Mô hình “Cây xoài nhà tôi” của nông dân Đồng Tháp chỉ là một trong 50 câu chuyện chuyển đổi số điển hình đang được chia sẻ tại Làng số – nền tảng viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống.
Với hơn 9.000 héc-ta, sản lượng hàng năm đạt trên 90.000 tấn, Đồng Tháp hiện là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên trước đây, vì phụ thuộc phần lớn vào kênh bán cho thương lái nên giá trị cây xoài không được phát huy, người nông dân chịu cảnh thu nhập bấp bênh.
Kịch bản này đã dần thay đổi khi những nông dân HTX Xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã tìm hướng đi mới, nghĩ cách bán trái cây qua mạng cho khách hàng khắp cả nước theo mô hình “Cây xoài nhà tôi”.
Theo đó, những cây xoài được chọn vào mô hình “Cây xoài nhà tôi” phải đảm bảo các tiêu chí như: cây to khỏe, gần đường lớn, người canh tác chuẩn, điều kiện vệ sinh tốt, sản lượng cây xoài cao và phải trồng theo tiêu chuẩn, quy trình VietGap, Global Gap.
Trên mỗi cây xoài đều có gắn mã QR, các nông hộ tham gia được tạo lập cơ sở dữ liệu riêng, quản lý tất cả các cây xoài tham gia mô hình bao gồm: tên nông hộ, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, thông tin định danh của từng cây xoài gồm có: Giống cây, mã định danh, tuổi cây, giá bán, thời gian sở hữu, hình ảnh về cây xoài.
Thậm chí, mỗi cây xoài sẽ được cấp một mã định danh duy nhất thông qua mã QR. Khách hàng có thể dễ dàng truy cập vào website: https://nongsancaolanh.vn để chọn một cây xoài mà mình vừa ý và đặt mua. Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình 4-7 triệu đồng/cây, thậm chí với giống xoài cát Hòa Lộc còn có giá lên đến 10 triệu đồng/cây.
Trong suốt một năm, với hai vụ thu hoạch, người mua được hưởng toàn bộ số quả trên cây (khoảng 70 – 150 kg/vụ). Xoài sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua, ngoài ra, người sở hữu cây xoài còn có thể đến thăm hoặc quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật trên website. Nhờ vậy, người tiêu dùng sẽ được sử dụng những trái xoài có đầy đủ nguồn gốc và không mua nhầm hàng kém chất lượng mà giá cao.
Mô hình “Cây xoài nhà tôi” không chỉ giúp người tiêu dùng có thêm hình thức mua hàng an toàn, trải nghiệm mới mẻ mà còn giúp những người nông dân thuộc HTX Xoài Mỹ Xương gia tăng thu nhập, chủ động kênh bán hàng thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái.
Mô hình “Cây xoài nhà tôi” chỉ là một trong 50 câu chuyện chuyển đổi số điển hình đang được chia sẻ tại Làng số – nền tảng viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống. Làng số được xây dựng trên cơ sở các bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; thực tiễn của những người đã và đang trăn trở, đã và đang trực tiếp tham gia hoạch định cơ chế, chính sách, chiến lược và thực thi chuyển đổi số ở cấp cơ sở, cấp làng, cấp xã; với sự chung tay, giúp sức, kế thừa tri thức của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nhân Việt Nam.
Với triết lý “chia sẻ là cho đi”, mỗi câu chuyện được chia sẻ sẽ khơi nguồn cảm hứng, thôi thúc mỗi cá nhân trong Làng số hành động thay đổi cuộc sống của chính mình, của gia đình mình và cộng đồng. Từ đó, hình thành nên sức mạnh nội sinh của làng số, trước hết ở quy mô rất nhỏ, sẽ lan rộng và phát triển và hình thành nên những xã số, tỉnh số, huyện số và quốc gia số.
Không chỉ chia sẻ câu chuyện, Làng số còn giới thiệu khoảng 30 nền tảng số Make in Việt Nam. Mỗi nền tảng số là một viên gạch, hướng tới giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống của người dân. Mỗi nền tảng số được giới thiệu giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích, thụ hưởng thành quả do công nghệ số mang lại. Mỗi người dân, mỗi làng, dựa trên nội lực, văn hóa, đặc điểm địa phương có thể lựa chọn những viên gạch này để xây dựng nên ngôi làng số của chính mình.
Làng số giải quyết vấn đề “ly nông, bất ly hương”. Người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương mình, vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, thoát nghèo. Nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân đã không còn cần di chuyển về các thành phố lớn nữa vẫn tìm ra con đường cho riêng mình. Phát triển dựa trên công nghệ, và vì vậy là hướng đi phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam.
Làng số sẽ liên tục được cập nhật hàng năm, để chia sẻ nhiều hơn các câu chuyện thành công, và cả câu chuyện thất bại của các địa phương cùng những bài học kinh nghiệm. Hiện Làng số đã có phiên bản trực tuyến tại địa chỉ: https://langso.dx.gov.vn.
Theo Hoàng Thùy–An ninh tiền tệ