Đây là câu chuyện của một người đàn ông họ Bạch, năm nay đã hơn 60 tuổi, đến từ Trung Quốc.
Ông Bạch chia sẻ:
“Tôi vốn làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, từng đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành của một công ty. Nhưng cuối cùng tôi lại chọn trở về quê hương, cùng vợ mở một tiệm cà phê nhỏ, sống một cuộc sống yên bình.
Trong mắt nhiều người, tôi là người có tính cách phóng khoáng, tùy hứng. Vốn có một công việc ổn định, thu nhập cao, tôi lại có thể dễ dàng nói bỏ là bỏ. Lý do tôi đưa ra quyết định này là bởi vì tôi đã từng trải nghiệm cảm giác cận kề với cái chết đến hai lần. Sau đó tôi chợt nhận ra, không có gì quan trọng hơn mạng sống.
Tôi sinh ra trong một gia đình có cha là quân nhân, ông thường xuyên phải di chuyển công tác nên gia đình tôi cũng nhiều lần phải chuyển nhà. Điều này cũng một phần hình thành nên tính cách hiếu động, không chịu ngồi yên, tự do phóng khoáng của tôi sau này. Khi tôi học tiểu học, tôi bắt đầu có niềm đam mê với hội họa, lúc đó nơi tôi sống không có cơ sở đào tạo mỹ thuật nào, cha mẹ cũng không chú ý bồi dưỡng nên tôi chỉ có thể tự mình mày mò tìm hiểu.
Sau nhiều khó khăn trắc trở, gia đình không ủng hộ, thậm chí còn phải thi đại học đến 2 lần, cuối cùng tôi cũng đã được nhận vào Học viện Mỹ thuật. Mặc dù đó chỉ là một ngôi trường nhỏ, tính cả giảng viên và sinh viên còn chưa tới 300 người nhưng tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc như được sống đúng với ước mơ của mình. Năm 1989, tôi tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật và trở thành giáo viên mỹ thật ở một trường trung học cơ sở.
Sau khi làm việc ở đây được một năm, tôi quyết định từ bỏ để đi tìm cuộc sống mà mình mong muốn. Tôi chuyển đến Vũ Hán, cùng một vài người bạn mở studio, nhận thiết kế quảng cáo và đồng trang trí nội thất. Năm 1993, tôi đến Làng Họa sĩ theo lời giới thiệu của một người bạn, ở đó có rất nhiều họa sĩ tự do, sống dựa vào việc bán tranh do chính mình vẽ. Khi ấy kinh tế trong nước chưa phát triển, người đến Làng Họa sĩ mua tranh chủ yếu là người của đại sứ quán hoặc giám đốc của các công ty đa quốc gia.
Một bức tranh có thể được bán với giá khoảng hai đến ba trăm đô la, đủ số tiền để một họa sĩ sống trong vài tháng. Nhưng tôi không thích việc bán tranh như vậy cho lắm. Tôi nhớ khi tôi còn ở Làng Họa sĩ, vợ của một cố vấn ở đại sứ quán đã cùng bạn bè đến xưởng vẽ của tôi và mua một bức chân dung của một cô gái Miêu, giá giao dịch là 300 đô la Mỹ. Giá lúc đó khá ổn nhưng việc tranh của tôi bị coi là hàng hóa và quá trình đàm phán giá khiến tôi rất không hài lòng. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ vẽ tranh để bán nữa.
Vì đối với tôi, hội họa là một loại biểu đạt, là dùng ngôn ngữ hội họa và chất liệu của mình để diễn đạt những điều mình muốn nói, điều mình nghĩ cho người khác thấy, nó đầy tính sáng tạo rất thú vị. Nghệ thuật đích thực không bao giờ mang tính thương mại, cũng không phải là thứ để làm hài lòng người khác hay hào nhoáng.
Từ lâu, tôi đã cảm thấy cuộc sống này thật vô nghĩa, sống tốt ở hiện tại mới là quan trọng nhất. Tôi không có quá nhiều tham vọng về tiền bạc và danh lợi. Điều này có liên quan đến 2 lần đối mặt với tử thần trong cuộc đời tôi.
Lần đầu tiên là vào năm 1985, tôi cùng một vài người bạn bị hút vào cống thoát nước khi đang bơi trong hồ. Tôi bị sắc nước vào cảm thấy như mình sắp chết. Trong thời khắc kinh hoàng đó, tôi đã nhớ tới cha, liệu rằng khi ông ấy biết con trai mình đã qua đời ông ấy có chịu nổi không. Cũng may cuối cùng chúng tôi vẫn còn đủ sức lực để vượt qua dòng nước bơi vào bờ.
Lần thứ hai là vào năm 1986, chị tôi đưa tôi đi du lịch ở Trương Gia Giới với công ty của chị ấy. Chúng tôi mắc kẹt ở đó hai ngày vì mưa lớn, nước sông dâng cao và cầu đã bị sập. Người dân đốn một cái cây lớn dùng tạm để di chuyển qua sông. Người dũng cảm có thể đi qua, nhưng tôi thì nhát quá, tôi không dám đi mà cũng không muốn đi nên tôi chỉ đứng nhìn người ta di chuyển.
Hơn 20 người ở phía bên kia, thuộc một đơn vị công tác nào đó ở Bắc Kinh, cũng muốn qua sông. Khi họ đang băng qua một người phụ nữ khoảng năm mươi tuổi, mang theo hai chiếc túi và một chiếc áo mưa đang đi từng bước vào bờ. Dòng suối chảy rất nhanh, khi chỉ cách bờ khoảng hai ba mươi phân, người phụ nữ đột nhiên trượt chân ngã xuống sông.
Một người đàn ông đứng cạnh nhảy xuống nước để cứu người khác nhưng cũng bị mắc kẹt ở gốc cây. Nghe thấy tiếng mọi người la hét, đầu tôi nóng bừng, tôi liều mình nhảy xuống.
Tôi nắm lấy đám cỏ dại, cành cây ven suối, lê bước ngược dòng để đến gần, tôi đến chỗ người phụ nữ đó trước, đẩy chiếc mũ trùm áo mưa của bà sang một bên để bà thở rồi dùng hết sức đẩy bà vào, sau đó mới quay lại cứu người đàn ông. Sau khi cứu họ, tôi đã mất hết sức lực và được người khác kéo vào bờ.
Hai lần suýt chết đã cho tôi những suy nghĩ khác nhau về cuộc sống. Nghĩa là, ngoài sự sống và cái chết, trên đời không có gì quan trọng cả. Tâm lý này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều lựa chọn của tôi sau này.
Năm 1995, tôi rời khỏi Làng Họa sĩ và chuyển đến Ninh Ba, được nhận vào làm nhà thiết kế trang phục cho một công ty may mặc. Đó là thời kỳ công ty phát triển vượt bậc, tôi nhanh chóng trở thành giám đốc thiết kế của công ty này, tôi đã thiết kế cho hơn 2.000 cửa hàng và hơn 20 chi nhánh trên khắp cả nước. Ở công ty này, tôi làm việc từ phòng kế hoạch đến phòng tiếp thị, từ thiết kế đến quản lý tiếp thị, đồng thời tham gia niêm yết công ty, hợp tác thương hiệu quốc tế và vận hành thương hiệu mới. Tôi đã làm việc ở đó được 8 năm, từ một nhân viên bình thường đã lên thành phó chủ tịch tập đoàn. Cuộc sống của tôi có thể nói là khá dư giả.
Khi công ty ngày càng lớn mạnh, chủ tịch ngày càng quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh công nghệ cao và tài chính, dần mất hứng thú với ngành may mặc, liên tục bán hoặc cho thuê lại các thương hiệu của mình, và tôi cũng cảm thấy đã đến lúc mình phải ra đi. Tôi về quê, kết hôn và sinh con. Tôi từng mở quán bar, làm nội thất, mở quán mỳ…
Khi không còn phải lo về vấn đề tiền bạc nữa, tôi bắt đầu nhớ những ngày còn làm nghệ sĩ. Tôi trở lại Làng Họa sĩ ở Bắc Kinh năm nào, tiếp tục thực hiện ước mơ vẽ tranh của mình. Nhưng tôi nhận ra Làng Họa sĩ đã không còn giống như ngày xưa nữa, giới nghệ thuật cũng đã thay đổi rồi. Tôi quay trở lại Ninh Ba, mượn nhà cũ của vợ tôi làm xưởng vẽ.
Vợ tôi rất thích hoa, cho nên tôi đã dành thời gian xây một khu vườn để vợ tôi trồng hoa, đào thêm một cái ao trong sân để nuôi cá. Chúng tôi vẽ tranh, nuôi cá và làm vườn, sống một cuộc sống thoải mái. Trong đợt dịch bệnh vài năm trở lại đây, thế giới dường như bị ép phải tạm dừng.
Nhiều người chợt thắc mắc họ đã làm gì suốt ngần ấy năm qua. Họ bắt đầu tìm kiếm những lối sống khác và yêu thích sự thư thái của cuộc sống miền quê. Có không ít du khách tìm đến xưởng vẽ của tôi, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc biến nơi đây thành một không gian thư giãn cho mọi người. Tôi cải tạo xưởng vẽ của mình thành một quán cà phê đồng quê, có trà chiều và cả những món tráng miệng và bánh ngọt.
Ngày nào quán của tôi cũng có người đến check in, trong đó có nhiều người từ nơi khác đến. Mọi người đều thích trở về quê hương, gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống đời thường và nằm thư giãn. Tôi còn tổ chức dạy vẽ tranh sơn dầu cơ bản ở đây, thỉnh thoảng tổ chức những hoạt động như giao lưu âm nhạc, học nhiếp ảnh, trải nghiệm rượu whisky, trà đạo Nhật Bản. Ở đây có đồ ăn ngon, có rượu, có tranh vẽ, có âm nhạc, có tiếng cười và quan trọng là có những con người thú vị. Tôi rất thích cuộc sống hiện tại của mình, được làm những gì mình muốn, sống cho hiện tại, như thế là đủ rồi.”
Hoa Thu– Đời sống Pháp luật