Từ nhỏ đã phải đi ở, bỏ dở việc học, làm việc quần quật ngày này qua tháng khác, nhưng nghịch cảnh đó lại có thể tôi luyện và biến thành kinh nghiệm quý giá làm nên vị doanh nhân huyền thoại, tỷ phú hàng đầu thế giới trong tương lai.
Niềm vui của thời đi ở cho nhà thương gia
Chúng ta đã biết đến Matsushita Konosuke (1894 – 1989), người được mệnh danh là huyền thoại kinh doanh, anh hùng dân tộc của Nhật Bản. Năm Matsushita 90 tuổi, công ty của ông được xếp hạng 19 trong số 100 hãng lớn nhất thế giới và Thiên hoàng Nhật Bản đã tặng Huân chương cao quý nhất của đất nước cho Matsushita – Huân chương Húc Nhật Đại Thụy.
Sự nghiệp thành công lừng lẫy như vậy, nhưng ít ai biết rằng Matsushita sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp có 7 anh chị em. Cậu bé Konosuke chỉ học hết bậc tiểu học 4 năm, 9 tuổi đã phải đi tìm việc làm để gia đình khỏi chết đói, bỏ dở việc học.
Trong hồi ký của mình, ông Matsushita Konosuke có viết:
“Vì hoàn cảnh gia đình, tôi đã phải đi ở cho nhà một ông thương gia ở Semba và làm việc khá cực nhọc. Vào những buổi sáng mùa đông, tôi vừa phả hơi sưởi ấm đôi bàn tay đỏ ửng vì lạnh, vừa dọn dẹp và lau bên ngoài cửa hàng bằng nước lạnh, thì thấy cậu ấm cùng tuổi tôi ở nhà đối diện mặc đồng phục có gắn hàng cúc vàng, vui vẻ chào “Con đi đây ạ!”, và tung tăng đi đến trường trung học cơ sở. Những lúc ấy tôi chỉ còn biết dừng tay lại, nhìn theo bóng dáng của cậu ấm và thở dài một mình. Tôi thầm ghen: “Mình cũng muốn được đi học quá đi mất!”. Nhưng dù có nói thế nào chắc cũng không ai hiểu hết. Mà cứ thầm ghen như vậy cũng không thay đổi được gì. Tôi mong muốn được như cậu ấm đó, có lúc tự trách, lại có lúc tự động viên, an ủi mình.
Thế nhưng, tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình phải đi làm từ thuở nhỏ và không được đến trường là điều bất hạnh. Tất nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng thấy những người được đi học thật là sung sướng, hoặc nghĩ công việc khổ cực quá, nhưng chính ở trong hoàn cảnh ấy tôi lại tìm thấy những điều thú vị và những niềm vui riêng. Chẳng hạn, so với hiện nay mọi người thường có nhiều ngày nghỉ, chứ hồi đó một năm tôi chỉ được nghỉ hai lần là Tết và dịp Obon. Đó đã trở thành niềm vui không tả xiết. Thậm chí cả việc không được đi học, phải đi ở và làm những công việc cực nhọc, thì nhìn qua có thể người ta sẽ cho đó là điều bất hạnh, nhưng sau này lại trở nên có ích khi tôi khởi nghiệp. Có thể nói, đó là điều vô cùng may mắn.
Chuyện sức khỏe của tôi cũng giống như vậy. Từ nhỏ tôi vốn yếu ớt, thường hay ốm. Ngay cả sau khi đứng ra làm một mình, tôi cũng thường phải giao phó công việc cho người khác. Theo cách nhìn bình thường, có thể người ta sẽ cho rằng hay ốm đau là điều bất hạnh, nhưng ơn trời, nhờ đó mà tôi nhận ra rằng, con người ta mỗi người đều có một đặc điểm và năng lực riêng. Nhờ có sự hiệp sức của mọi người, tôi đã làm được những việc lớn mà trên thực tế sức của một mình sẽ không kham nổi.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi mong mình bị bệnh, mà muốn nhấn mạnh rằng, bị bệnh tật không hẳn là bất hạnh. Trên đời nhiều khi vì bị ốm mà có thể hiểu tâm trạng, tình cảm của người khác hơn. Ngược lại, cũng có khi nếu tin vào sức khỏe của mình quá lại rơi vào bất hạnh. Vì vậy, hạnh phúc hay bất hạnh là điều không thể nói mạnh theo ý chủ quan của mình được. Tôi nghĩ, tùy vào tâm trạng con người mà hạnh phúc hay bất hạnh sẽ bị đảo ngược”.
Tôn Ngộ Không oán trách Bồ Tát
Câu chuyện cuộc đời của ông Matsushita khiến chúng ta hiểu ra một đạo lý: Trong họa có phúc, cảnh tùy tâm sinh. Người viết có quen biết một người, anh là chủ cửa hàng ăn ở tỉnh Grenoble, Cộng hoà Pháp, cửa hàng chuyên về ẩm thực Việt Nam có tên là “Ô Bò Bún”. Trong giai đoạn hàng quán phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19, cửa hàng không thể đón khách, nhưng anh không ngồi đó than vãn và chỉ lo cho mình. Thay vào đó, anh cùng các cộng sự bắt tay vào làm những suất ăn ngon, đóng gói cẩn thận, gửi vào bệnh viện tặng các y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch. Việc làm này của anh khiến rất nhiều người cảm động. Các bác sĩ dù bận rộn nhưng vẫn tranh thủ vẽ tranh tri ân nhà hàng; nhiều nhà hảo tâm tìm đến muốn giúp đỡ anh… Cứ thế, danh tiếng của cửa hàng ngày một vang xa.
Thế mới thấy, nghịch cảnh có thể đánh gục người này, nhưng lại có thể nâng đỡ người khác. Người mà có thể vượt trội lên trong nghịch cảnh là người có tấm lòng nhân hậu và ý chí lớn lao.
Nói về nghịch cảnh, nếu đổi góc độ mà nhìn, chúng ta sẽ thấy nó là yếu tố nâng đỡ cho thành công. Trong Tây Du Ký, Phật Tổ và Quán Âm Bồ Tát phải khổ công an bài 81 nạn cho thầy trò Đường Tăng để giúp họ dứt bỏ ma tính, bồi đắp Phật tính, nhờ đó mà tu thành chính quả. Ví dụ, khi thầy trò Đường Tăng đến núi Bình Đính, gặp hai yêu quái lợi hại là Kim Giác và Ngân Giác, Tôn Ngộ Không bao phen khó nhọc, vào sinh ra tử mới cứu được thầy. Cả đoàn người thoát nạn, phấn khởi tiến bước lên đường. Tây du ký, hồi thứ 35 “Ngoại đạo ra oai lừa tính thẳng, Ngộ Không được báu thắng yêu ma”, có viết:
“Vị lão tổ vội vã bay ngay lên tòa sen bằng ngọc, đứng thẳng giữa tầng trời cao thẳm, nói:
– Tôn Hành Giả, trả lại bảo bối cho ta!
Đại thánh cũng nhảy lên tầng không hỏi:
– Bảo bối nào ạ?
Lão Quân nói:
– Hồ lô là thứ đựng linh đơn của ta, bình ngọc là thứ đựng nước của ta, bảo kiếm là thứ ta dùng luyện ma, chiếc quạt ta dùng quạt lửa, sợi dây kim tuyến là cái đai thắt áo bào. Còn hai yêu quái ấy: một là tiểu đồng coi lò vàng, một là tiểu đồng coi lò bạc. Chúng đã ăn cắp bảo bối của ta trốn xuống hạ giới. Ta đang đi tìm, nay nhà ngươi lập công bắt được rồi à?
Đại Thánh nói:
– Ngài làm quan lâu năm mới thực vô lễ. Ngài đã thả lỏng cho người trong nhà làm điều xằng bậy. Phải xử ngài vào tội cai quản không nghiêm.
Lão Quân nói:
– Không can hệ gì đến ta, chớ có trách người. Việc này do Bồ tát ở ngoài biển, ba lần hỏi mượn ta, đưa chúng xuống đấy, để thử thách thầy trò các ngươi xem có thực lòng sang phương Tây không.
Đại Thánh nghe nói, nghĩ bụng:
– Cái bà Bồ Tát thực chẳng ra sao! Khi trước cứu thoát lão Tôn xong, dặn ta bảo vệ Đường Tăng sang phương Tây lấy kinh, ta nói đường sá xa xôi trở ngại, bà ta còn hứa với ta rằng khi nào gặp nạn, sẽ thân hành tới cứu. Thế mà bây giờ lại sai yêu ma ngầm hại, hỏi rằng bất nhất như thế, cũng đáng kiếp cả đời không có chồng! Nếu không có Lão Quân đến, ta quyết không trả. Nay ngài đã nói như vậy, thì trả cho ngài”.
Suy nghĩ của Ngộ Không thật hài hước làm sao! Bồ Tát vì sự thành tựu của mấy thầy trò mà dụng tâm vất vả như vậy, còn Ngộ Không trải qua khổ nạn lại mang tâm oán trách Ngài. Tuy Tây du ký chỉ là tiểu thuyết, nhưng có phải con người chúng ta trong đời thực vẫn đôi khi oán trách Trời Phật nếu mọi việc không như ý mình hay không?!
Lại nói, vì sao thầy trò Đường Tăng phải kinh qua trùng trùng ma nạn mới tu thành chính quả? Đạo lý thực ra rất đơn giản. Kính mời quý vị cùng lắng nghe câu chuyện sau đây:
Chú bướm chui khỏi tổ kén
Một buổi sáng sớm đầu hè, có chàng trai tình cờ nhìn thấy một cái kén treo lủng lẳng trên nhánh cây đang mở ra một khe hở nhỏ, có một con bướm đang gắng sức chui ra cái lỗ nhỏ đó. Chàng trai chưa thấy cảnh này bao giờ, rất lấy làm hiếu kỳ, bèn lặng lẽ ngồi trước cái kén, muốn quan sát quá trình con bướm chui ra khỏi tổ kén thế nào. Tuy vậy, đợi nửa ngày trời, con bướm dường như không cách nào chui ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu ấy, nó dường như đã cố gắng hết sức rồi, không còn có thể tiếp tục thêm nữa.
Chàng trai lấy làm sốt ruột nghĩ rằng, có thể là do cái lỗ quá nhỏ, khiến con bướm không dễ dàng chui ra được. Anh quyết định giúp con bướm ấy một tay, thế là liền dùng tay xé toạc phần đầu tổ kén ra. Quả nhiên, con bướm dễ dàng chui ra được, nhưng điều kỳ lạ là, con bướm đó lại có thân thể sưng phù, hơn nữa đôi cánh vừa nhỏ vừa co quắp lại.
Người này tiếp tục chú tâm quan sát, bởi cậu dự đoán chẳng mấy chốc, con bướm sẽ xòe rộng đôi cánh, có thể chèo chống được thân thể của nó, và rồi có thể giương cánh bay cao. Tuy vậy, chuyện tốt đã không xảy ra. Trên thực tế, con bướm này cả một đời chỉ có thể kéo lê cái thân thể sưng phù kia và đôi cánh co quắp đó bò đi bò lại, chứ không thể bay lên được nữa.
Chàng trai này không hiểu được rằng, con bướm nguyên phải thông qua quá trình chui qua cái lỗ nhỏ đó, từ trong tổ kén chật hẹp đó chui ra, mới có thể trở thành một chú bướm xinh đẹp được.
Đây là công trình kỳ diệu do Đấng Tạo Hóa sáng tạo nên. Khi con bướm vùng vẫy thoát ra, chất lỏng trong cơ thể nó cùng toàn bộ sức mạnh từ các bộ phận, đều dồn chảy về phía đôi cánh, gia cường sức mạnh cho đôi cánh, chuẩn bị sẵn một khi nó phá vỡ tổ kén chui ra, thì có thể lập tức cất cánh bay lượn.
Bởi thế, trong Tây du ký mới có thơ rằng:
“Trong tâm quét sạch bẩn
Bên tai rửa bụi trần.
Không nhận điều đau khổ
Khó làm bậc thượng nhân”.
Khi nói về các bậc Thánh vương, các hiền tài, anh hùng, danh tướng xưa, Mạnh Tử từng nói: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho những người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm trí họ, để rèn luyện tính kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng mà họ còn thiếu”.
***
Để kết thúc chương trình Nhân sinh mạn đàm ngày hôm nay, người viết xin gửi tặng quý vị một đoản văn trên tờ Epoch Times do dịch giả Thuận An chuyển ngữ:
“Không trải qua ngày đông lạnh thấu xương, sao có thể thấy được hoa mai nở rộ tỏa hương thơm ngào ngạt.
Cảm ơn những vui buồn sầu khổ mà bản thân ta đã từng trải qua, đã cho ta nếm trải được biết bao mùi vị chua ngọt, đắng cay, mặn nhạt của cuộc sống.
Cảm ơn nỗi niềm bi hoan, ly hợp bản thân đã từng trải qua, để chúng ta biết cách trân quý mỗi một bông hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết trong sinh mệnh.
Cảm ơn ồn ào phức tạp của cõi hồng trần khiến chúng ta hiểu được tĩnh lặng thật sự là ở nơi sâu thẳm trong tâm.
Cảm ơn mọi trắc trở chông gai của thế tục đã bồi dưỡng cho chúng ta có được một tinh thần mạnh mẽ không ngừng vươn lên.
Mỗi một khó khăn và chướng ngại, trên thực tế đều là lời chúc phúc âm thầm, đều là sự an bài tốt nhất đến từ Thiên thượng”.
Thuỳ Linh – Nhân sinh mạn đàm-Đăng tải dưới sự đồng ý của tác giả