Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ kinh doanh, kết nối cung cầu, đưa sản phẩm của hội viên, phụ nữ vươn cao, vươn xa, tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng Việt.
Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, ngành nghề, đặc biệt là chị em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật vươn lên, tự tin tham gia vào làn sóng quốc gia khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước, tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Năm 2023 là năm thứ 6 tỉnh Thanh Hóa thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”. 6 năm thực hiện Đề án là bước đổi mới mang tính đột phá của các cấp Hội trong hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Thông qua Đề án, các cấp Hội đã trở thành trung tâm kết nối các nguồn lực của xã hội, hỗ trợ phụ nữ trên con đường khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển kinh tế, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao chất lượng, kết nối tiêu thụ sản phẩm
Từ đề án, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được Hội LHPN tỉnh triển khai. Cùng với tổ chức hội thi “Ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp”; biểu dương, tôn vinh các ý tưởng sáng tạo, các sản phẩm khởi nghiệp, Hội đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp, thương mại điện tử cho trên 25 ngàn hội viên, phụ nữ. Thông qua đó, hơn 800 sản phẩm của hội viên, phụ nữ trong tỉnh được giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu trên không gian mạng.
Năm 2023, với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa, cùng nhau vươn xa”, ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thu hút 60 gian hàng đại diện các cụm thi đua của Hội và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Tại đây trưng bày, giới thiệu hơn 500 sản phẩm mang đậm giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa vùng miền, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm tái chế, sản phẩm đạt giải trong cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp năm 2023”, cùng khu chuyên biệt giành cho ẩm thực, trà đạo mang đậm phong vị làng quê, bản sắc văn hóa dân tộc.
Các đại biểu tham quan gian hàng tham gia “Ngày Phụ nữ sáng tạo – khởi nghiệp” năm 2023. Ảnh: BTH
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nữ, các mô hình kinh tế do nữ làm chủ ngày càng phát triển, khuyến khích phụ nữ trong tỉnh sáng tạo, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, phát huy tài nguyên bản địa, cùng nhau vươn xa.
Cùng với sự đồng hành của các cấp Hội phụ nữ, chính quyền và các cấp, các ngành trong tỉnh cũng có nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết sản xuất, hợp tác nâng cao chất lượng, kết nối cung cầu, đưa sản phẩm thương hiệu Việt của các doanh nghiệp nữ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ phát triển tại thị trường trong nước.
Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Thanh Hóa đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tỷ lệ hàng Việt trong địa bàn tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có hệ thống phân phối hàng hóa bán lẻ gồm 389 chợ, 27 siêu thị, 2 trung tâm thương mại lớn, hơn 500 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Hệ thống này được phát triển rộng khắp từ thành thị tới các vùng nông thôn đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã chủ động, sáng tạo, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu nhằm từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ đó, người tiêu dùng đã thay đổi dần thói quen mua sắm; hàng hóa thương hiệu Việt đã được hội viên, phụ nữ ưu tiên lựa chọn.
PV