Một người thiếu tiền lâu ngày chắc chắn sẽ trở nên tiêu cực, thiếu tự tin, từ đó phát sinh bốn quan điểm sai lầm sau đây về tiền bạc.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người có xu hướng lý trí và thắt chặt ví tiền của mình. “Tiết kiệm được thì sẽ tiết kiệm” dường như là quan điểm tối ưu về tiền bạc. Nhưng đằng sau đó lại là một hoàn cảnh sống hoàn toàn khác.
Một số người tiết kiệm tiền vì “ý thức tiết kiệm tiền” để có cuộc sống an toàn khi rủi ro ập đến. Tuy nhiên, có người lại vì tiết kiệm mà từ bỏ niềm hạnh phúc, niềm vui mà họ theo đuổi ban đầu.
Một người thiếu tiền lâu ngày chắc chắn sẽ trở nên tiêu cực, thiếu tự tin, từ đó phát sinh bốn quan điểm sai lầm sau đây về tiền bạc.
Tiết kiệm tiền cho giáo dục và để lại những tiếc nuối
Cách đây một thời gian, có một đoạn video được thảo luận sôi nổi trên Internet: Một bà mẹ mua vé đứng cho cô con gái nhỏ trên một chuyến tàu hỏa. Theo người mẹ, bà cố tình mua “vé tàu chậm + vé đứng” để con gái đứng suốt quãng đường.
Chú thích video là nội dung: “Có khó khăn thì phải vươn lên. Không có khó khăn phải tạo ra khó khăn rồi vươn lên, lần sau tiếp tục”.
Con gái của cô phản ứng ra sao? Trong video, có thể thấy rõ cô gái tựa người vào ghế và nhìn mẹ nhiều lần. Tôi có thể hiểu được suy nghĩ của người mẹ này.
Nhiều bậc cha mẹ sinh ra và lớn lên trong thời đại vật chất khan hiếm và họ cảm thấy khó khăn đã tạo nên sự cần cù, tiết kiệm, kiên cường và nghị lực của họ.
Vì vậy, trong tương lai, dù điều kiện tài chính cho phép, họ vẫn quyết tâm để con cái “tiếp quản” và trải qua những khó khăn mà họ từng trải qua.
Nhưng đối với một đứa trẻ, một tấm vé đứng có thể khiến cô bé cảm nhận được bao nhiêu vất vả trong cuộc đời? Chỉ đơn giản là đứng lâu đau lưng, mỏi chân nên lần sau, càng quyết tâm “mua ghế hạng nhất”.
Đối với người mẹ này, rõ ràng hai người có thể ngồi bên nhau, quan sát các kiểu cuộc sống, chiêm ngưỡng sông núi bao la dọc đường – đây là những điều không thể học trong sách vở, đồng thời cũng là cơ hội giáo dục con cái tốt nhất. Nhưng sau cùng, chẳng còn lại gì ngoại trừ “ánh mắt trợn ngược của con gái” và “nỗi oán hận trong lòng”.
Dưới video, một cư dân mạng để lại lời nhắn:
“Khi con gái tôi tốt nghiệp đại học, nó muốn đi du lịch cùng các bạn cùng lớp. Tôi bắt nó hủy vé và lập tức đi tìm việc làm. Tôi nghĩ cuộc sống không hề dễ dàng nên tôi yêu cầu nó phải làm việc chăm chỉ và thích nghi với xã hội càng sớm càng tốt. Nhưng hiện tại nghĩ lại, tôi cảm thấy rất đau lòng. Tôi không nên dạy con bé như vậy. Tôi nên dạy con bé rằng sự chăm chỉ và kiên định luôn là điều đúng đắn. Nhưng ngoài việc chăm chỉ, con cũng cần phải cố gắng mở rộng tầm nhìn và kiến thức thông qua những chuyến đi.”
Trong thời đại ngày nay, tôi không nghĩ có bậc cha mẹ nào lại tiết kiệm tiền cho “giáo dục hữu hình” của con. Các lớp học thêm chỉ nhiều hơn thay vì ít đi. Nhưng ngoài cái đó ra, bạn lại tuân thủ nguyên tắc “tiết kiệm những gì có thể” một cách chặt chẽ.
Tuy nhiên, giáo dục thực sự thường nằm ở những chi tiết “vô hình”.
Đó là những thói quen hàng ngày của việc “làm gương”.
Việc cố tình tiết kiệm không chỉ gây ra mâu thuẫn nội tâm, lòng tự trọng thấp ở trẻ mà sự thiếu tham vọng, thiếu tầm nhìn, thiếu nhận thức do “tư duy nghèo nàn” cũng là những thứ để lại những nguy hiểm tiềm ẩn trong cuộc sống sau này.
Trên thực tế, việc làm giàu về tinh thần cho con trẻ không hề tốn quá nhiều tiền, và đó là thứ có thể nâng cao kiến thức của trẻ và dạy trẻ sống một cuộc sống lạc quan. Khi thế giới tinh thần phong phú hơn, trẻ cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống.
Tiết kiệm tiền cho sức khỏe rồi làm liên lụy cả gia đình
Có một cuộc thảo luận rất phổ biến trên Internet: Hành động tiết kiệm vô ích nhất mà bạn từng thấy là gì?
Một số cư dân mạng đã trả lời: “Mẹ chồng tôi không nỡ vứt miếng thịt lợn đã hư nên đã đưa cả nhà vào bệnh viện”.
Trong dịp Trung thu, gia đình một cư dân mạng đã về quê để nghỉ lễ cùng bố mẹ chồng. Mẹ chồng vui vẻ nói muốn làm bánh bao rồi lấy trong tủ lạnh ra một miếng thịt lợn. Cư dân mạng thấy màu sắc của miếng thịt không ổn nên nhắc nhở, miếng thịt có vẻ đã hư, không nên ăn nên đã cầm vứt đi.
Hậu quả, sau khi ăn món bánh bao nhân thịt heo và hành lá vào trưa hôm đó, trước 4 giờ chiều, cả gia đình đều bị nôn mửa và tiêu chảy. Bố chồng vốn đã yếu sức khỏe nhưng do nôn mửa và mất nước trầm trọng nên ông đã phải vào phòng cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm.
Không có bảo hiểm y tế nên hôm đó đã phải tốn hàng triệu chi phí y tế, cả gia đình cũng phải nằm đón Trung thu trong bệnh viện. Sau đó, mẹ chồng thừa nhận mình đã nhặt lại miếng thịt vì thấy tiếc. Và miếng thịt đó vốn là miếng thịt kém chất lượng mà mẹ chồng tôi mua ở chợ xa, bà không bao giờ cho vào tủ lạnh vì sợ tốn điện.
Phải đến khi thịt lợn không thể bảo quản được nữa và hơi có mùi, nó mới được cất vào tủ lạnh. Nhưng lần này mẹ chồng nghĩ rằng có nhiều người, mọi người ăn cùng nhau, mỗi người ăn một ít nên chắc sẽ không sao. Vậy là bà lén nhặt lên, cho gấp đôi lượng gừng, tỏi, rượu nấu và hành lá để làm át mùi thịt ôi.
Trong cuộc sống, những người như vậy có lẽ không phải số ít.
Quả nào sắp thối thì ăn trước, cứ như vậy đợi tới khi quả nào có vấn đề mới ăn luôn. Nấu chín thức ăn tươi, nhưng vẫn cần ăn thức ăn thừa trước, sau đó hâm nóng thức ăn thừa mỗi ngày.
Nếu bị các vấn đề về dạ dày sau khi ăn, bạn sẽ phải chi tiền cho việc điều trị y tế.
Khi bị cảm, tôi ỷ vào sức khỏe tốt, không chịu uống thuốc, cuối cùng tôi bị áp xe phổi, suýt chút nữa phải cắt bỏ một nửa lá phổi.
Khi ốm đau, bạn không chịu đi khám, uống thuốc vì sợ tốn tiền, cuối cùng tiết kiệm được một khoản tiền để chi cho việc ăn uống nhưng sau đó lại phải tốn rất nhiều tiền nằm viện.
Khi còn trẻ, người ta luôn “tranh thủ” và cho rằng “bồi dưỡng cơ thể” là việc chỉ có người già, người bệnh mới cần làm.
Có lẽ tất cả chúng ta đều ý thức được rằng, có thể mất mạng vì tiết kiệm thì dễ, nhưng đổi tiền lấy mạng sống lại không hề dễ dàng chút nào.
Tôi biết cuộc sống không dễ dàng với tất cả chúng ta, áp lực của cuộc sống thôi thúc chúng ta phải làm việc chăm chỉ, cần cù và tiết kiệm. Nhưng làm việc chăm chỉ là làm việc chăm chỉ, tiết kiệm là tiết kiệm, chúng ta phải nhớ rằng sức khỏe là trên hết.
Tiết kiệm cũng đòi hỏi những ưu tiên rõ ràng. Bạn có thể mua ít đi một bộ quần áo, ăn ít đi một bữa ăn thịnh soạn, nhưng tiết kiệm gì thì tiết kiệm, tuyệt đối không được keo kiệt với sức khỏe của bản thân. Chăm sóc cơ thể tốt không chỉ là yêu thương bản thân mà cũng là một cách đem lại cảm giác an tâm cho những người thân trong gia đình.
Tiết kiệm tiền nhưng làm mất lòng người khác
Người ta thường nói tình nghĩa là một chuyện rắc rối. Nhưng mọi việc đều có hai mặt của nó. Dù là người thân hay bạn bè, có qua có lại, giúp đỡ nhau khi khó khăn chính là một tài sản quý giá. Nhưng nếu chỉ biết “có qua” mà không chịu “có lại”, bạn sớm muộn cũng sẽ đánh mất lòng người mà không hề hay biết.
Một nhà văn từng chia sẻ câu chuyện của mình: Trong kỳ nghỉ hè khi vẫn còn học đại học, một người họ hàng đã gọi điện và nhắn tin cho bố mẹ cô, nhờ cô giúp dạy thêm cho con họ và nói sẽ trả tiền học theo giá thị trường.
Nghĩ bản thân cũng có thời gian rảnh rỗi nên cô đã đồng ý.
Không ngờ đây lại trở thành điều cô hối hận nhất trong kỳ nghỉ hè năm ấy. Con nhà họ hàng nền tảng kém, môn nào cũng dở, ban đầu chỉ nói rằng sẽ gia sư môn toán, nhưng sau lại trở thành gia sư tất cả các môn. Trong hai tháng, cô bất chấp thời tiết nắng nóng đi đến nhà người thân, trung bình mỗi ngày dành ra bốn giờ.
Kết quả là buổi học cuối cùng, người thân của cô chỉ tặng cô hai thùng sữa mà không đề cập đến học phí, cô cũng ngại không dám mở lời nên đành chịu thiệt. Điều càng không nói nên lời là vào kỳ nghỉ hè năm sau đó, người họ hàng này lại tìm cô và yêu cầu cô dạy học cho con họ một lần nữa.
Cô lịch sự từ chối, không ngờ đối phương lại nói thẳng: “Nếu cháu không có thời gian, cô sẽ đưa em tới tận nhà cháu.”
Lúc đó, cô cảm thấy vô cùng tức giận, không nói nhiều, cô lập tức chặn người họ hàng này.
Trong cuộc sống, nhiều người nghĩ rằng vì là người thân, bạn bè, vì đã quá quen thuộc với nhau nên nhờ ai đó làm điều gì đó miễn phí cho mình không phải là chuyện khó khăn. Vậy cho nên, khi đi du lịch đến thành phố của người khác, bạn sẽ xin ở lại nhà của họ.
Nhờ đối phương giúp đỡ một số việc, chỉ hứa suông sau này mời một bữa cảm ơn, nhưng không biết sau này là khi nào.
Trên đời này không bao giờ có thứ gì tốt khi bạn chỉ nhận lại mà không cho đi.
Trong đối nhân xử thế, “có đi có lại” là một nguyên tắc bất di bất dịch, sự có đi có lại này không chỉ là một giao dịch tiền tệ đơn giản mà còn là một cách duy trì tình cảm lẫn nhau. Ngay cả khi bạn không có tiền, bạn cũng không thể tiết kiệm trong các công việc liên quan tới xã giao.
Đúng thời điểm, có qua có lại, sẽ giúp ổn định mối quan hệ, nâng cao tình cảm, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể gặp được quý nhân, mới có cơ hội thay đổi vận mệnh của mình.
Tiết kiệm tiền trong phát triển của bản thân là đang tự hủy hoại chính mình
Có người nói: “Tại sao có những người càng tiết kiệm lại càng nghèo? Bởi vì họ luôn lo lắng bản thân không có tiền, ham muốn kiếm tiền nhanh chóng khiến họ ngần ngại với những cơ hội mới chưa thể cho họ thấy được lợi ích trong ngắn hạn. Và vì sợ mình sẽ không có tiền, họ có cảm giác tội lỗi mãnh liệt về việc tiêu tiền, không dám tiêu nhiều tiền hơn để đầu tư cho bản thân, và như một vòng lặp, họ đánh mất cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn.”
Thực ra, đối với bất cứ ai, sự thiếu hụt tiền bạc tạm thời không phải là điều khủng khiếp, điều khủng khiếp nhất là sự nghèo nàn trong tư duy.
Dồn hết sự tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu hiện tại, tính toán mỗi ngày nhưng cuối cùng vẫn ngày càng lún sâu hơn vào nghèo đói.
Có một câu chuyện như sau:
A và B từng làm chung một công ty, lúc đó công ty một suất học bồi dưỡng, nhưng nhân viên cần phải tự chi trả học phí.
Nhiều đồng nghiệp đã khuyên họ nên từ bỏ, không những phải tự chi trả mà tới cả vị trí công việc cũ cũng chưa chắc đã giữ được, có tính toán ra sao cũng đều cảm thấy không đáng.
Sau nhiều đắn đo, A vẫn quyết định đăng kí, còn B không thể cưỡng lại sự thuyết phục của đồng nghiệp và bỏ cuộc.
Trong thời gian đào tạo, có người đã nhanh chóng thế chỗ A và A đành phải bắt đầu lại từ đầu.
Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đây.
Trong quá trình A học sâu hơn, không chỉ kiến thức và tầm nhìn của anh được mở rộng, những người cùng đi học mà anh gặp trong quá trình học đều là những người ưu tú thuộc mọi tầng lớp xã hội, họ mang đến cho anh những hiểu biết mới.
Hiện tại đã vài năm trôi qua, A đã nghỉ việc để bắt đầu kinh doanh, công ty ngày càng phát triển và có tiếng nói trong ngành.
B, người bị bỏ lại phía sau, vẫn sống cuộc sống cho qua ngày và luôn lo lắng không biết khi nào cơn bão sa thải sẽ ập đến với mình.
Đối mặt với cuộc sống vô định, lựa chọn bảo thủ, đôi khi không phải là điều xấu.
Chỉ là trong thời đại luôn thay đổi này, không ai có thể đảm bảo rằng mình không bị thời đại bỏ lại phía sau.
Cách tốt nhất là tập trung lại vào chính mình, thời điểm càng khó khăn, bạn càng cần đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc cho tương lai. Dù là đầu tư cho trí óc, cải thiện khả năng tư duy, trình độ nhận thức hay đầu tư vào các kỹ năng của bản thân, tất cả đều sẽ giúp bạn bình tĩnh và tự tin hơn. Những thứ có thể cải thiện khả năng và giá trị của một người một cách ổn định và không bao giờ lỗi thời này là những khoản đầu tư an toàn nhất và cho ra lợi nhuận cao nhất.
Con người dù nghèo đói tới mấy cũng không thể để tâm hồn mình đói khát. Hãy học cách hào phóng với bản thân, cải thiện bản thân và làm cho cuộc sống của bạn có giá trị hơn.
Có một câu nói rằng: “Nghèo một giai đoạn, là vận; nhưng nghèo cả đời, là bệnh”. Dù bạn nghèo hay giàu, suy cho cùng cũng đều chỉ là một cuộc chiến với chính bản thân.
Người ta có thể nghèo nhất thời, nhưng nếu một người luôn trong trạng thái thiếu tiền lâu dài, vậy thì chắc chắn bản thân họ có vấn đề gì đó và cần phải kịp thời sửa chữa.
Sống ở đời, chúng ta làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và tiết kiệm tiền.
Không phải vì yêu tiền mà là vì hy vọng:
Khi cha mẹ già, chúng ta có đủ khả năng chăm lo.
Khi con cái cần, chúng ta có đủ khả năng giúp đỡ.
Khi giông bão ập đến, chúng ta sẽ luôn có lối thoát thay vì phải cầu cứu khắp nơi.
Là những người bình thường, chúng ta cần biết giá trị của đồng tiền trong cuộc sống hàng ngày. Tiền luôn là điểm tựa tự tin lớn nhất của chúng ta. Nhưng tiết kiệm tiền không có nghĩa là keo kiệt, cũng không có nghĩa là khắt khe với bản thân và hạ thấp chất lượng cuộc sống. Dù tiết kiệm hay tiêu tiền, chúng ta cũng cần chuẩn bị cho hạnh phúc lâu dài.
Mong tất cả chúng ta, dù là kiếm tiền hay tiết kiệm tiền, cũng đều làm một cách nghiêm túc. Vì cuộc sống thực sự rất “đắt đỏ”.
Diệu Đan–Theo Đời sống Pháp luật