Xuân Hinh có nhiều mục đích khi xây dựng công trình 5000 mét vuông của mình.
Thời gian gần đây, nghệ sĩ ưu tú Xuân Hinh khiến mọi người vô cùng bất ngờ khi khoe cơ ngơi rộng tới 5000m2 tại Sóc Sơn, được xây dựng trong hơn chục năm mới hoàn thiện.
Cơ ngơi 5000m2 của Xuân Hinh được xây dựng từ 1 triệu viên gạch thất cổ và 5 triệu viên ngói đúc thủ công bằng tay.
Công trình này được xây dựng khá tốn kém. Xuân Hinh tiết lộ, anh đã dành hết số tiền mình kiếm được nhờ đi diễn trong suốt hơn 40 năm sự nghiệp cho nó. Nhiều khán giả thắc mắc về mục đích của nam danh hài khi xây dựng một cơ ngơi rộng lớn, đồ sộ đến vậy.
Tri ân và uống nước nhớ nguồn tới cái nôi sinh thành nên tài năng, sự nghiệp cho mình
Xuân Hinh sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, cái nôi của văn hóa nghệ thuật dân gian – lễ hội truyền thống Bắc Bộ, nên từ nhỏ đã thấm đẫm những giá trị văn hóa này trong tâm hồn, cốt cách.
Từ thời ấu thơ tới khi trưởng thành, Xuân Hinh sống với những làn điệu hát văn, quan họ, ca trù, cùng nhiều loại hình diễn xướng dân gian. Từ đó, anh chọn con đường trở thành nghệ sĩ chèo, gắn liền tài năng ca hát, diễn xuất của mình với loại hình nghệ thuật cổ truyền này. Anh cũng là học trò của NSND Mạnh Tuấn – người nghệ sĩ lão làng trong việc phát huy nghệ thuật chèo cổ.
Nghệ thuật chèo đã dạy cho Xuân Hinh những ngón nghề ca hát, diễn múa, pha trò, quăng mảng miếng hài một cách duyên dáng, tinh tế, để từ đó lấn sân qua hài kịch thành công, trở thành Vua hài đất Bắc.
Vì vậy, Xuân Hinh luôn nhớ ơn là tâm niệm trong lòng phải làm điều gì để lưu giữ những loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần mai một này. Trong cơ ngơi anh xây dựng một khu gọi là Linh từ Uống nước nhớ nguồn với cả một thư viện lưu giữ toàn bộ tranh ảnh, sách báo, tư liệu về tuồng, chèo, hát văn, ca dao tục ngữ… Anh cũng bày trong khu di tích nhiều sập gụ để làm nơi diễn xướng hát văn.
Anh nói: “Thư viện này lưu giữ toàn bộ tài liệu, sách về hát văn, hầu đồng, ca dao, tục ngữ, quan họ, ca trù… Nói chung là tinh hoa của văn hóa Việt. Trong các bức tranh dân gian này là những vai hề chèo, Thị Mầu lên chùa… Nhà này để nghiên cứu, sưu tầm, thể hiện và phát triển”.
Xuân Hinh là một thanh đồng đạo Mẫu nên rất trọng tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt với tín ngưỡng truyền thống. Bản thân anh tự nhận mình là con của Mẫu nhiều lần và đem diễn xướng hầu đồng lên sân khấu thành công. Xuân Hinh từng hát: “Tứ phủ một nhà. Là con tứ phủ một nhà, là con của Mẫu. Ấy là phúc duyên đồng nghèo…”.
Anh xây dựng trong cơ ngơi 5000 mét vuông của mình cả một Bảo tàng Đạo Mẫu, với đầy tủ tranh tượng, đồ đạc trong tín ngưỡng tứ phủ thờ Mẫu của người Việt như tranh tứ phủ, tranh Cô Chín, tượng Tam tòa Thánh Mẫu, tượng Đức Thánh Trần… Tất cả đều dựa vào chất liệu nghệ thuật dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ… Có thể thấy, ở Xuân Hinh, nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian không tách rời nhau.
Xuân Hinh cũng muốn tỏ lòng biết ơn, thành kính của mình tới tín ngưỡng đạo Mẫu nên xây cơ ngơi này để phục vụ nhu cầu thờ phụng của mình cũng như khán giả. Anh chia sẻ: “Tên khu Linh từ là Uống nước nhớ nguồn vì tôi là người ăn lộc Mẫu, ăn lộc tiền nhân nên nguyện vọng của tôi khi còn khỏe là phải tỏ lòng tri ân. Suốt hơn 40 năm nay tôi làm ăn, kinh tế, có được ngày hôm nay cũng để dâng hết cho đời. Làm được cái gì tốt để cầu bình an, sức khỏe thì tôi làm”.
Đào tạo và nuôi dưỡng thế hệ sau
Xuân Hinh xây dựng khu di tích này trước hết để giáo dục con cháu trong gia đình. Anh nói: “Tôi không dám nói rộng nhưng trước hết để dạy con cái trong gia đình phải biết ơn tiền nhân, những người đã xây dựng, nuôi mình”.
Tiếp đó, Xuân Hinh muốn có nơi duy trì, phát huy nghệ thuật truyền thống qua việc đào tạo các tài năng trẻ. Anh chia sẻ: “Nếu tôi còn khỏe, tôi sẽ cố làm một nơi tuyển các cháu có năng khiếu với nghề, có tâm có đức nhưng hoàn cảnh khó khăn như tôi về đây để đào tạo nghề.
Tôi sẽ mời các thầy cô có chuyên môn, giỏi về để dạy cho các cháu, giúp đỡ các cháu, cho các cháu cái nghề. Ngày xưa tôi rất khổ, khó khăn nên muốn được giúp đỡ các cháu như vậy. Giờ cứ nhớ lại quá khứ đó là tôi muốn khóc.
Nhưng cái này phải là năng khiếu thật sự chứ tuyển cũng không được. Không có năng khiếu thì dạy xong cũng chẳng thành giống gì cả”.
Ngoài ra, Xuân Hinh cũng muốn lưu giữ lại sự nghiệp của chính mình, nên trong khu di tích cũng có nhiều tranh ảnh, sách báo về các vai diễn anh từng thực hiện. Thậm chí, ngay ở gian đầu còn có chiếc xích lô gắn liền với anh trong vở Người ngựa, ngựa người. Anh nói: “Nhờ vở diễn này mà tôi kiếm được nhiều tiền, góp lại xây nên khu Linh từ”.
Theo Tùng Ninh-Đời sống & pháp luật