Lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong quý III/2023 gia tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và có xu hướng bùng nổ vào cuối năm.
Năm 2023 tiếp tục chứng kiến đà gia tăng của các hoạt động trên mạng xã hội. Ngày càng có nhiều người coi mạng xã hội là một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày khi có tới hơn 70 triệu người dân Việt Nam có tài khoản mạng xã hội trên tổng gần 100 triệu dân. Trung bình, mỗi người dân Việt Nam dành gần 2,5 giờ mỗi ngày để tương tác, nhắn tin và làm việc trên mạng xã hội.
Không gian mạng đã thực sự trở thành một không gian xã hội mới, nơi con người có thể giao tiếp, sáng tạo, lao động, học tập và vui chơi, giải trí. Chính vì vậy, không gian mạng cũng mang theo đầy đủ các vấn đề xã hội thường gặp khi chế tài quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển. Từ văn hóa ứng xử, tin giả, các hội nhóm xấu độc cho tới tội phạm lừa đảo trên mạng bùng nổ.
Năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến các cơ quan quản lý mạnh tay đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng, dần tiến tới quản lý hoạt động trên không gian mạng chặt chẽ hơn.
Gần 16.000 cuộc gọi về lừa đảo trực tuyến đã được người dân gọi tới Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng trước. Nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến được thực hiện bằng cách: xâm nhập thiết bị trái phép qua các mã độc cài trên ứng dụng; chiếm quyền điều khiển thiết bị hoặc mạo danh nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân, lừa đảo tài chính.
Lừa đảo trực tuyến trong quý III/2023 gia tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và có xu hướng bùng nổ vào cuối năm.
Năm 2023 cũng là năm ghi nhận sự bùng nổ của tội phạm mạng, diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia như: phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác qua các trạm BTS giả; đánh bạc trực tuyến; giả mạo các trang quảng cáo để rao bán hàng rồi chiếm đoạt tiền của khách…
Theo Thượng tá Nguyễn Huy Lục – Phụ trách Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An, lý do tội phạm lừa đảo trên không gian mạng bùng nổ trong năm 2023 là bởi những yếu tố sau: Thứ nhất là sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ viễn thông – thông tin, người dùng mạng Việt Nam lên tới gần 80 triệu người và trên thực tế có tới trên 161 triệu kết nối di động. Cùng với đó, sự tiếp cận các mạng xã hội cũng như các trang web để tìm kiếm việc làm của những người đến tuổi tìm việc làm hay những người đang trong tình trạng khó khăn về việc làm đã trở thành một trong những điều kiện để tội phạm mạng có nhiều cơ hội tiếp cận với các nạn nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thượng tá Nguyễn Huy Lục cho rằng, với sự kết hợp của công nghệ trí tuệ nhân tạo, các tội phạm có thể tạo ra những nhân vật ảo theo ý muốn và sử dụng những nhân vật này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới vai là người thân, người quen, đồng nghiệp, bạn bè… của nạn nhân.
Theo Thượng tá Nguyễn Huy Lục, người dân không nên tin tưởng trên mạng xã hội. Khi nhận được cuộc gọi của người thân, người quen qua các ứng dụng mạng xã hội, chúng ta nên trực tiếp gọi điện hoặc trực tiếp gặp mặt để tránh bị lừa đảo.
Theo Ban Thời sự-VTV