Anh Hán Tiến Dũng (30 tuổi) cho biết tiền công cao nhất của anh đến từ việc cắm hoa lan có thể lên đến 30 triệu đồng/ngày.
Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thị trường hoa tươi ở Hà Nội đang rất nhộn nhịp, sôi động. Cũng như mọi năm hoa lan luộn hút khách, nhiều địa điểm dựng rạp rộng hàng trăm m2 để trưng bày đủ loại hoa lan phục vụ người tiêu dùng, nơi nào cũng đông nghẹt khách.
Để kịp tiến độ, các nhóm thợ giờ đây không chỉ cắm hoa lan ở cửa hàng bán hoa mà còn kéo nhau ra tận các rạp để cắm ngay tại chỗ, cắm ngày không đủ họ còn phải cắm xuyên đêm.
Anh Ngô Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lannia Việt Nam cho biết: “Thợ cắm hoa lan không thiếu nhưng thợ giỏi, có tay nghề cao, cắm đẹp thì không dễ. Các doanh nghiệp, cửa hàng hoa phải mời thợ cắm hoa từ nhiều tỉnh thành về để phục vụ công việc dịp cuối năm. Tiền công cho thợ cắm lan có thể trả theo bình, theo cành hoặc giao khoán ngày công tùy từng trường hợp” .
Bên trong gian hàng trưng bày của công ty này trước sân vận động Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), vài chục thợ cắm hoa lan đang làm việc không ngơi tay.
Đến từ Yên Bái, anh Hán Tiến Dũng (31 tuổi) làm nghề cắm hoa lan đến nay đã được 10 năm. Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, anh được đánh giá là thợ giỏi, cẩn trọng, tỉ mỉ, có trách nhiệm và đặc biệt là giàu sáng tạo. Những người đồng nghiệp và chủ thuê ưu ái gọi anh với danh xưng “nghệ nhân”.
Anh Dũng chính là người cắm chậu lan giá gần 4 tỷ đồng mới xuất hiện trên thị trường hoa Tết 2024 này. Anh cho biết anh mất 2 ngày liên tục để hoàn thành chậu hoa lan khổng lồ đó và đó cũng là một trong những “công trình” lớn nhất, mang lại thu nhập cao nhất trong mùa hoa lan năm nay cho anh.
Tay nghề của anh Dũng hiện tại được các chủ lan trả 20.000 đồng/cành. Cứ đếm cành tính tiền thôi. Khi cắm chậu hoa lan khổng lồ, cũng là lúc thu nhập tính theo ngày của anh Dũng xác lập kỷ lục. “Kỷ lục cao nhất là tôi cắm 1.500 cành” , anh Dũng nói.
Như vậy, với 1.500 cành hoa được cắm, anh Dũng có ngày thu được tới 30 triệu đồng. Người đàn ông này cho biết thêm, thu nhập của anh từ việc cắm hoa lan dịp cuối năm là khoảng 200 triệu đồng/tháng – một mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều người.
Anh Dũng cho biết: “Nghề này năng khiếu chỉ chiếm một phần thôi, cốt yếu nhất vẫn là trách nhiệm với công việc và tinh thần không ngừng học hỏi. Xu hướng cắm hoa, chơi hoa mỗi năm mỗi khác, người thợ nếu không chịu khó học hỏi sẽ lạc hậu. Làm công việc này không thể rập khuôn, cứng nhắc mà phải luôn đổi mới, sáng tạo, tìm tòi để khoe được vẻ đẹp của hoa lan, phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng”.
Nguyễn Tuấn, một thợ cắm hoa lan khác cho biết, thợ cắm hoa lan cũng phân ra nhiều bậc cao, thấp khác nhau. “Cao nhất thì chỉ có những người được ví như “nghệ nhân” giống anh Dũng. Như tôi gọi là tay nghề cứng thì kiếm được khoảng 3-5 triệu đồng/ngày.
Thấp nhất là những người lao động nhàn rỗi, tranh thủ đi cắm hoa lan kiếm thêm. Những người này thì được trả công khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ngày và nuôi ăn ở “, anh cho biết.
Chỉ vào nhóm người đang lúi húi cắm hoa lan trong nhà rạp, anh Tuấn cho biết thợ cắm hoa thường làm việc theo nhóm, các thành viên trong nhóm phải hiểu và có sự phối hợp ăn ý. Thợ được chia làm hai nhóm: Thợ “ra tia” và thợ “lên bình”. Công đoạn “ra tia” dành cho thợ phụ. Nhiệm vụ của họ là cố định “tia” vào thân cây hoa lan, uốn phần có hoa thành vòng cung sao cho vẻ đẹp của ngồng hoa được phô bày trọn vẹn nhất.
Theo Công Hiếu/VTC-Theo vtc.vn