“Chưa bao giờ tôi dám mở miệng nói học trò: Mày đừng đi làm nghề” – nghệ sĩ Minh Nhí nói.
Vừa qua, tại chương trình Kịch và Nghệ, nghệ sĩ Thành Lộc đã nhận định về đàn em Việt Hương: “Bản thân tôi rất tin vào thực lực, tài năng của Việt Hương. Việt Hương không chỉ thành công ở hài kịch mà đi vào vai bi thương rất xuất sắc. Tôi từng diễn chung với Việt Hương và thấy Việt Hương diễn rất đa dạng, xuất sắc. Tôi cũng coi các phim của Việt Hương và thấy đang diễn hài hước rồi chuyển sang bi kịch rất hay”.
Nghệ sĩ Minh Nhí là thầy của Việt Hương cũng nói: “Việt Hương rất giống anh Thành Lộc ở chỗ, khi làm nghệ thuật là rất nghiêm túc. Ví dụ, 10 giờ tập thì 10 giờ kém Việt Hương đã có mặt. Ai đi trễ là Việt Hương khó chịu.
Cách làm việc của Việt Hương rất nghiêm túc nên đỡ cho tôi. Cái gì hay trong nghề tôi đều thích”.
Tiếp đó, Minh Nhí chia sẻ về chuyện đi dạy: “Học trò muốn theo đường làm nghề thì người thầy phải có tâm, tình yêu thương với học trò. Cái này là phải yêu thương thật, chứ nhiều người nói yêu thương nhưng thực ra là xạo, chẳng yêu thương gì cả.
Bản thân tôi yêu thương học trò thật. Bây giờ lớp trẻ muốn làm diễn viên nhiều lắm, không thể chặn đường chúng, đi nói là mày không theo nghề này được đâu, không làm được đâu… Mai mốt lỡ nó nổi tiếng thì mình bị quê.
Hồi đó tôi ở quê lên Sài Gòn học trường Sân khấu, phải ở nhờ nhà ngoại, có một ông cậu. Cứ mỗi ngày tôi đi học về là bị chửi, ăn cơm, giặt đồ cũng bị chửi. Ông ấy nói tôi chọn sai nghề, xấu, lùn còn đòi làm diễn viên.
Thậm chí, ông ấy còn đuổi tôi khỏi nhà bà ngoại vì nghĩ tôi không làm được gì với nghề này. Ông ấy bảo tôi không chịu đi làm việc khác, cứ mơ mộng làm nghệ sĩ mà không chịu nhìn lại mình lùn, xấu. Tôi không nghe lời, vẫn cứ đi học, đi tập đêm tập ngày vì đam mê nghề.
Ông ấy còn nói thẳng: Nếu mày mà nổi tiếng thì chặt đầu tao cho mày ngồi. Tôi nghe xong buồn lắm.
Sau này nổi tiếng, tôi vẫn gửi quà cáp cho ông cậu đó nhưng không về thăm. Có một lần ông cậu bảo với một người họ hàng: Chắc nó còn giận tao nên không về.
Tới khi ông cậu bị bệnh, tôi mới về thăm và bảo không giận gì hết. Sau này tôi đi dạy không bao giờ chê một học trò nào dù nó có xấu hơn tôi, chưa bao giờ tôi dám mở miệng nói học trò: Mày đừng đi làm nghề.
Lỡ ông Tổ thương nó, cho nó nổi tiếng sau một đêm. Thời buổi này càng dễ nổi tiếng, nhiều khi chỉ cần một đêm thức dậy là nổi tiếng.
Tôi đi dạy học chỉ coi học trò tìm đến mình vì muốn học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, tôi biết tới đâu truyền dạy tới đó. Có những người tôi chỉ nói 1 lần là họ biết hết, nhưng có những người nói mãi không hiểu, tôi thương cả hai. Rồi đến một lúc những người đó cũng nhận ra họ không có năng khiếu”.
Theo Tùng Ninh-Đời sống & pháp luật