Với Vinh Trần, tiêu tiền hiệu quả sẽ mang lại thành công.
Vinh Trần (Trần Quang Vinh, sinh năm 1986 tại TP.HCM) hiện là Founder của Murror – Ứng dụng giúp đỡ người trầm cảm bằng công nghệ AI. Trước đó, anh từng “chinh chiến” ở Google, Meta suốt 10 năm trước khi gác lại tất cả để khởi nghiệp dự án AI giúp đỡ người trầm cảm. Mới đây, anh được vinh danh là một trong 23 nhân vật truyền cảm hứng tại giải thưởng WeChoice Awards 2023 với thông điệp “Dám đam mê, Dám rực rỡ”.
Giống bao người trẻ khác, con đường chạm đến sự nghiệp thành công của Vinh Trần không chỉ toàn những bước đi suôn sẻ. Một “founder không bằng cấp” từng là điều người ta nhắc đến khi nói về Vinh Trần.
Hết cấp 3, anh không vào trường đại học nào ở Việt Nam mà quyết định tự học để trở thành một graphic designer. Đến năm 20 tuổi, anh kiếm được hơn 1.000 đô/tháng, đồng thời sản phẩm được Apple featured trên App Store thu hút hàng trăm nghìn người dùng dù không có bằng cấp. 24 tuổi, anh theo học tại RMIT, cố gắng quay lại với việc học nhưng sau đó từ bỏ vì không thể hòa nhập. Cho đến năm 27 tuổi, công việc và cuộc sống của Vinh Trần rẽ sang một hướng mới sau khi anh sang Mỹ làm việc.
Trước những thành tích rực rỡ và truyền cảm hứng của Vinh Trần, số đông tự hỏi rằng nếu nhìn lại quá khứ, anh có những bài học nào để đạt thành công mà đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục duy trì? Đặc biệt hơn, khi anh còn có xuất phát điểm khác so với những bạn trẻ khác, đó là không đào tạo qua một trường đại học.
Và mới đây, từ trải nghiệm cá nhân, Vinh Trần chia sẻ anh thấy “có một yếu tố quan trọng hơn cả bằng cấp” mà trong hai thập kỷ qua anh đã lặp đi lặp lại để không bị xã hội đào thải. Đó là “đốt tiền hiệu quả” . Đây cũng là cách giúp Vinh Trần vượt qua khỏi những quy chuẩn chung và đạt được điều mình mong muốn.
Thế nào là “đốt tiền hiệu quả”?
Dưới đây là 3 khía cạnh trong thói quen xài tiền hiệu quả mà Vinh Trần đề cập đến:
1/ Đi trước thời đại
Để có thể cạnh tranh và là top 1% thì Vinh Trần luôn tìm cách đi trước thời đại. Tức là, anh thường tìm kiếm và làm những điều người khác chưa từng làm. Bên cạnh đó, Vinh Trần cũng không tiếc đầu tư tiền của vào bản thân.
Vinh Trần cho hay: “Tóm tắt 3 vòng tuần hoàn đã xảy ra trong đời Vinh:
– Bắt đầu thiết kế đồ hoạ lúc 10 – 11 tuổi -> Đi làm lúc 19 tuổi mà không đi học.
– Làm ứng dụng iPhone lúc iPhone mới ra -> Tiên phong về thiết kế ứng dụng khi chưa 30 tuổi.
– Đầu tư về trí thông minh nhân tạo khi chưa là trend -> Đi trước thời đại về áp dụng AI về đề tài sức khỏe tinh thần.
Trên quá trình đó, tiền Vinh kiếm được Vinh đầu tư máy tính. Lúc 19 tuổi Vinh mua cái máy $800 là khủng khiếp lắm, lúc 24 – 25 tuổi Vinh đầu tư iPhone và máy móc để làm app tốn ~$3000. Vinh làm về AI tới lúc này đã đầu tư $100k… Apple Vision Pro mới ra Vinh đầu tư $4500 cho bộ Developer Kit để nghiên cứu và phát triển cho tương lai của Murror.
Với tổng số tiền Vinh đã đầu tư cho bản thân thì đến giây phút này chưa bằng một cái bằng đại học ở Mỹ. Đầu tư thế này Vinh vẫn rất lời.
Nhưng thường Vinh không tiếc số tiền đầu tư để phát triển bản thân và học. Vì phải hiểu được các công nghệ mới thì mới thấy được trước những thứ người khác không thấy. Làm những điều người khác chưa từng làm. Và dù Vinh có đi làm ở đâu thì vị trí của Vinh là một người Senior Lead vì khả năng tự định nghĩa công việc và tác động tạo ra”.
2/ Tiết kiệm
Tiết kiệm để đầu tư cho tương lai và phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống là điều mà nhiều người trẻ hướng đến. Vinh Trần cũng vậy.
“Để làm được như vậy (tiết kiệm – PV), Vinh phải tiêu xài có kiểm soát. Vinh thì… có nhiều điều kiện ăn chơi nhưng thường thì không chọn ăn chơi mà chỉ ngồi làm việc và nghiên cứu. Nên khi nói chuyện thì Vinh thích đi sâu vào một vấn đề.
Tiết kiệm để tái đầu tư vào bản thân mình vì thế giới sẽ luôn thay đổi liên tục. Khó mà làm được gì nếu mình không có điều kiện. Vinh luôn coi trọng sự thành công và luôn chia sẻ quan điểm giữa tình cảm và công việc. Vì Vinh hiểu cuộc sống khi tính đường dài, không có điều kiện vật chất thì mình dễ bị thụt lùi và cũng không viên mãn với vấn đề cá nhân, lỗi không do mình mà là hệ thống xã hội. Nên Vinh tập chơi cuộc chơi của riêng mình”, Vinh Trần tâm sự.
3/ Mua trải nghiệm thay vì khoe khoang
“Tiết kiệm nhưng không keo kiệt nên Vinh vẫn chi tiền cho những trải nghiệm mới và làm mình vui. Nhờ có những trải nghiệm mới đó mà khiến Vinh có thêm động lực và cái thú để sáng tạo”, anh viết.
Sau cùng, Vinh Trần nhận định: “ Chúc các bạn có thể lên chiến lược phù hợp và đầu tư thành công cho tương lai của mình nhé. Tài sản có nhiều hình thức. Kiến thức là tài sản vô giá không thể thay thế”.
Theo Vân Anh-Theo PNM