Trong suốt 16 năm đó, cụ bà người Trung Quốc luôn trách lũ trẻ tội vô ơn.
Bài viết dưới đây là dòng chia sẻ của bà Trương (Trung Quốc) đang lan truyền trên nền tảng Toutiao.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. May mắn được bố mẹ ưu tiên cho đi học nên tôi sớm có sự nghiệp của riêng mình. Sau đó, tôi lấy chồng, sinh con và tự mua được nhà ở trên thành phố. Nhìn chung, cuộc sống của tôi diễn ra êm đềm và có chút dư dả về mặt tài chính.
Tuy nhiên, mọi thứ dường như bị đảo lộn kể từ khi anh trai và chị dâu tôi mất và 4 đứa con của anh được tôi chu cấp để theo học đại học.
Tôi vẫn nhớ ngày hôm đó, 4 đứa trẻ đứng trước cửa nhà tôi với khuôn mặt háo hức thông báo về kết quả của kì thi đại học. Kể từ ngày đó, vợ chồng tôi biết rằng ngoài việc chăm lo cho con trai của mình thì cần phải tính toán chi tiêu để có thể chu cấp cho 4 đứa cháu vào đại học.
Chi phí học đại học vô cùng tốn kém, trong suốt 4 năm đó, vợ chồng tôi luôn luôn phải làm 1 lúc 2 việc mới đảm bảo chi tiêu trong gia đình. Thậm chí, có thời điểm, chồng tôi phải nhập viện vì làm việc quá sức. Song nhìn thấy tinh thần hiếu học và lời hứa sẽ báo đáp công lao của 4 đứa nhỏ, chúng tôi lại động viên nhau tiếp tục cố gắng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tươi đẹp đó không kéo dài được bao lâu. Sau khi tốt nghiệp, chúng dần mất liên lạc với vợ chồng tôi. Lúc đầu, 4 đứa thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm. Nhưng theo thời gian, những cuộc điện thoại như vậy thưa dần. Nhiều lúc tôi thường phàn nàn với chồng rằng có lẽ chúng đã quên lòng tốt của chúng ta sao. Trước câu nói đó, chồng tôi luôn an ủi rằng có lẽ lũ trẻ đang bận.
Chớp mắt 1 cái, 16 năm trôi qua, sức khỏe của vợ chồng tôi dần yếu đi. Đầu năm ngoái, tôi được bác sĩ chẩn đoán mắc căn bệnh hiểm nghèo và cần rất nhiều tiền để chữa trị. Tôi hoàn toàn giữ bí mật về thông tin này, chỉ vài người thân trong gia đình nắm được.
Song bằng 1 cách nào đó tin tức này đến được tai 4 đứa nhỏ. Hôm đó, tôi ở nhà và bất ngờ thấy có người bấm chuông gọi cửa. Chạy vội ra, tôi thấy 4 đứa cháu của mình đang đứng đợi.
“Chúng con nghe nói cô bị bệnh. Đây là 800.000 NDT (khoảng 2,7 tỷ đồng) chúng con biếu cô để lo thuốc thang”, đứa anh cả vừa nói vừa đưa cho tôi 1 chiếc túi nặng trĩu. Khi nghe được những lời này, tôi khá ngạc nhiên. Bởi sau bao nhiêu năm, lũ trẻ đột nhiên xuất hiện và đưa cho 1 số tiền lớn như vậy.
Thấy tôi có chút lăn tăn, đứa cháu trai vội giải thích: “Sau khi tốt nghiệp, 4 đứa chúng con đã phải lăn lộn đủ kiểu để tìm được chỗ đứng trong sự nghiệp. Áp lực cuộc sống và những vấn đề riêng của gia đình khiến chúng con quên việc liên lạc hỏi han cô.
Tết Nguyên đán nào, 4 anh em con cũng dự định sẽ đến hỏi thăm cô. Nhưng chúng con lại không dám đối mặt vì sợ rằng cô sẽ trách vì tội vô ơn. Nhưng đến bây giờ, khi nghe tin cô bị bệnh, chúng con hiểu rằng mình cần làm gì”.
Đến lúc này, tôi không giấu được niềm xúc động. Lúc đó, cảm xúc trong tôi lẫn lộn, vừa có chút thương, vừa có chút giận lũ trẻ. Nhưng trên hết tôi cảm thấy ấm lòng. Vì chúng vẫn nhớ đến những ngày tháng vợ chồng tôi vất vả cưu mang cả 4 anh em chúng.
Buổi gặp gỡ hôm đó, chúng tôi ngồi nói mãi cũng không hết chuyện. Lũ trẻ khoe về cuộc sống hiện tại của mình cho vợ chồng tôi. Tôi mừng ra mặt bởi 4 cậu nhóc ngày nào giờ đã trở thành những người đàn ông trưởng thành, có sự nghiệp và cả gia đình riêng. Có lẽ, đã rất lâu kể từ khi phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo, tôi mới thấy mình vui đến thế.
Theo Đinh Anh-Theo PNS