Bầu Hiển được giao nhiệm vụ vừa sản xuất TV vừa tự đem bán. Ông cùng với các đồng nghiệp trong phòng nghiên cứu về kỹ thuật, tổ chức dây chuyền, lắp ráp, từ vỏ cho đến các linh kiện để thành TV đen trắng.
Năm 1986, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) chính thức vào công tác tại Viện Công nghệ Quốc gia và được phân về viện laser.
Sau đó 6 tháng, bầu Hiển được cử đi Ấn Độ. Mỗi sáng ông sẽ đi theo các chuyên gia Ấn Độ xuống xưởng học hỏi công nghệ của họ tới tối mới về, lặp đi lặp lại như vậy cho tới khi về nước.
Khi đó, Chính phủ 2 nước Việt Nam – Ấn Độ có 1 thoả thuận cho vay, theo đó, Ấn Độ sẽ cho Việt Nam vay 10 triệu rupi nhưng không phải bằng tiền mà bằng thiết bị, cụ thể ở đây là monitor máy tính. Đây cũng chính là mấu chốt để bầu Hiển có được tác phẩm đầu tay của mình, đó là chuyển đổi monitor máy tính thành máy thu hình.
Cụ thể, lô máy tính khi nhập về với mục đích ban đầu là giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phân về các trường học nhưng sau đó, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhận. Khi đó, TS. Đặng Xuân Cự, viện trưởng Viện Công nghệ Quốc gia đã giao lại cho viện laser nghiên cứu cách chuyển đổi monitor máy tính thành TV đen trắng và đem đi bán.
Bầu Hiển là người đã được giao nhiệm vụ: vừa sản xuất vừa tự đem bán. Ông cùng với các đồng nghiệp trong phòng nghiên cứu về kỹ thuật, tổ chức dây chuyền, lắp ráp, từ vỏ cho đến các linh kiện để thành TV đen trắng.
Sản xuất xong để bán đi được cũng không dễ dàng.
Bầu Hiển tiết lộ: “Hồi đó tôi nghèo lắm, đi xe đạp. Những ngày đầu, 1 chiếc xe đạp chở 1 chiếc TV đằng sau đi xuống chợ điện tử ở Ngã Tư Sở bán mà không ai mua vì không có thương hiệu gì. Thậm chí là xin ký gửi họ cũng không nhận. Sau đó tôi chở xuống Hà Đông, cũng không ai nhận và rồi phải vào 1 cửa hàng rất nhỏ thì mới gửi được ở đó để họ bán.”
Sau đó TV này rất được ưa chuộng, bầu Hiển với các đồng nghiệp còn tổ chức 1 hội với chiến thuật bán hàng mang phong cách hội công nghệ Hà Nam Ninh.
Những năm sau đó, TV được chuyển vào TP.HCM để bán, và bán rất đắt hàng vì thị trường miền Nam không phân biệt thương hiệu và một phần nữa vì hàng hoá khi đó rất khan hiếm.
“Lúc đó tôi như “vua” vì họ biết mình có hàng” – Bầu Hiển cho biết.
Cứ 1 tuần ông ở Hà Nội để tổ chức sản xuất, 1 tuần ông lại vào TP.HCM để đi bán hàng. Hàng sản xuất ra ông cho đóng hàng ở ga gửi vào đó rồi ông đi máy bay vào sau, đi giao hàng và thu tiền về.
“Khi đó cứ tuần 1 lần, chuyến bay 5 giờ sáng là thấy tôi ở sân bay Nội Bài, tới mức bà lao công ở đó còn quen mặt” – Bầu Hiển kể lại.
Trách nhiệm lớn, do đó, công việc luôn được bầu Hiểu ưu tiên hàng đầu.
Năm 1989, khi đó, vợ bầu Hiển chuẩn bị sinh con đầu lòng, dù trong lòng rất lo lắng nhưng vì công việc nên bầu Hiển vẫn đang phải ở trong TP.HCM để chạy công việc.
Ông tiết lộ, hôm đó, cả đêm ông thức trắng vì lo cho vợ ở nhà. Thậm chí, khi sốt ruột quá, ông còn gọi tất cả nhân viên, bảo vệ ra uống bia cùng, chỉ muốn uống say để ngủ cho đỡ lo, nhưng vẫn không ngủ được.
“2 giờ sáng, tôi sang bên đường, mượn chiếc xe của một người xe ôm, lái lòng vòng quanh thành phố, hết quận 7 đến quận 10, tới 6 giờ sáng mới về ngủ chỉ để đỡ sốt ruột” – Ông chia sẻ.
Từ năm 1988 – 1992, bầu Hiển đã đi khắp các tỉnh miền Tây để bán TV, lên cả các miền như Trung – Tây Nguyên. Thậm chí, ông còn đi gặp và bán hàng cho các đài truyền hình địa phương và được đón tiếp rất nồng nhiệt.
Những năm 1993 – 1995, trong quá trình đi bán TV, ông đã có cơ hội làm việc nhiều với các chuyên gia người Nhật và được họ khuyên về thành lập công ty riêng và họ sẽ cung cấp các sản phẩm chính hãng của Matsushita để ông phân phối độc quyền toàn miền Bắc. Đó là khởi đầu cho sự ra đời của Tập đoàn T&T ngày nay.
Ngọc Điệp–Nhịp sống thị trường