Xuất phát điểm với nhiều khó khăn, chẳng ai nghĩ danh xưng “Vua đào hầm” sẽ đi theo ông Hồ Minh Hoàng cho đến bây giờ. Sau thành công vang dội tại dự án hầm đường bộ đầu tiên, Đèo Cả tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” làm nhà đầu tư tại hai công trình hầm đường bộ lớn khác là dự án mở rộng đường bộ Hải Vân và dự án xây dựng hầm Cù Mông, đưa Đèo Cả trở thành “vua” hầm đường bộ tại Việt Nam.
Hồ Minh Hoàng không còn là một cái tên xa lạ trong giới doanh nhân, đặc biệt là lĩnh vực cầu đường.
Được biết, ông Hồ Minh Hoàng sinh năm 1972 tại Bình Định nhưng học tập, lớn lên tại Phú Yên. Ông theo học trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, tốt nghiệp vào năm 1995 với ước mơ trở thành nhà giáo. Nhưng ước mơ đấy nhanh chóng tiêu tan khi hợp tác xã do cha ông quản lý, Hải Thạch đang đứng trước nguy cơ bị phá sản. Lúc này, Hồ Minh Hoàng đã chọn kinh doanh nối nghiệp gia đình.
Bằng tài năng của mình, ông Hoàng đã thành công đưa một hợp tác xã đang gánh nợ phát triển lên công ty. Năm 2002, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hải Thạch được thành lập và sớm đạt được những bước thành công ấn tượng trong lĩnh vực xây dựng, được nhiều người biết đến với nhiều mẫu đèn chiếu sáng hiện đại.
Khi công ty Hải Thạch – công ty do ông Hoàng lãnh đạo thực hiện việc xây lắp hệ thống chiếu sáng cho cầu Phú Mỹ, Hồ Minh Hoàng học được một điều: làm dự án hạ tầng là câu chuyện huy động vốn, kêu gọi nguồn lực.
Năm 2010, Hồ Minh Hoàng ra Hà Nội thành lập Công ty CP Đầu tư Đèo Cả với sự góp vốn của các cổ đông: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây nguyên, Công ty CP Đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty CP Á Châu, Hồ Minh Hoàng lúc đó được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.
Khi nhận được sự gật đầu của Bộ GTVT, Đèo Cả bắt đầu giải bài toán tài chính. Lúc này, các nhà đầu tư ban đầu như Mai Linh, Á Châu lần lượt ra đi, áp lực đè nặng lên vai lãnh đạo trẻ Hồ Minh Hoàng. Ban đầu, có 2 ngân hàng Pháp đồng ý tài trợ vốn, tuy nhiên chi phí đội lên nhiều nên phương án này không thành công. Cuối cùng, Hồ Minh Hoàng nhận được sự gật đầu của Vietinbank.
Năm 2012, Dự án hầm Đèo Cả được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 15.603 tỷ đồng, thiết kế theo phương án hai hầm ống song song, mỗi ống lưu thông một chiều, nâng tốc độ xe qua hầm đạt 80km/h. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP.
Năm 2017, hầm Đèo Cả thông tuyến, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch, tiết kiệm hơn 4.000 tỷ so với dự toán ban đầu, rút ngắn thời gian chạy xe qua Đèo Cả từ 40 phút còn 10 phút.
Về Hải Thạch, công ty này cũng là nhà đầu tư và nhà thầu thi công các hạng mục chính Dự án hầm Đèo Cả. Năm 2014, Tập đoàn Hải Thạch được hình thành, là tập đoàn hoạt động đa ngành, có vốn điều lệ lên đến 1.500 tỷ đồng, với hơn 700 cán bộ công nhân viên. Năm 2015 – 2016, Tập đoàn Hải Thạch tham gia góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC). Tháng 12/2016, Tập đoàn SBRC chính thức ra mắt, đánh dấu mốc hoàn thiện tái cơ cấu nguồn vốn và dịch chuyển vị trí chiến lược.
Tháng 5/2018, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, tái cấu trúc để hiện thực hóa các chiến lược đầu tư kinh doanh.
Sau thành công vang dội tại dự án hầm đường bộ đầu tiên, Đèo Cả nhận được sự tin tưởng lớn của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành khi tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” làm nhà đầu tư tại hai công trình hầm đường bộ lớn khác là dự án mở rộng đường bộ Hải Vân và dự án xây dựng hầm Cù Mông, đưa Đèo Cả trở thành “vua” hầm đường bộ tại Việt Nam.
Đến nay, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện nhiều công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn như chuỗi hầm đường bộ tại khu vực miền Trung gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, các tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, hầm đường Bao biển và cầu Tình Yêu trên Vịnh Cửa Lục…
Chặng đường từ khi vực dậy Hợp tác xã Hải Thạch đến Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nhìn lại những biến chuyển trên những cung đường đèo hiểm trở khu vực Nam Trung bộ trong vòng một thập kỷ vừa qua cho thấy, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng để lại dấu ấn nhất định đối với lịch sử ngành giao thông Việt Nam.
Tập đoàn Đèo Cả của ông được mệnh danh là “Vua hầm” khi một thập kỷ qua đã xây dựng hơn 22 km hầm đường bộ, cùng với đó là 275 km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí, với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng. Hiện nay, Đèo Cả cũng đang tham gia vào các công trình giao thông quan trọng khác như một số gói thầu của dự án cao tốc Bắc – Nam. Gần đây nhất, Tập đoàn Đèo Cả chính thức được lựa chọn là nhà đầu tư xây dựng cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, theo phương thức đối tác công – tư (PPP) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng.
Theo Hà Anh–An ninh tiền tệ