“Bố mẹ đã biến tôi từ cô bé ngốc nghếch trở thành luật sư có tiếng, tốt nghiệp trường Harvard danh giá”, cô gái trẻ trải lòng.
Thoát khỏi mác “học sinh cá biệt” để trở thành “con nhà người ta”…
Triển Thanh Vân sinh ra tại một huyện nhỏ ở Quý Châu (Trung Quốc). Bố của cô là công nhân trong một nhà máy, còn mẹ là giáo viên tiếng Anh ở một trường cấp 2. Gia đình cô không nghèo khó nhưng cũng không giàu có, dư dả, chỉ đủ sống.
Từ nhỏ, Thanh Vân đã thích đọc sách, đặc biệt là tiểu thuyết kiếm hiệp. Đọc nhiều nên cô biết nhiều câu chuyện hay, vì thế các bạn xung quanh rất thích chơi với cô. Mọi người đều khen cô thông minh, chăm chỉ, ham học hỏi. Nhiều phụ huynh còn gọi cô là “thiên tài”.
Thông minh từ nhỏ là vậy nhưng khi lớn lên, Thanh Vân như trở thành một người khác. Cô học không giỏi, điểm số thường đứng cuối lớp, ít trò chuyện với bạn bè. Trong mắt giáo viên, cô là học sinh cá biệt, thường gây ra rắc rối. Cũng vì điều này mà Thanh Vân từng chuyển trường 6 lần khi học cấp 1. Có lần, Hiệu trưởng còn khuyên bố mẹ cô nên cho con gái nghỉ học, đi học nghề sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Còn bạn bè xung quanh cho rằng cô là đứa trẻ không có tương lai.
Nhưng Thanh Vân không bị ảnh hưởng nhiều bởi những lời ác ý bởi bố mẹ cô luôn âm thầm ủng hộ và động viên cô. Mẹ cô là giáo viên nhưng chưa bao giờ áp dụng các phương pháp giáo dục truyền thống hà khắc để nuôi dạy con. Bà luôn tạo điều kiện để con gái tự do phát triển tính cách, sở thích, ước mơ.
Khi còn nhỏ, Thanh Vân thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp dù nó không mang lại nhiều lợi ích nhưng bố mẹ sẽ không ngăn cản. Hay khi lớn, cô thích vẽ tranh, dù sở thích này không kéo dài lâu nhưng sau mỗi chuyến đi công tác, bố sẽ mua cho cô đủ loại màu vẽ. Các bức vẽ nguệch ngoạc của cô đều được đóng khung cẩn thận treo khắp phòng. Điều này đủ để thấy bố rất tôn trọng và tự hào về cô.
Lớn lên trong sự tự do, thoải mái nên Thanh Vân có tính cách vui vẻ và lạc quan. Nhờ vậy mà thành tích học tập của cô ngày càng tốt hơn. Trong kỳ thi tuyển sinh, cô được xét vào một trường cấp 3 trọng điểm của địa phương với kết quả xuất sắc.
Năm 2008, Thanh Vân được nhận vào Đại học Bắc Kinh và Đại học Hồng Kông. Cuối cùng, cô chọn theo học tại Đại học Hồng Kông vì trường trao học bổng cao, sẽ giúp bố mẹ cô bớt phần nào gánh nặng học phí. Ngoài ra, cô còn làm thêm để có tiền sinh hoạt, giúp gia đình bớt khó khăn.
Hành trình học tập tại xứ sở cờ hoa
Ở trường, ngoài chú trọng học tập, Thanh Vân còn tham gia vào CLB Tranh biện. Cô là một trong số ít sinh viên đại diện cho trường tham gia Cuộc thi tranh luận tiếng Trung quốc tế. Kết quả là năm đó, cô giành chức vô địch với danh hiệu “Người tranh luận xuất sắc nhất”. Cô cũng nhận được cơ hội học Thạc sĩ và Tiến sĩ nhờ thành tích xuất sắc. Cô quyết định học chương trình Tiến sĩ tại Trường Luật Harvard với số điểm cao chót vót 174/180 điểm.
Tuy nhiên để ra nước ngoài học tập, gia đình Thanh Vân cần chuẩn bị một số tiền lớn. Lúc này, bố mẹ quyết định vay tiền để thực hiện ước mơ của con gái. Tại Mỹ, thành tích học tập của cô luôn được giữ vững. Cô trở thành người tranh luận giỏi nhất trường.
Trước thềm tốt nghiệp, cô cũng thay mặt đội Đại học Harvard và Yale tham gia Debate World Cup và giành chức vô địch. Năm 2018, cô tốt nghiệp, đạt được Chứng chỉ Luật sư Hoa Kỳ và được nhận vào một công ty luật hàng đầu thế giới.
Sau khi đi làm, Thanh Vân giúp bố mẹ trả hết khoản tiền vay năm xưa chỉ trong 1 năm. Ngoài ra, cô thành lập một nền tảng phúc lợi công cộng hợp pháp để mang lại công lý cho những người gặp khó khăn, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Và điều này giúp cô có vị thế hơn trong ngành nghề.
Nhìn lại hành trình đã qua, Triển Thanh Vân tự hào chia sẻ: “Tình yêu và lòng dũng cảm là thứ đắt giá nhất mà bố mẹ tôi đã trao cho tôi. Bố mẹ đã biến tôi từ cô bé ngốc nghếch trở thành luật sư có tiếng, tốt nghiệp trường Harvard danh giá. Bố mẹ đã cho tôi sự can đảm và tự tin để bước ra ngoài xã hội, thay đổi cuộc đời mình, trở thành phiên bản hoàn hảo hơn”.
Theo Ứng Hà Chi-Đời sống & pháp luật