“Thay vì vội vàng chi hàng tỷ USD cho nhà máy sản xuất chip bán dẫn, Việt Nam cần đầu tư làm một thứ trước tiên”, GS Teck-Seng Low tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS) chia sẻ.
Bán dẫn hiện đang là nền tảng cốt lõi của nhiều ngành công nghiệp như điện toán, viễn thông, thiết bị gia dụng, ngân hàng, vận tải (đặc biệt là xe điện), chăm sóc sức khỏe… Rõ ràng những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), viễn thông 5G, siêu máy tính và xe tự lái đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các thiết bị bán dẫn.
Vậy, làm sao để bắt đầu “cuộc chơi” với công nghệ bán dẫn và cơ hội nào cho Việt Nam?
GS Teck-Seng Low mới đây có những chia sẻ ấn tượng về vấn đề này trong khuôn khổ tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023. Ông cũng chính là người đóng vai trò quyết định, thúc đẩy, quản lý và điều phối các nỗ lực trong việc vạch ra lộ trình nghiên cứu phát triển công nghiệp bán dẫn của Singapore.
PV: Trước đây, GS đã từng tìm hiểu về ngành công nghệ bán dẫn ở Việt Nam hay chưa? GS đánh giá thế nào về ngành công nghệ bán dẫn ở Việt Nam?
GS Teck-Seng Low: Tôi không thường xuyên thực hiện các nghiên cứu về ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, nhưng tôi cũng nắm bắt cập nhật thông tin về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam thông qua tin tức báo chí cũng như qua chia sẻ của nhiều chuyên gia. Việt Nam đang tiến rất nhanh trong tiến trình công nghiệp hóa nói chung cũng như thu hút các nhà sản xuất bán dẫn nói riêng.
Hiện nay do những vấn đề về địa chính trị, có những nhà sản xuất đưa ra những chiến lược chuyển cơ sở sản xuất từ một nước khác sang Việt Nam phục vụ nhu cầu số hóa toàn cầu cũng và phục vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới trong kỷ nguyên số. Nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này sẽ rất tuyệt vời.
PV: Đất hiếm là vật liệu không thể thiếu của ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam lại là quốc gia đứng thứ 2 của thế giới về trữ lượng đất hiếm. Theo GS, Việt Nam có thể làm gì để tận dụng và phát huy nguồn tài nguyên này?
GS Teck-Seng Low: Ngành bán dẫn xuất phát từ những vật liệu rất cơ bản. Ví dụ, với bán dẫn thông thường, nguyên liệu đầu vào của nó là silica và thực ra silica là cát thôi, rất nhiều và dễ kiếm. Sau đó thì bắt đầu có những loại vật liệu mới như là silic, carbide, gali, tức là kết hợp khoảng 5 – 6 nguyên tố để tạo thành bán dẫn. Có thể nói rằng với bán dẫn truyền thống thì các nguyên liệu đầu vào của nó là không hề đắt.
Trong khi đó, đất hiếm dùng để sản xuất nam châm, sản xuất pin xe điện thì có nguyên liệu quý như là neodymium (Nd). Trên thực tế, người ta nghiên cứu và phát minh ra rất nhiều vật liệu mới cho sản xuất bán dẫn. Hơn nữa, không phải nhất thiết lúc nào ngành bán dẫn cũng đòi hỏi những nguyên vật liệu đắt, khó kiếm như là đất hiếm.
Về đất hiếm, tiềm năng của nó chỉ trong các lĩnh vực phát triển các vật liệu từ tính như sản xuất trong pin xe điện thì nó mới là quý giá.
“Chìa khóa” để thu hút vốn đầu tư vào bán dẫn
PV: Rất nhiều chuyên gia khuyên Việt Nam bắt đầu “cuộc chơi” bán dẫn nên đầu tư thiết kế chip, vì nguồn lực cần để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh là rất lớn. GS nghĩ gì về ý kiến này?
GS Teck-Seng Low: Ngành bán dẫn là một hệ sinh thái gồm rất là nhiều mảng và có những mảng đòi hỏi đầu tư rất là lớn, chẳng hạn như nhà máy sản xuất chip thường yêu cầu đầu tư 4 – 5 tỷ USD. Có thể Việt Nam cũng không sẵn sàng đầu tư vào đó. Phần này có thể để những “ông lớn” làm.
Đơn cử như Singapore cũng vậy, đầu tiên các đơn vị xây nhà máy sản xuất bán dẫn là các công ty nước ngoài. Họ đến Singapore để họ đầu tư vào bởi họ có tiềm lực tài chính. Sau đó, chúng tôi tham gia vào từng phần trong cái chuỗi đó và nâng cao năng lực dần dần rồi sẽ phát triển và tham gia sâu hơn.
Trong bán dẫn có nhiều mảng như ví dụ xưởng thiết kế, lắp ráp, đo kiểm. Singapore cũng không đầu tư vào nhà máy sản xuất chip mà chúng tôi đầu tư vào lắp ráp, đo kiểm và dần dần mới chuyển sang phần thiết kế.
PV: Vậy Việt Nam cần chuẩn bị những gì, thưa GS?
GS Teck-Seng Low: Nhân tài chính là chìa khóa. Con người bao giờ cũng là một yếu tố rất quan trọng và đào tạo con người là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Việt Nam cần phải thu hút sự tham gia của các viện nghiên cứu, các trường đại học.
Việt Nam cần đầu tư cho nghiên cứu, để các giáo sư nghiên cứu có kinh nghiệm, sau này họ sẽ giảng dạy cho sinh viên. Từ đó, sinh viên sẽ có cơ hội học hỏi thực tế và có nhiều cơ hội làm việc trong các công ty bán dẫn sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn như TMSC đến Arizona, Mỹ để đầu tư, họ bảo ở Arizona không có nguồn nhân lực sẵn có như ở Đài Loan (Trung Quốc). Như vậy, ngay cả Mỹ thì cũng gặp phải những vấn đề khó khăn như vậy.
Singapore so với những nước lớn khác về đầu tư, nhiều nhà đầu tư cho rằng nhân lực ở Singapore đắt hơn so với nhân lực ở những nơi khác. Nhưng Singapore lại lý giải rằng ngoài nhân lực thì chúng tôi lại còn có rất nhiều cái yếu tố khác hấp dẫn nhà đầu tư nữa. Đây cũng là cách để chuẩn bị nhân lực và thu hút đầu tư.
Cụ thể, chính phủ Singapore cũng có rất nhiều các chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Singapore. Chẳng hạn, chúng tôi có luật pháp rất rõ ràng, chính trị ổn định, chính phủ kiến tạo, chỉ số thực hiện kinh doanh thuận lợi cũng rất dễ dàng. Hơn nữa, chúng tôi có chính sách nhập cư, khuyến khích những lao động có kỹ năng, khuyến khích những lao động tài năng nhập cư vào Singapore để làm việc rất là thuận lợi. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của Singapore để Việt Nam có thể áp dụng.
Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành bán dẫn
PV: Từ những đóng góp xuất sắc của ông trong sự nghiệp phát triển giáo dục, quản lý khoa học về công nghiệp quốc gia Singapore, đặc biệt trong ngành bán dẫn, GS có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam được không?
GS Teck-Seng Low: Singapore rất may mắn vì khi đã đầu tư vào giáo dục và từ giáo dục phát triển nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, đầu tư vào nghiên cứu khoa học rất đắt đỏ và đầu tư vào giáo dục cũng không hề rẻ. Thế nhưng đầu tư vào giáo dục là đầu tư tốt nhất vì nó mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài.
Với Singapore, chúng tôi phải nghiên cứu đầu tư phát triển và chúng tôi phải đi trước, tốt hơn những quốc gia bên cạnh, ví dụ như Malaysia, Indonesia, Philippines. Singapore so với họ nhỏ hơn, ít dân hơn, neeb chúng tôi bắt buộc phải giỏi hơn. Singapore rất may mắn có một chính phủ họ hiểu được tầm quan trọng của nghiên cứu phát triển, cũng như các nhà lãnh đạo đầu tư vào phát triển con người.
Như đã nói ở trên, tôi nghĩ trước tiên Việt Nam nên chú trọng đầu tư vào phát triển con người, nguồn nhân lực chất lượng cao.
PV: Việt Nam “chậm chân” như thế thì có mất cơ hội phát triển ngành bán dẫn, thưa GS?
GS Teck-Seng Low: Thực ra chả mất cơ hội chút nào. Cơ hội còn rất nhiều, bởi Việt Nam là một quốc gia lớn. Khác với Singapore là một quốc gia nhỏ, Việt Nam có nhiều cơ hội bởi vì Việt Nam có ngành nông nghiệp phát triển, có bờ biển dài để phát triển thủy hải sản hoặc là đánh bắt cá. Ngoài ra là rất nhiều lĩnh vực khác chẳng hạn như vi sinh, thuốc chữa bệnh,…
Cơ hội để phát triển những giải pháp cho các ngành trên là rất nhiều. Việt Nam có thể đưa ra những giải pháp dựa trên tiến trình số hóa hiện nay của thế giới. Trong quá trình số hóa mọi ngành như vậy thì vi điện tử rất cần để đưa ra dữ liệu lớn, AI, blockchain… Khi chúng ta có nhiều dữ liệu, chúng ta lại càng thông minh hơn để hỗ trợ tiến trình số hóa.
Tôi nghĩ là cơ hội còn nhiều để mà đưa ra giải pháp cho mọi ngành bởi vì vi điện tử là gốc rễ của tất cả các giải pháp đó. Điều quan trọng là Việt Nam cần nắm bắt cơ hội và đầu tư cho nguồn nhân lực. Việt Nam hoàn toàn có thể tiến hành khởi động với chi phí hợp lý ban đầu thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp hoặc mô hình khởi nghiệp vi mô.
Singapore có ít cơ hội nên phải bắt ngay, chẳng có lựa chọn nào khác. Trong khi đó, các quốc gia có nhiều cơ hội thì họ còn phải dành thời gian cân nhắc, đắn đo. Việt Nam rất may mắn là có nhiều cơ hội, do đó cần phải biết nắm bắt những cơ hội đó.
Xin cảm ơn GS!
Từ năm 2010 đến 2012, GS Teck-Seng Low là giám đốc điều hành của Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Singapore (A*STAR), một cơ quan chính phủ với hơn 5.000 nhân viên. Từ năm 2012 đến năm 2022, ông giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF), một cơ quan thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore. Tại vị trí này, ông đặt ra định hướng cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trên khắp Singapore, với Kế hoạch 5 năm mới nhất về Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp (RIE) với ngân sách 25 tỷ đô la Singapore (2020).
Năm 2004, GS Low được trao Huân chương Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Đây là huân chương danh giá nhất dành cho những nhân có những đóng góp nổi bật, bền vững và đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển của Singapore thông qua việc thúc đẩy và quản lý nghiên cứu và phát triển.
Năm 2007, ông được Tổng thống Singapore trao tặng Huân chương Vàng về Hành chính công vì những đóng góp xuất sắc của ông cho sự phát triển của giáo dục kỹ thuật và quản lý khoa học và công nghệ cho quốc gia.
Năm 2016, ông được Chính phủ Pháp phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh với cấp bậc Hiệp sĩ (Chevalier).
VinFuture là giải thưởng thường niên nhằm vinh danh các nghiên cứu khoa học, phát minh và sáng chế đổi mới công nghệ trong tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ, nhằm đóng góp vào giải quyết các thách thức chung của nhân loại.
Sau 3 năm tổ chức, số lượng các đề cử tăng gấp 3 lần (từ 599 đề cử mùa đầu lên 1.389 mùa thứ ba, 2013) cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho VinFuture.
Ảnh: MH/VFP– Minh Hằng–Đời sống & Pháp luật