏ thì A Văn cũng có thể chỉ ra hương vị khác nhau từ lá trà của các địa phương ngay cả khi anh ta đang không uống trà“.
Khi người buôn trà tên A Văn nhấp ngụm trà hái từ cây trà cổ thụ của người dân tộc Dao ở Tây Song Bản Nạp, ông đã mô tả nó theo cách này: “Có một làn hương mát lạnh không có trong trà từ khu vực trung tâm Dị Vũ, xộc thẳng vào cổ họng. Nhấp một ngụm, miệng bạn sẽ tràn ngập chất lỏng, vị ngọt sẽ lan đến phổi và toàn thân bạn sẽ tràn ngập hương trà“.
Có một kiến thức khó hiểu xung quanh trà Phổ Nhĩ. Theo quy trình sản xuất thì Phổ Nhĩ có trà sống và trà chín; theo thời gian bảo quản có thể phân loại thành trà mới và trà cũ; theo công nghệ và tiêu chuẩn, mỗi vùng sẽ tùy theo khẩu vị ưa thích của người dân địa phương mà cho ra những vị trà khác nhau.
Thời gian sẽ có trách nhiệm tạo thêm một lớp “sương mù” cho trà Phổ Nhĩ vốn đã khó lường này. Ví dụ, một miếng bánh trà Phổ Nhĩ nặng 358 gram từ những năm 1980 có giá khoảng 1.000 NDT vào thời điểm đó; vào thập niên 1990, giá trị của nó có thể tăng lên 10.000 NDT; và sau đó đến năm 2000, giá nó đã tăng vọt, thậm chí bán đấu giá có thể lên tới hơn 1 triệu NDT.
Những người đấu giá thành công thường không thực sự bỏ trà ra dùng, họ chờ thời gian trôi qua và tăng thêm giá trị cho bánh trà này.
Khi nói đến trà Phổ Nhĩ, người Trung Quốc không thể không nhắc đến thị trấn Dị Vũ, tỉnh Vân Nam.
Đến năm 2019 Dị Vụ vẫn là một thị trấn nhỏ có diện tích 938 km2, dân số chỉ 14.000 người. Hầu hết người dân địa phương là người Di, trong lịch sử, họ đã trồng ít nhất 5.000 mẫu cây chè trước khi người Hán đến.
Dị Vũ là nơi sản xuất trà cống nạp về Bắc Kinh kể từ thời nhà Thanh và là điểm khởi đầu của hoạt động buôn bán trà của Vân Nam. Sau khi những người nông dân trồng chè hái lá trà, nguyên liệu thô được các đoàn lữ hành vận chuyển từ phủ Phổ Nhĩ (thành phố Phổ Nhĩ ngày nay) để chế biến, sau đó được vận chuyển đến Bắc Kinh, Tây Tạng và Đông Nam Á.
Từ đây, con đường trà cổ đã ra đời. Trên đường đi, tiếng chuông trên lưng ngựa vang lên hàng thế kỷ.
Trong ba hướng của con đường trà cổ, trà vận chuyển Tây Tạng có nhu cầu cao nhất nhưng chính con đường trà cổ đi Đông Nam Á mới khiến trà Phổ Nhĩ nổi tiếng thời.
“Sản xuất tại Vân Nam, bảo tồn ở Hồng Kông và tỏa sáng ở Đài Loan”. Đây là câu nói đã được lưu truyền trong giới trà Trung Quốc. Trên thực tế, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) đều là những điểm dừng chân quan trọng trên con đường trà cổ xuôi Đông Nam Á.
Người Hồng Kông từ lâu đã quen với việc sử dụng trà Phổ Nhĩ để giải ngấy cùng với vị thế là một thành phố cảng quốc tế nên Hồng Kông nhanh chóng trở thành trung tâm phân phối chính cho việc bán trà Phổ Nhĩ.
Vào những năm 1990, một số lượng lớn người Hồng Kông đã bán trà Phổ Nhĩ cũ và các thương nhân trà Đài Loan đã trở thành bên tiếp quản. Vài người trong số họ thậm chí còn nảy ra ý tưởng đến tận nơi xuất xứ để tìm hiểu thêm về trà Phổ Nhĩ. Chính chuyến đi này đã thay đổi cục diện của vùng trà Phổ Nhĩ về lâu dài.
Để tiến sâu vào làng Dị Vũ trên núi, các doanh nhân Đài Loan đã đi khắp nơi và họ còn mang đến hương vị Phổ Nhĩ mà người dân địa phương chưa từng nếm thử. Đặc biệt khi doanh nhân Đài Loan đưa ra mức giá 15.000 nhân dân tệ cho một miếng bánh trà, có thể nói thế giới quan của người Dị Vũ gần như bị đảo lộn.
Người dân Dị Vũ không bao giờ ngờ rằng trà Phổ Nhĩ lại có danh tiếng cao như vậy ở những nơi khác. Tận dụng cơ hội này, chính quyền Phổ Nhĩ đã tìm những bậc thầy pha trà ở những thương hiệu lâu đời và thành lập một nhóm, sử dụng những chiếc bánh trà cũ do các thương gia trà Đài Loan mang đến làm “nguyên mẫu” và chế biến ra nhiều kiệt tác Phổ Nhĩ khác.
Bánh xe vận mệnh của trà Phổ Nhĩ cũng bắt đầu chuyển động vào thời điểm này.
Câu chuyện quay trở lại năm 2005.
Trong vòng một năm, 99% cửa hàng ở chợ trà Phương Thôn, Quảng Châu, chợ bán buôn trà lớn nhất Trung Quốc, đã bán trà Phổ Nhĩ. Ở đây trà được bán theo kiện. Một kiện có 84 bánh trà. Những người buôn trà mỗi khi nghe thấy có người hỏi: “Một kiện bán bao nhiêu tiền?“, họ sẽ mỉm cười kéo ghế ra và nói: “Nào, hãy ngồi xuống và chúng ta từ từ nói chuyện nhé!“.
Một số cửa hàng trước đây chuyên bán Thiết Quan Âm cũng bắt đầu bán trà Phổ Nhĩ. Năm 2006, tổng doanh số bán trà tại chợ này là 67 triệu NDT, trong đó chè Phổ Nhĩ chiếm 1/3.
Cơn sốt Phổ Nhĩ đã trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc vào thời điểm đó. Từ năm 2005 đến năm 2006, số lượng cửa hàng bán trà Phổ Nhĩ trên cả nước đã tăng gấp ba lần và con số này vẫn tăng trong năm thứ hai. Tình trạng “toàn dân bán trà” đã khiến trà Phổ Nhĩ trở thành mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường vốn, có thể tăng giá trị ngay khi sang tay.
Đến mùa xuân năm 2007, trấn Dị Vũ rất náo nhiệt. Những người buôn trà và những người yêu trà từ khắp nơi trên thế giới kéo đến đông đúc. Sau khi dân làng hái trà xong, họ nhanh chóng bước vào công đoạn pha chế và đóng gói. Vào mùa thu năm trước, giá một kg trà đắt nhất là 130 NDT, hai mùa sau, giá của sản phẩm tương tự đã tăng lên 300 NDT, tăng hơn gấp đôi.
Có người thậm chí còn bán với giá 800 NDT/kg và có người còn bán cao hơn, 1.200 NDT/kg, một mức giá cao ngất trời.
Trà Phổ Nhĩ trở lại đúng giá trị
Trong cơn sốt, ngày càng có nhiều người bước vào “đấu trường” nhưng một cơn sóng lớn ập đến.
Đầu tháng 6/2007, một “cơn địa chấn” đã xảy ra ở Phổ Nhĩ. Sự kiện này dường như là điềm báo cho cú sốc của giới trà Trung Quốc nửa tháng sau đó. Chỉ chưa đầy một tháng, giá trà Phổ Nhĩ ở chợ Phương Thôn đã giảm một nửa.
Huyền thoại về trà Phổ Nhĩ đã vỡ lở. CCTV cũng tiết lộ bí mật đầu cơ thị trường trà Phổ Nhĩ: Các đại lý mua số lượng lớn trà Phổ Nhĩ nhưng chỉ tung ra 20% số lượng ra thị trường và đẩy mức giá cao chót vót, sau đó lại tung tiếp số lượng lớn cùng chủng loại. Sau nhiều lần tăng giá, giá trà Phổ Nhĩ đạt mức cao nhất, gây nên hiện tượng “bong bóng” và sụp đổ.
Ở chợ Phương Thôn, trà Phổ Nhĩ chất cao như núi. Một người trong ngành trà đã thẳng thắn nói: “Từ nay trở đi, chỉ cần một gam trà Phổ Nhĩ không được xuất thì thị trường Quảng Đông sẽ cần 5 đến 8 năm để uống hết số trà Phổ Nhĩ hiện có“.
Sau khi thị trường sụp đổ, nhiều thương nhân đã phải vứt bỏ trà hoặc bán giá rẻ. Có thể nói, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, nhiều nhà đầu tư đã phá sản, mất trắng hàng chục triệu USD. Trà Phổ Nhĩ vốn từng ấp ủ giấc mơ làm giàu giờ trở thành cơn ác mộng không thể vượt qua.
Dị Vũ bắt đầu trở nên vắng vẻ, khung cảnh sôi động ngày xưa cũng không còn nữa. Giá trà mùa thu cũng thấp đến mức chạm đáy, vào mùa xuân, một kg trà đại thụ được bán với giá 400 NDT, nhưng vào mùa thu chỉ bán được hơn 100 NDT.
Sau khi bước xuống “ngai vàng”, trà Phổ Nhĩ dường như đã trở về vị trí ban đầu – đó là loại trà đại chúng, dưỡng ẩm cổ họng cho hàng nghìn hộ gia đình.
Trải qua nhiều năm phát triển của ngành trà Phổ Nhĩ, Dị Vũ từ lâu đã không còn giống một ngôi làng cổ nữa. Những ngôi nhà gạch ngói đã được thay thế bằng thép và bê tông, hình ảnh gió Tây xưa và con ngựa gầy gò chỉ còn là quá khứ.
Nhưng cây trà Phổ Nhĩ vẫn bám rễ sâu trong lòng đất Vân Nam và ngày nay Dị Vũ vẫn là nơi hành hương trở về của trà Phổ Nhĩ. Hàng năm vào tháng 3, tháng 4, trước và sau khi hái chè xuân, những người buôn trà, người uống trà và những người đam mê du lịch sẽ đến tham quan, mang đến khung cảnh nhộn nhịp.
Theo báo cáo ngành trà Phổ Nhĩ của Trung Quốc, quy mô thị trường của ngành trà đã vượt 20 tỷ NDT vào năm 2022. Đến năm 2026, con số này dự kiến sẽ đạt 31,1 tỷ NDT. Đằng sau khung cảnh “những năm tháng yên tĩnh” của Phổ Nhĩ có một dòng chảy lịch sử ngầm và vẫn chưa biết liệu nó có dâng trào trở lại trong tương lai hay không.
Theo An An-Theo ĐSPL