Đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp đang trì trệ và nguồn vốn nước ngoài vào Ấn Độ đang giảm, ngay cả khi chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng bằng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Nền kinh tế Ấn Độ đang bùng nổ. Giá cổ phiếu đang ở mức cao ngất ngưởng và thuộc hàng tốt nhất trên thế giới. Việc chính phủ tăng cường đầu tư vào sân bay, cầu đường và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch có thể thấy ở hầu hết mọi nơi. GDP Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 6% trong năm nay – nhanh hơn Mỹ hoặc Trung Quốc.
Nhưng có một trở ngại: Đầu tư của các công ty Ấn Độ không theo kịp tốc độ tăng trưởng. Số tiền mà các công ty đầu tư vào hoạt động kinh doanh trong tương lai, cho những thứ như máy móc và nhà máy mới, đang bị trì trệ. Là một phần của nền kinh tế Ấn Độ, đầu tư kinh doanh đang bị thu hẹp. Và trong khi tiền đang đổ vào thị trường chứng khoán Ấn Độ thì đầu tư dài hạn từ nước ngoài lại giảm sút.
Không ai nghĩ Ấn Độ sẽ ngừng tăng trưởng, nhưng mức tăng 6% là không đủ để đáp ứng tham vọng của Ấn Độ. Chính phủ của quốc gia đông dân nhất thế giới đặt ra mục tiêu bắt kịp Trung Quốc và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047. Để đạt được điều này, mức tăng trưởng bền vững cần phải đạt là gần 8%- 9% một năm.
Việc đầu tư trì trệ cũng có thể là thách thức đối với thủ tướng Narendra Modi kể từ năm 2014, khi ông tập trung vào việc biến Ấn Độ thành một môi trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.
Ngân hàng Thế giới (WB) hoan nghênh cam kết của Ấn Độ về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, vốn đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch khi khu vực tư nhân cần được giải cứu. Kể từ đó, chính phủ đã tăng cường cải tạo những con đường ọp ẹp, bến cảng và nguồn cung điện – vốn từng là những trở ngại đối với đầu tư kinh doanh.
Nhưng WB cho rằng điều quan trọng là chi tiêu chính phủ trị giá hàng tỷ USD đó cần kích thích được đầu tư của doanh nghiệp. Auguste Tano Kouamé, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Ấn Độ, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng Tư: “Để thúc đẩy tăng trưởng niềm tin doanh nghiệp, đầu tư công là chưa đủ. Cần những cải cách sâu sắc hơn để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân”.
Việc các doanh nghiệp thiếu tự tin đầu tư giúp giải thích tại sao thị trường chứng khoán Ấn Độ lập kỷ lục, ngay cả khi các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lưng lại với việc mua vào thông qua các công ty khởi nghiệp và thương vụ mua lại.
Thị trường chứng khoán ở Mumbai trị giá gần 4.000 tỷ USD, tăng từ mức 3.000 tỷ USD một năm trước. Các nhà đầu tư nhỏ của Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, nhưng giao dịch cổ phiếu lại nhanh chóng và dễ dàng so với mua và bán công ty. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm xuống còn 13 tỷ USD trong năm qua, so với mức trung bình hàng năm gần đây là 40 tỷ USD.
Chín năm qua, chính phủ của ông Modi đã cải thiện môi trường kinh doanh cho tất cả mọi người. Các hệ thống quan trọng hoạt động tốt hơn và số hóa thương mại đã mở ra những lĩnh vực mới cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, các quan chức nước ngoài chịu trách nhiệm đưa hàng tỷ USD vốn đầu tư đến Ấn Độ cho rằng vẫn còn nhiều rào cản truyền thống khi kinh doanh ở Ấn Độ, nổi cộm nhất là quan liêu. Có quá nhiều quan chức tham gia vào mọi cấp độ phê duyệt, và việc đạt được các quyết định pháp lý vẫn còn rất chậm, chưa nói đến việc thi hành chúng.
Một yếu tố khác cản trở đầu tư dài hạn là điểm yếu cố hữu trong “câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ”. Nguồn cầu mạnh mẽ nhất chính là những người tiêu dùng giàu có. Với dân số 1,4 tỷ người, khoảng 20 triệu người Ấn Độ có thu nhập đủ tốt để mua các sản phẩm tiêu dùng của châu Âu và xây những ngôi nhà sang trọng. Phần lớn những người còn lại đang phải vật lộn với lạm phát giá lương thực và nhiên liệu. Các ngân hàng đang mở rộng tín dụng cho người tiêu dùng thuộc cả hai loại nhưng ít hơn cho các doanh nghiệp khi doanh nghiệp lo ngại rằng đại đa số khách hàng của họ sẽ thắt lưng buộc bụng trong nhiều năm tới.
Nhà kinh tế học tại Đại học Brown Arvind Subramanian – người từng là cố vấn kinh tế trưởng của Thủ tướng Modi trong giai đoạn 2014-2018, nhận xét: “Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy các nhà đầu tư đang cảm thấy yên tâm về Ấn Độ”.
Tuy vậy, ông vẫn cho rằng mức tăng trưởng hàng năm – ngay cả khi dưới 6% cũng không có gì đáng lo ngại. Cơ sở hạ tầng mới và được cải thiện sẽ thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn. Và lợi ích từ sự giàu có của người tiêu dùng theo thời gian có thể làm tăng thêm thu nhập.
Lá bài lớn nhất đưa ra là liệu Ấn Độ có thể giành được thị phần đáng kể trong hoạt động kinh doanh toàn cầu từ Trung Quốc hay không. Ví dụ nổi bật nhất là Apple đang dần chuyển một số chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc. Chiếc iPhone đắt tiền của hãng chỉ chiếm 5% thị trường Ấn Độ. Nhưng hiện tại, khoảng 7% iPhone trên thế giới được sản xuất tại Ấn Độ. JPMorgan Chase ước tính rằng Apple có kế hoạch nâng con số này lên 25% vào năm 2025. Vào thời điểm đó, mọi thứ đều có thể xảy ra với Ấn Độ.
Tham khảo: NYT- Yến Nguyễn-Theo Nhịp sống thị trường