Chỉ một thời gian ngắn trước khi qua đời ở tuổi 99, Charlie Munger đã có những chia sẻ chân thật về lý do bản thân đã khóc khi đối mặt với những khó khăn nhất của cuộc đời.
Hãng tin CNBC cho hay cố tỷ phú Charlie Munger, cánh tay phải của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã từng có lời khuyên hữu ích khi đối mặt với thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời. Đó là cứ rơi lệ nếu muốn, nhưng đừng có bỏ cuộc mà hãy tiếp tục đấu tranh với thách thức.
“Bạn có thể khóc, không vấn đề gì hết, nhưng đừng có mà bỏ cuộc”, Charlie Munger nói với CNBC chỉ một thời gian trước khi ông qua đời ở tuổi 99.
Theo cánh tay phải của Warren Buffett, vấn đề ở đây không phải là bạn tỏ ra mềm yếu hay khóc lóc như thế nào mà là cách bạn giải quyết và đứng dậy ra sao.
“Kiểu gì thì bạn cũng phải đối mặt với khó khăn mà thôi. Bởi vậy nếu bạn vượt qua chúng thì cứ khóc vài tiếng mỗi ngày cũng chẳng sao, miễn là đừng có bỏ cuộc”, Charlie Munger cho biết.
Lời nhắn nhủ của Charlie Munger đặc biệt gây ấn tượng bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng cuộc đời vị tỷ phú này trải đầy hoa hồng, ví dụ như là một luật sư và nhà đầu tư thành công, rất giảu có và sống thọ. Thế nhưng ít ai biết rằng cánh tay phải của Warren Buffett đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ thế nào để có được thành công hôm nay.
Buộc phải ly hôn khi mới ngoài 20 tuổi và còn bị mất người con 9 tuổi của mình chỉ 2 năm sau đó, bản thân Charlie Munger tiếp tục phải chịu nỗi đau mù một bên mắt do phẫu thuật thất bại.
“Tôi đã rơi lệ hàng ngày sau khi đứa con đầu của tôi qua đời. Thế nhưng tôi biết mình chẳng thể thay đổi được gì”, Charlie Munger nhớ lại.
“Khả năng phục hồi sau khó khăn, cho dù là trong cuộc sống đời tư hay sự nghiệp thì đều cực kỳ quan trọng cho thành công và hạnh phúc sau này của bạn. Tôi nghĩ rằng chẳng có kỹ năng nào quan trọng hơn khả năng tự phục hồi này cả”, chuyên gia tâm lý Adam Grant nói với CNBC vào năm 2017.
Theo Charlie Munger, một người thành công sẽ nhanh chóng “dọn dẹp’ xong cảm xúc thất bại, đau đớn của mình trước khi bước tiếp. Việc rơi lệ hóa ra lại là một biện pháp hữu ích khi cho phép bộc lộ, giải tỏa cảm xúc trước khi bình ổn tâm tình để bước tiếp.
Đồng quan điểm, nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra việc rơi lệ khi có bất ổn cảm xúc khiến cơ thể tiết ra Endorphin (một loại hormone giảm đau tự nhiên nội sinh) để xoa dịu và giúp con người vượt qua khó khăn.
Trái lại, việc kìm nén các cảm xúc và việc khóc lóc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
“Quy tắc bất biến của cuộc sống là bất cứ ai cũng sẽ có lúc gặp khó khăn”, Charlie Munger nói khi cho rằng việc học được cách đứng dậy cũng như động lực để đi tiếp thậm chí còn quan trọng hơn việc sống một cuộc đời hạnh phúc hay thành công.
“Đi tiếp hay gục ngã là lựa chọn của bạn…Bạn chẳng thể nào làm được hết mọi thứ và sẽ phải chấp nhận đấu tranh để vượt qua khó khăn”, Charlie Munger nói.
Không gục ngã
Theo CNBC, bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời Charlie Munger diễn ra vào năm 1943 khi ông bỏ học đại học để tham gia quân ngũ trong Thế chiến II. Dù không có bằng đại học nhưng Munger vẫn cố gắng trở thành một sĩ quan và được đào tạo thành một nhà khí tượng học.
Xuất ngũ, chàng trai trẻ này theo học trường luật Harvard và bắt đầu sự nghiệp ở hãng Wright & Garrett với thu nhập 3.300 USD một năm.
Thế nhưng khi bước sang tuổi 29, Munger gặp biến cố tiếp theo vì cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm của ông chấm dứt bằng một vụ ly hôn, vốn thường bị xã hội và dư luận kỳ thị thời kỳ đó.
Không chỉ ảnh hưởng về danh tiếng trong xã hội mà Munger còn bị mất hết tài sản, bao gồm cả ngôi nhà cho người vợ. Vị tỷ phú này đã phải sống trong cảnh vô cùng khốn khó hậu ly hôn.
Một năm sau đó, người con trai 8 tuổi của Munger bị chẩn đoán ung thư máu, một căn bệnh không có phương pháp điều trị hiệu quả thời đó.
Bản thân Munger đã phải gánh chịu tất cả các chi phí y tế trong khi vẫn phải vật lộn với cảm xúc rằng cuối cùng ông sẽ mất con. Vị tỷ phú này vừa phải chăm con, vừa phải chăm những đứa con khác và vẫn phải đi làm kiếm tiền.
Thế nhưng khi người con cả qua đời 1 năm sau đó, Munger đã gần như tan vỡ về cảm xúc khi rơi lệ hàng ngày. Sự bất ổn hậu ly hôn, mất người thân và bấp bênh về kinh tế khiến Munger rơi vào khủng hoảng.
Bất chấp điều đó, vị tỷ phú này không chịu đầu hàng số phận mà vẫn tiến lên phía trước.
Ở tuổi 52, Munger tiếp tục chịu thử thách cuộc đời khi bị đục thủy tinh thể nhưng phẫu thuật thất bại khiến một mắt bị mù. Dù khá đau đớn và mất thị lực nhưng ông vẫn quyết tâm học chữ nổi và thích nghi hoàn cảnh mới để vươn lên.
“Sự ghen tị, oán hận, trả thù và tự than vãn là lối suy nghĩ tai hại. Lòng thương hại bản thân gần giống với chứng hoang tưởng. Mỗi bất hạnh trong cuộc đời là một cơ hội để học hỏi và ứng xử tốt hơn. Đừng chìm đắm vào sự tủi thân mà hãy tận dụng những rủi ro ấy”.
*Nguồn: CNBC-Theo Băng Băng–Nhịp sống thị trường