Thái độ của bạn với tiền bạc ở tuổi 20s chính là nền tảng cho sức khỏe tài chính sau này.
Ở tuổi 20s, sau khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu kiếm được những đồng lương đầu tiên, một trong những việc mà phần lớn chúng ta ưu tiên làm chính là tận hưởng cuộc sống tự do, tự lo hơn là lên kế hoạch tiết kiệm.
Nếu có tiết kiệm, mục đích sẽ là để đi du lịch, mua thứ này thứ kia, chứ không phải là tiết kiệm cho tương lai, đúng không?
Đầu tư cho trải nghiệm và chất lượng sống là điều nên làm, không có gì đáng để lên án. Tuy nhiên, nếu đó là việc duy nhất bạn đã hoặc đang làm khi nhắc tới chuyện tiền bạc, câu chuyện sẽ không còn tích cực toàn diện nữa.
Các chuyên gia tài chính cho rằng một trong những việc quan trọng nhất cần làm ở tuổi 20s chính là xây dựng thái độ đúng đắn với tiền bạc, tài chính. Rod Griffin – Giám đốc cấp cao của cơ quan báo cáo tín dụng Experian (Ireland) khẳng định: “Thái độ của bạn với tiền bạc ở tuổi 20s chính là nền tảng cho tình hình tài chính sau này” .
Để có mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc ở tuổi 20s và về sau, các chuyên gia tài chính khuyên bạn nên thực hiện 5 việc này.
1 – Làm rõ mối quan hệ của mình với tiền bạc
Nicole Wirick – Nhà lập kế hoạch, phân tích tài chính ở Michigan (Mỹ) cho biết một trong những điều quan trọng nhất cần xem xét khi bắt đầu hành trình xây dựng nền tảng tài chính cá nhân là tư duy về tiền bạc.
“Việc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất cần làm chính là trả lời được câu hỏi: Mối quan hệ của mình với tiền bạc là gì?” .
Ví dụ: Bạn là người chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm hay ngược lại? Bạn nghĩ rằng nguồn tiền của mình là dồi dào hay khan hiếm, và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến cách bạn chi tiêu hoặc tiết kiệm? Bạn có tự đặt ra và tuân theo những quy tắc về tiền bạc, hay có niềm tin vô thức nào tác động đến cách bạn nhìn nhận về tiền bạc hay không?” – Nicole Wirick giải thích và khẳng định tự thân mỗi người phải tìm ra được đáp án cho câu hỏi này.
Theo quan điểm của Nicole Wirick, ký ức thơ ấu của một người có tác động không nhỏ tới cách họ tư duy về tiền bạc sau này. Người lớn lên trong nghèo khó sẽ có suy nghĩ khác về tiền bạc so với những cậu ấm cô chiêu, và đương nhiên cũng không giống những đứa trẻ lớn lên trong gia đình trung lưu (không giàu, không nghèo).
“Để gỡ được nút thắt, trước tiên, bạn phải biết nút thắt đang nằm ở đâu. Đó chính là lý do bạn cần nhìn nhận được những yếu tố tác động, hình thành lên suy nghĩ, thái độ hiện tại khi nghe tới hai từ tiền bạc” – Nicole Wirick một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ mối quan hệ của mình với tiền bạc.
2 – Hiểu rõ cách dòng tiền của mình vận hành
Sau khi làm rõ được mối quan hệ của mình với tiền bạc, điều quan trọng tiếp theo mà bạn cần thực hiện chính là hiểu cách dòng tiền “chảy vào” và “thoát ra” khỏi túi của mình.
Thoạt nghe, đây có vẻ là điều quá hiển nhiên, chẳng có gì cần làm rõ nữa. Nhưng nếu bạn vẫn còn đang trong tình trạng “chỉ biết mình hết tiền chứ chẳng rõ đã tiêu vào việc gì”, thì nghĩa là bạn đang không hiểu cách dòng tiền của mình vận hành đấy.
Ron Tallou – Người sáng lập công ty tài chính Tallou ở Michigan (Mỹ), cho biết: “Tôi luôn nói với các khách hàng trẻ tuổi của mình rằng “ngay bây giờ” chính là thời điểm tốt nhất để bắt đầu có một khoản tiết kiệm. Ngoài ra, không có thời điểm nào tốt hơn trong tương lai. Tôi cố thuyết phục họ thực hiện một kế hoạch tiết kiệm nào đó, nhưng họ thường trì hoãn việc này bằng cả ngàn lý do: Lãi suất tiết kiệm thấp, có quá nhiều việc phải chi tiêu,…”
Sau đó, ông cũng khẳng định cách tốt nhất và đơn giản nhất để bắt đầu hiểu cách dòng tiền của mình đang vận hành chính là gửi tiết kiệm, vì lúc này, số tiền đó sẽ đóng băng, bạn không thể động vào. Tất cả những gì bạn cần nhìn nhận chỉ là mình đã chi tiêu số tiền còn lại sau khi gửi tiết kiệm vào những việc gì.
“Tôi không cho rằng gửi tiết kiệm là cách đầu tư sinh lời tốt nhất, nhưng thực sự chẳng có cách nào tốt hơn trong trường hợp bạn thậm chí còn không biết mình đã tiêu tiền vào những việc gì” – Ron Tallou nhấn mạnh.
3 – Bắt đầu đầu tư với số tiền nhỏ
Phải xoay sở với chi phí thuê nhà và tiền ăn hàng tháng là lý do khiến nhiều bạn trẻ ở tuổi 20s từ chối nghĩ về việc đầu tư sinh lời. Nói cách khác, họ nghĩ rằng phải khi nào có chút “của ăn của để” mới bắt đầu đầu tư được.
Tuy nhiên, Nicole Wirick – Nhà lập kế hoạch, phân tích tài chính ở Michigan (Mỹ) lại cho rằng đây là lối suy nghĩ giết chết khả năng đầu tư.
“Có những mã cổ phiếu, chứng khoán có giá chỉ bằng 1 chiếc hamburger. Bạn có thể bắt đầu đầu tư bằng việc mua 2-3 “chiếc hamburger” và quan sát biến động thị trường để biết khi nào nên bán lấy lời, khi nào nên giữ và khi nào nên bán cắt lỗ.
Vậy cũng có thể coi là bạn bắt đầu đầu tư rồi. Đừng bao giờ đánh đồng việc đầu tư với một khoản tiền khổng lồ” – Nicole Wirick khẳng định.
4 – Tìm hiểu về lãi suất tín dụng, điểm tín dụng
Nhắc đến thẻ tín dụng, cả Nicole Wirick và Ron Tallou đều có chung quan điểm: Sở hữu thẻ tín dụng khi chưa hiểu về lãi suất tín dụng, cách tính lãi dư nợ tín dụng và điểm tín dụng là việc có rủi ro rất lớn.
Ở Việt Nam, lãi suất tín dụng sẽ được áp dụng khi bạn chậm trả dư nợ tối thiểu và nếu chậm trả 91 ngày, bạn sẽ bị liệt vào nhóm nợ xấu, đồng nghĩa với việc giảm điểm tín dụng. Nếu bạn chưa biết: Điểm tín dụng là một chỉ số phản ánh mức độ tín nhiệm của người vay. Điểm tín dụng cho biết khả năng một khách hàng vay có thể trả nợ và thanh toán các khoản vay đầy đủ và đúng hạn. Điểm tín dụng càng cao tương ứng với rủi ro không thanh toán được các khoản nợ càng thấp và khả năng tiếp cận tín dụng càng cao.
Trong trường hợp bạn trả dư nợ tối thiểu đúng hạn, bạn vẫn bị tính lãi cho khoản tiền chưa trả hết, mức lãi tùy theo quy định của ngân hàng phát hành thẻ.
Đây đều là những điều quan trọng cần tìm hiểu trước khi sở hữu một chiếc thẻ tín dụng hoặc một khoản vay tiền mặt.
5 – Đặt mục tiêu sở hữu bất động sản
Mua được nhà hay sở hữu một mảnh đất ở thời điểm này không phải là điều đơn giản, đặc biệt với những người còn chưa qua tuổi 30. Tuy nhiên, Nicole Wirick vẫn khuyên bạn nên đặt mục tiêu sở hữu bất động sản càng sớm càng tốt.
“Nếu 20 tuổi, bạn lên kế hoạch tiết kiệm để mua nhà, bạn có thể thực hiện được mục tiêu đó vào năm 40 hoặc 50 tuổi. Nhưng nếu bạn không làm điều đó ở tuổi 20, đến năm 60-70 tuổi có thể bạn mới có BĐS, hoặc không. Những mục tiêu tài chính càng lớn, càng cần bắt đầu sớm. Đó mới là thái độ đúng đắn” – Nicole Wirick khẳng định.
Theo Fortune– Ngọc Linh-Theo Phụ nữ mới