Làm freelancer cũng tuyệt vời lắm, chỉ cho đến một lúc bạn nhận ra rằng có gì đó đang hơi sai sai với cuộc đời mình.
Tôi từng làm freelancer 6 tháng.
Tin tôi đi nó thực sự rất tuyệt vời.
Buổi sáng đầu tiên thức dậy sau khi nghỉ việc, tôi nở một nụ cười cho giống nhân vật trong các bộ phim và nói: “Từ giờ mình sẽ làm một freelancer”. Nếu bạn chưa biết freelancer là gì thì cứ hiểu đó là những người làm tự do, làm theo dự án và không phải tới công ty, quan trọng là sản phẩm giao lại đạt chất lượng tốt; họ không bị ràng buộc về thời gian (thực ra là rất nhiều), tự do (thực ra là không) và làm ở đâu cũng được. Có những người làm freelancer toàn phần còn có những người vẫn phải dắt lưng một công việc tay phải. Lúc đó, tôi quyết định mình sẽ làm một freelancer toàn thời gian.
“Alo chào mày, tao là X đây; có công việc gì không nhỉ, tao làm cho, đang rảnh rỗi nè“. Tôi gọi điện cho tất cả đám bạn; vốn có kinh nghiệm viết lách, tôi biết mình có thể kiếm việc dễ dàng lắm. Và đúng là không gì có thể làm khó tôi cả, đời freelancer của tôi màu hồng như bất cứ điều gì tốt đẹp người ta ngợi ca về nó.
Bạn thức dậy và không có message giục công việc, xách laptop ra cafe ngồi làm việc, nghe chim hót và uống cà phê, thỉnh thoảng lại cười và nhìn ra cửa sổ. Quả thật là công việc có hiệu quả thật: viết, dịch, biên tập; ngồi làm nhoay nhoáy cái là xong. Dân freelancer hay ngồi nhẩm tính giờ, “ngồi được 1 tiếng rồi à? 1 tiếng xong bài này rồi à? 300 nghìn nhỉ? Đấy hơn đứt 1 tiếng đi làm” – có đầu óc thì mọi người biết rằng chẳng ai tính công như thế cả nhưng cứ AQ nhau cho vui.
Tôi đi chơi với bạn bè nhiều tới mức tự dưng thấy cuộc đời mình hóa ra có nhiều bạn như vậy; ngày làm việc đúng 8 tiếng, tối đi chơi với bạn bè, thỉnh thoảng đi du lịch sẵn sàng bỏ laptop lại ở nhà, hoặc mang đi để chụp ảnh viết status “Work at the top of this house. Beautiful view” – phải viết tiếng Tây nhé, woohoo! Thỉnh thoảng tôi sẽ hỏi bâng quơ “mọi người có biết coworking space nào làm việc không? Mình cần nơi yên tĩnh để làm việc”. Tin tôi đi nếu có làm freelancer đừng nhẩm tính tiền cà phê, không có lúc bạn sẽ thấy hoảng hốt lắm. Cuối tháng được nhận lương, tôi lại càng thấy niềm vui rạng rỡ: “Không đi làm mà tiền vẫn nhiều như này trời ơi”.
Mãn nguyện làm sao.
Tuyệt vời quá phải không? Nhưng hình như có gì đó không ổn trong câu chuyện này? Đời freelancer của tôi tuyệt vời lắm chỉ trừ một vài chỗ khiến tôi nghĩ rằng: Thôi vui thế là đủ rồi.
Ảo mộng về tiền nhiều
Khoan đã, tua lại một chút ở đoạn “cuối tháng nhận được một đống tiền”, để tôi kể nốt: Đó là chuyện của tháng thứ hai làm freelancer- còn cái tháng đầu thì tìm mỏi cẳng, tốn bao nước bọt mới có việc, tháng thứ ba thì hết việc, tháng thứ tư thì số freelancer với công việc đó tăng gấp đôi nên mỗi đứa nhận được một nửa.
Tôi có thể chia freelancer làm hai nhóm dựa trên “nguồn” công việc: freelancer chuyên làm các dự án trong nước và freelancer chuyên làm cho nước ngoài. Đám làm cho nước ngoài thường là dân thiết kế, vẽ lấy commision (kiểu tiền hoa hồng) UX UI các kiểu, hay được gọi bằng là “nhóm kiếm tiền đô”. Các bạn này thường cũng khá rủng rỉnh nhưng công việc cũng không phải lúc nào cũng có liên tục, có tháng có dự án, có tháng không; câu chuyện “Ui làm freelancer thoải mái lắm đi du lịch tẹt ga” là lúc không có dự án chứ còn gì nữa. Tháng bù tháng không cũng thế cả. Còn dân freelancer mấy cái lặt vặt trong nước thì chỉ đói, đây là nơi “ảo mộng” đời freelancer xuất hiện: việc ít, tiền ít, cạnh tranh thì nhiều, viết bài “30k/1000 từ/yêu cầu không copy, không sao chép trên mạng” mà có hàng trăm người vào nhận thì đủ tiền ngồi cà phê chưa…
Tất nhiên, có những hình mẫu “freelancer đỉnh cao”: tiền nhiều, thời gian nhiều và kiểm soát mọi việc tốt. Luôn có những người như vậy ngoài kia để chúng ta học theo và điều đáng buồn là nhiều người luôn ảo tưởng về “nhóm tinh hoa” này trong khi mình chỉ xuất phát điểm ở nhóm đầu đầy lận đận.
Làm freelancer, bạn phải chuẩn bị tâm lý rằng sẽ có lúc không có công việc ra được tiền, sẽ có lúc bị nợ tiền đầm đìa và sẽ có lúc bị lừa tiền. Chẳng có ai đảm bảo được rằng freelancer sẽ cho bạn nhiều tiền cả. Giữa hàng chục triệu người Việt, sẽ có các tỷ phú USD vươn mình thế giới và giữa hàng chục nghìn freelancer cũng sẽ có người thành công. Và điểm quan trọng không nằm ở việc họ làm freelancer hay đi làm công ty, họ giống nhau ở chỗ đều có đầu óc.
Bạn có thực sự có thời gian?
“Tao không thích sự gò bó”
Có lẽ, đây là câu nói được nhiều người nhắc đi nhắc lại khi quyết định nghỉ công việc full-time để chuyển qua làm freelancer. Sẽ là những bài ca về sự tự do, không lệ thuộc, độc lập, không gò bò nếu bạn đủ kiên nhẫn nói chuyện với một freelancer “tập sự” mới vào nghề. Bạn có muốn biết “không gò bó, có tự do” nó như thế nào không?
Là làm việc với một công ty X bên Mỹ nào đó (nếu may mắn), người ta chênh lệch múi giờ, có dậy làm việc lúc 4,5 giờ bạn cũng phải chịu.
Là anh bạn tôi làm freelancer cho một công ty Nhật, ông ngán ngẩm khi “lỡ” gửi muộn sản phẩm, bị công ty đó trừ đầu trừ cuối tiền, rồi sau dự án đó cũng cắt luôn không làm nữa.
Là tự do, nhưng lúc muốn rủ ai đi du lịch thì cũng chẳng có ai đi cùng, cả thế giới đang ở đâu đó trong những văn phòng ngoài kia, ai đi thong dong với bạn…
Trên đời này, chẳng có cái gì được gọi là “tự do” cả; bản chất tự do cũng đã là một lựa chọn, bạn không “tự do” lựa chọn sự tự do của mình khi có quá nhiều yếu tố bên ngoài tác động. Freelancer hay đi làm văn phòng thì đều là công việc – có quên gì đi nữa thì đó cũng như “bảng cửu chương” mà mọi đứa trẻ phải nhớ. Và đã là công việc, có những nguyên tắc bất di bất dịch: Có deadline, có kpi, có đánh giá công việc rồi mới tới có tiền.
“Thời gian vẫn là của bạn, nhưng nếu không dùng nó khôn khéo để biến thành sản phẩm cho chúng tôi thì chính bạn đã tự tay vứt thời gian của mình đi rồi” – một ông chủ thuê freelancer nào đó sẽ nói vậy. Đau lắm.
Mạng xã hội khiến chúng ta ảo tưởng về freelancer
Thời chưa có Facebook, freelancer vẫn là một cái gì đó cũng mới mẻ, ít nhất ở Việt Nam. Sự xuất hiện của mạng xã hội khiến freelancer chúng tôi có thêm nhiều cơ hội: Các hội nhóm chia sẻ công việc, kết nối với các công ty nước ngoài, với dân viết lách thì Facebook còn là một nơi để làm việc luôn. Dĩ nhiên, đi kèm với đó là những cái giá không nhỏ phải đánh đổi: Mạng xã hội sẽ cho bạn nhìn những thứ tươi đẹp mà bạn muốn nhìn, nhiều người không đủ tỉnh táo để lao theo những mộng tưởng đầy ma mị đó.
“10 thành phố lý tưởng cho các bạn làm việc freelancer” – một chiếc ảnh thumbnail cô gái ngồi gõ laptop trên bờ biển (tin tôi đi, làm việc trên bờ biển làm một thứ dởm đời nhất và chẳng hiệu quả gì cả), nóng bỏng và thời thượng, bên cạnh là ly cocktail ngon tuyệt – bạn có thấy kiểu bài báo này quen không? Hay thu hút không?
Facebook và truyền thông vẽ cho chúng ta một bức tranh tuyệt đẹp của vùng đất “Wonderfreelance” và vài người mộng mơ như Alice bước vào thế giới đó đầy khao khát, không biết mình sẽ phải đương đầu với cái gì. Nhìn thấy một cậu bạn làm freelancer suốt ngày được đi đây đi đó đăng hình Facebook, vào hỏi han nhỏ to thì thấy lương cũng 8 chữ số, nghe vậy cũng thích. Rồi cứ tương tác nhiều, thuật toán Facebook “bắt trúng bệnh” nên ngày nào cũng cho bạn thấy một góc tươi sáng của cuộc đời freelancer.
Những nhà tuyển dụng freelancer thì sao? Họ lại cho bạn một chiếc bánh vẽ về đời freelancer hạnh phúc. Dĩ nhiên họ muốn bạn hơn, không phải trả tiền bảo hiểm, không phải hỗ trợ xăng xe, công việc thì nhanh và đôi khi tốt hơn so với người làm full-time. Chẳng mấy ai nói cho bạn biết rằng, nó cũng có đầy những thứ chán ngán.
Đã “lỡ” làm freelancer, tôi không muốn bạn bè biết mình có lựa chọn sai lầm nên càng tô vẽ thêm cho nó trên Facebook, Instagram. Xin lỗi những người luôn xem và coi đó là một hình mẫu, nếu có ai đó.
Chông chênh và những đêm nghĩ ngày mai sẽ đi đâu?
Nhiều đêm, tôi vẫn trằn trọc rồi nghĩ, ngày mai sẽ làm gì nhỉ? Liệu có thêm công việc mới để làm không? Công việc cũ thì sắp xong rồi. Nói dại mồm nhỡ đợt này lăn ra ốm bệnh thì lấy đâu ra bảo hiểm? Nhẹ là cũng đi tong cả tháng lương rồi.
Rồi tôi lại lướt Facebook và khẽ thở dài: Ở tuổi của tôi, khi không còn trẻ trung đầy sục sôi như đám sinh viên mới ra trường, bạn bè đã lên trưởng phòng nọ, giám đốc kia, có những đứa bỏ ra ngoài đi làm thì cũng thành lập công ty, chứ ai vẫn làm thuê thời vụ, chẳng có một chức danh như tôi.
Những đêm như vậy, tôi đếm mình thở dài không dưới chục lần rồi mới đi ngủ được.
Khi bạn vẫn còn vướng bận với chữ “ổn định”, đừng chạy theo con đường freelancer toàn thời gian. Chúng ta không thích bị giáo huấn phải làm gì cả, và bản thân từng là một freelancer, tôi hoàn toàn tôn trọng công việc và lựa chọn này, dù mọi giấc mơ êm đẹp luôn sẽ kèm theo vài cơn ác mộng. Nếu hỏi tôi xem một lựa chọn như nào là tối ưu nhất, từ kinh nghiệm cá nhân, bạn vẫn có thể chọn cho mình một con đường freelancer nhưng hãy nắm lấy thật chắc cho mình một công việc toàn thời gian: Sẽ luôn có một chiếc phao để bạn nắm vào khi gần chết đuối.
Cuộc sống vốn đầy những mộng tưởng, và đời freelancer đôi khi cũng khiến ta rơi vào những ảo mộng như vậy. Chẳng ai sống mãi trong vùng an toàn và đôi khi là nhàm chán mãi được, nếu bạn coi những điều trên – cả tích cực và tiêu cực trong cuộc sống freelancer là chấp nhận được, chúc mừng bạn! Còn không, còn nhiều cánh cửa khác đang mở ra trước mắt.
Theo Sky – HELINO