Ngành công nghiệp có giá trị hàng trăm tỷ USD này Việt Nam có đủ năng lực phát triển và tạo ra sự đột phá.
Ngành bán dẫn và vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế thế giới
Sản xuất chất bán dẫn là ngành mới nổi, có vai trò quan trọng và là xu thế phát triển của thế giới. Theo thông tin từ Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại Giao, Mỹ là nước phát minh và đi đầu về công nghệ bán dẫn trong lịch sử và hiện vẫn dẫn đầu về quy mô thị trường (gần 50% thị trường toàn cầu). Mỹ nhìn nhận bán dẫn đóng vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế thế giới vào kỷ nguyên chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G.
Ngành công nghiệp bán dẫn đã chứng kiến sự gia tăng doanh thu mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn tăng từ 139 tỷ USD trong năm 2001 lên đến 573,5 tỷ USD vào năm 2022, tương đương với mức tăng 313%. Đồng thời, doanh số chất bán dẫn cũng tăng 290%.
Dự báo cho thấy, doanh thu của thị trường chất bán dẫn sẽ tiếp tục tăng lên 613,1 tỷ USD vào năm 2024. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ước tính là 6,3%, sẽ đưa tổng giá trị thị trường lên đến 736,4 tỷ USD vào năm 2027. Dự báo, doanh thu của ngành công nghiệp này sẽ đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Theo McKinsey, 70% sự tăng trưởng trong tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn sẽ chủ yếu đến từ ba ngành công nghiệp chính là ô tô, tính toán, lưu trữ dữ liệu và công nghiệp không dây. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô sẽ chiếm gần 20% việc mở rộng thị trường trong những năm tới.
Ngành bán dẫn tại Việt Nam hiện ra sao?
Vị trí địa chiến lược quan trọng cùng việc chuyển dịch sản xuất và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang tới cho Việt Nam cơ hội trở thành nhân tố then chốt trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Năm 2023, máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 110,53 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Có thể thấy rằng tiềm năng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam là vô cùng lớn.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á”, diễn ra ngày 29/9/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách đầu tư cao nhất sẵn sàng chào đón các tập đoàn, doanh nghiệp đến đầu tư.
“Chúng tôi khuyến khích các tập đoàn sản xuất đã có hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu mở rộng hoạt động. Các tập đoàn chưa có hoạt động tại Việt Nam thì tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tại các khu công nghệ cao TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thực trạng nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam
Cùng với sự phát triển của ngành bán dẫn, theo Công ty Synopsys, đến năm 2030, toàn thế giới cần 900.000 nhân lực bán dẫn mới. Việt Nam còn có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Việt Nam cũng đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trên thế giới trong ngành bán dẫn.
Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghệ bán dẫn, tương ứng mỗi năm cả nước cần 10.000 kỹ sư. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đang là thách thức với Việt Nam. Hiện tại, nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đặt ra.
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Tại Việt Nam, đào tạo nhân lực về bán dẫn không phải là ngành học mới. Có rất nhiều trường đại học lớn, nổi tiếng đào tạo ngành học này như ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc Gia thành phố HCM, Học viện Bưu chính Viễn thông… Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Bên cạnh đó, việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu về công nghệ được coi là yếu tố then chốt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Việc hợp tác với Tập đoàn Samsung là ví dụ điển hình nhất.
Cách đây ít ngày, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác triển khai chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch. Sinh viên tham gia chương trình VNU-Samsung Technology Track sẽ được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn.
Những sinh viên sau khi tốt nghiệp theo chương trình học bổng V-STT do Samsung tài trợ sẽ có cơ hội được làm việc trực tiếp tại Công ty Samsung ở Hàn Quốc trong lĩnh vực chip/bán dẫn.
Hay như việc NIC đang phối hợp với Tập đoàn Synopsys (Mỹ) để đề xuất họ cung cấp các phần mềm bản quyền đào tạo chip miễn phí, từ đó cung cấp cho các trường đại học. NIC cũng đã đẩy mạnh kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về chip bán dẫn, qua đó tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu và các phòng thí nghiệm của họ… cũng là một trong những giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn trong nước.
Với những nỗ lực của Việt Nam, nói theo cách TS Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thì Việt Nam “đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn”.
*Ảnh minh họa được tạo bởi AI- Pha Lê–Theo Đời sống pháp luật