Bên cạnh đãi ngộ về mặt vật chất, nhiều người còn cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search công bố, cho thấy những con số bất ngờ.
Khảo sát được thực hiện trong quý III/2023 từ 550 doanh nghiệp cùng hơn 4.000 ứng viên làm việc ở nhiều ngành nghề tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM. Một trong những số liệu được quan tâm đó là yếu tố tác động đến việc từ bỏ công việc của người lao động.
Trong những yếu tố (nếu không được đáp ứng) có thể tác động, lương vẫn đạt vị trí đầu tiên, chiếm 70.1%. Đây là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại của ứng viên/người lao động nếu họ không cảm thấy thỏa mãn (không được doanh nghiệp đáp ứng).
Tương tự, trong top 3 còn có sự góp mặt của yếu tố văn hóa công ty (chiếm 35.7%) và cơ hội thăng tiến trong công việc (chiếm 35.5%). Ngoài ra, với sự xuất hiện của yếu tố cân bằng giữa cuộc sống – công việc ở vị trí thứ 4, chiếm 35.4% và sếp quản lý trực tiếp ở vị trí thứ 5, chiếm 35.2% cũng cho thấy ứng viên/người lao động ngày càng đề cao những giá trị liên quan tới sức khỏe tinh thần và văn hóa làm việc. Chính điều này đã tạo động lực cho họ từ bỏ công việc hiện tại và tìm kiếm cơ hội phù hợp hơn.
Cơ chế làm việc linh hoạt, giá trị cộng đồng mà công việc đem lại, sự ứng dụng của công nghệ có tác động ít hơn tới quyết định của ứng viên/người lao động, lần lượt chiếm 12.6%, 10.6% và 6.2%.
Tiền quan trọng, tinh thần quan trọng không kém
Sau đại dịch Covid, khái niệm sức khỏe tinh thần bắt đầu được quan tâm hơn. Năm 2021, trang Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) đăng tải thông tin về cuộc khảo sát với 30.000 nhân viên của Microsoft. Kết quả cho thấy 54% gen Z đang cân nhắc bỏ việc. Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2021, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng “vỡ mộng ở giới trẻ” là 8 trong số 10 rủi ro trước mắt. Các phát hiện, bao gồm sức khỏe tâm thần giảm sút kể từ đại dịch Covid-19, khiến 80% thanh niên trên toàn thế giới dễ bị trầm cảm, lo lắng và thất vọng.
Trong khi đó, sức khỏe tinh thần quyết định rất nhiều đến hiệu quả công việc. Theo chuyên gia khoa học thần kinh, Tiến sĩ Patrick Porter, người sáng lập BrainTap Technologies, tinh thần minh mẫn là yếu tố rất quan trọng đối với năng suất làm việc. “Sự căng thẳng và lo lắng có thể khiến năng suất làm việc giảm mạnh vì trạng thái cảm xúc có liên quan trực tiếp đến khả năng tập trung của bạn.”
Porter cho biết, căng thẳng, lo lắng và sợ hãi làm tăng nồng độ cortisol trong não, gây cản trở trí nhớ, khiến bạn không thể tập trung vào công việc. Ông nói, điều này không chỉ tồi tệ đối với những nhân viên đang căng thẳng và cố gắng kiếm sống với khối lượng công việc ngày càng tăng mà còn có hại cho các doanh nghiệp vì sự sụt giảm năng suất ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận công ty. Những người đang ở cấp độ quản lý thật sự rất cần những chiến lược tích cực để đánh bại sự phân tâm, căng thẳng của nhân viên.
Chuyên nghiệp và tử tế hay “tạo nguồn nước tốt để cá bơi” là một số trong nhiều phương châm để hình thành nếp văn hoá cho doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp đều có văn hoá của riêng mình nhưng để văn hóa doanh nghiệp đóng góp lớn vào hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh lại không phải điều đơn giản. Văn hóa doanh nghiệp phù hợp có thể tác động trực tiếp làm tăng kết quả kinh doanh một cách rõ ràng, giúp nhân viên gắn kết, khách hàng trung thành, hay đem về sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp theo thời gian.
Quản lý giỏi chính là giao tiếp, giao tiếp và giao tiếp. Một nhà lãnh đạo xuất sắc phải là một người giỏi giao tiếp. Điều cần thiết đối với các nhà quản lý là phá bỏ rào cản giữa mình và nhân viên và thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau.
Tổng hợp- Thuỳ Anh-Theo ĐSPL