Trong khi những người già ngoài 60 tuổi đang chăm cháu, dưỡng già thì người phụ nữ hơn 100 tuổi này lại đi ngược với số đông. Mỗi ngày bà Tsuneko Sasamoto ăn mặc thật lịch sự, diện chiếc váy thật xinh, xịt nước hoa và cẩn thận phối đồ theo tâm trạng.
Năm 2022, cụ bà Tsuneko Sasamoto, người được xem là nữ phóng viên ảnh đầu tiên của Nhật Bản đã qua đời ở tuổi 107 vì tuổi già. Song đến nay, bà vẫn được xem là biểu tượng cho tinh thần lạc quan, sống trẻ và không ngừng theo đuổi đam mê.
Bà Tsuneko Sasamoto nổi tiếng với câu nói: “Dù bạn bao nhiêu tuổi, nếu như bạn luôn có suy nghĩ rằng: “Mình đã ở cái tuổi này…”, vậy thì cuộc đời bạn coi như hỏng bét.”
“Cô gái” đi qua tuổi 100
Sinh ngày 1/9/1914, bà Tsuneko Sasamoto trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp từ năm 25 tuổi. Bà gây ấn tượng bởi những bức hình chụp về cuộc sống của người dân Nhật Bản trước, trong và sau chiến tranh. Bà cho biết sự tò mò vốn là bản tính bẩm sinh đã thôi thúc bà đến với công việc của một nhiếp ảnh gia. “Sợ hãi nhưng tò mò, không thích nhưng lại muốn tận mắt chứng kiến. Tôi tự ép mình phải đối diện với thế giới và cho mọi người biết tôi đã nhìn thấy điều gì thông qua những bức hình đã chụp…”, bà Sasamoto chia sẻ.
Một câu chuyện thú vị được mọi người nhắc lại đó là khi giới truyền thông đến gặp bà Tsuneko Sasamoto phỏng vấn, nhiều người đã đề nghị bà cung cấp những bức ảnh mới chụp chứ không phải những bức ảnh quá khứ.
Nhưng sau đó mọi người đều bất ngờ khi nghe bà khẳng định: “Đây chính là bức ảnh hiện giờ”.
Với mái tóc ngắn thời thượng, chiếc kính gọng đỏ, đôi mắt cười lên cong như lưỡi liềm, làn da vẫn hồng hào và nụ cười tươi tắn, người ta thấy choáng ngợp trước sự trẻ trung của bà và chẳng ai nghĩ người phụ nữ trong ảnh đã qua tuổi 100.
Một nhà văn đã từng nói: Khi năng lượng của một người chỉ dành để duy trì sự sống, thì sự sống của người đó đã thực sự khô héo. Sở dĩ bà Tsuneko Sasamoto có thể duy trì trạng thái tươi trẻ như vậy, có lẽ là do bà luôn duy trì được nhiệt huyết với cuộc sống, thay vì ngồi chờ tuổi già ập tới.
Ngay từ khi còn đi học, bà đã có hứng thú về nhiếp ảnh và mỹ thuật nên từng quyết định bỏ học để theo đuổi chúng, trở thành người phụ nữ đầu tiên làm phóng viên ảnh của Nhật Bản.
Đến tuổi 52, bà lại có hứng thú với việc thiết kế hoa, sau một năm học hỏi, bà đủ khả năng để tự xuất bản cuốn sách “Cách thiết kế hoa tươi trang trí phòng học.”
Ở tuổi 71, người chồng của bà Tsuneko qua đời, bà chọn quay trở lại với công việc nhiếp ảnh, thay vì nhàm chán chờ đợi thời gian trôi qua. Đích thân bà đã đến thăm gần một trăm phụ nữ thời Minh trị ở Nhật Bản, sau đó mở triển lãm nhiếp ảnh của riêng mình, mang tên “Những người phụ nữ Minh trị lộng lẫy”.
Sau đó, ở tuổi 96, bà một lần nữa nảy sinh tình cảm, tiến tới mối quan hệ yêu đương với một nhà điêu khắc người Pháp, tên là Charles. Song, ngày vui ngắn chẳng tày gang, 10 năm sau, Charles qua đời vì một cơn đau tim.
Ở tuổi 100, Tsuneko đã giành được “Giải thưởng Người mặc đẹp nhất” và trở thành người nhận giải thưởng có độ tuổi cao nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Mặc dù sống một mình trong những năm cuối đời, Tsuneko Sasamoto vẫn kiểm soát cuộc sống của mình một cách nghiêm túc và không ngừng làm việc chăm chỉ. Cho dù từng có lần bị gãy tay trái và cả hai chân vào năm 2015 nhưng điều đó không thể cản bà tiếp tục chụp ảnh.
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả, ở tuổi 102, bà đã giành được một trong những giải thưởng quốc tế cao nhất trong giới nhiếp ảnh – Giải thưởng Lucie cho Thành tựu trọn đời về nhiếp ảnh. Điều này đã khiến thế giới phải trầm trồ không ít lần, nhưng ai cũng phải gật đầu, công nhận sự xứng đáng của nó.
Bí quyết để sống nhiệt huyết là lòng hiếu kỳ
Nhiều người thường hỏi bà Tsuneko Sasamoto: “Bí quyết để luôn tươi trẻ, căng tràn sức sống là gì?” Bà đã trả lời là “lòng hiếu kì”. Giống như khi còn nhỏ, chúng ta thường tò mò về nhiều thứ, cũng chính vì vậy mà bà luôn dám chấp nhận rủi ro và thử thách.
Bà Sasamoto nói rằng: “Tôi thích hướng về cuộc sống, dù cho điều đó là thứ tôi chưa biết. Như vậy, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu thứ mình không biết, và dùng những bức ảnh để thể hiện nó. Tôi không thích nghĩ về việc mình bao nhiêu tuổi rồi mới hành động.”
Minh chứng cho lời nói đó, khi 71 tuổi nhiều người chọn nghỉ hưu, bà Sasamoto lại chọn bắt đầu lại. Chỉ vì muốn chụp ảnh mà bà đã dành 6 năm để du lịch khắp Nhật Bản.
Năm 96 tuổi, bà đi du lịch và gặp được ông Charles – nhà điêu khắc đến từ miền Nam nước Pháp, và rồi hai người bắt đầu yêu nhau.
Đối với bà Sasamoto, công việc là thứ khiến bà luôn có đầy nhiệt huyết với cuộc sống. Còn yêu cái đẹp là một khóa học bắt buộc trong cuộc đời bà.
Ở tuổi 105, bà Sasamoto vẫn duy trì cuộc sống vô cùng kỉ luật: Đi ngủ lúc 11 giờ và thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày.
Sau đó bà nghe hội thoại tiếng Anh trên TV để “khởi động não bộ”, vừa xem TV vừa tập thể dục.
Bà có thói quen uống sữa chua để làm dịu cổ họng, sau khi nhỏ thuốc nhỏ mắt thì bắt đầu đọc báo, và tìm ra những tài liệu mà bản thân quan tâm. Khi tìm được thứ khiến bà tò mò, bà sẽ ghi chúng vào một cuốn sổ.
Bản thân bà luôn đề cao việc học tiếng Anh, nên các quyển sổ thường ghi chép đoạn hội thoại và cụm từ tiếng Anh mới học.
Vũ khí kéo dài tuổi xuân là sự yêu đời
Trong khi những người già ngoài 60 tuổi đang chăm cháu, dưỡng già thì bà lại đi ngược với số đông. Mỗi ngày bà ăn mặc thật lịch sự, diện chiếc váy thật xinh, xịt nước hoa và cẩn thận phối đồ theo tâm trạng.
Cuộc sống của bà Tsuneko Sasamoto khiến nhiều người trẻ phải ngưỡng mộ và ghen tỵ.
Kinh nghiệm sống tuyệt vời của bà ấy đã giúp chúng ta hiểu ra một điều: Hãy cứ bắt đầu vì cuộc đời không bao giờ muộn. Khó khăn lắm mới được sống đời này, muốn gặp ai thì gặp đi, muốn làm gì thì gắng làm, đừng nghĩ ngợi chi nhiều.
Trái tim không già là thứ khiến chúng ta giữ vững tuổi thanh xuân và lòng nhiệt huyết.
Nguyễn Phượng-Theo Đời sống Pháp luật