Theo tầng lớp trí thức Trung Quốc, mối quan hệ Mỹ – Trung giống như một cuộc hôn nhân tồi tệ. Trung Quốc quan tâm đến các quốc gia khác, nhưng trường hợp đó, Mỹ dường như là một nỗi ám ảnh
Trò chuyện với một số học giả và quan chức Trung Quốc đang nghiên cứu và am hiểu về nước Mỹ để tìm hiểu cảm nghĩ của tầng lớp trí thức Trung Quốc về nền kinh tế lớn nhất thế giới, bạn sẽ nhận thấy đôi lúc mối quan hệ Mỹ – Trung giống như một cuộc hôn nhân tồi tệ. Trung Quốc quan tâm đến các quốc gia khác, nhưng trường hợp đó Mỹ dường như là một nỗi ám ảnh. Trong phép ẩn dụ này, đó là 1 cuộc hôn nhân có cả lòng ngưỡng mộ và sự ghen tị. Nhưng với nước Mỹ dưới thời Trump, một thứ cảm xúc mới mẻ nhưng nguy hiểm đang dần nổi lên: sự chán ghét.
Sẽ không quá khi nói rằng giới trí thức Trung Quốc cảm thấy nản lòng trước một nước Mỹ đã lựa chọn Donald Trump làm Tổng thống. Trong con mắt họ, nước Mỹ hiện tại không còn muốn đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới nhưng lại giận tái mặt khi Trung Quốc trở nên chủ động hơn. Theo dòng suy nghĩ này, Trung Quốc “nổi điên” khi nghe thấy Mỹ phàn nàn về sáng kiến Vành đai con đường đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trong khi rõ ràng là Mỹ không còn sẵn sàng tiên phong trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu và đầu tư để kết nối các nước với nhau.
Nếu đây là một cuộc cãi vã vợ chồng, Bắc Kinh sẽ tức giận mà hỏi thẳng nước Mỹ: “Tại sao anh luôn nghĩ tất cả chuyện này là vì anh?”. Trung Quốc không muốn vượt Mỹ. Nếu như Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới thì đó là bởi vì đất nước này rất đông dân và các nhà lãnh đạo muốn người dân của họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn mà thôi. Trung Quốc đã có 40 năm mở cửa kinh tế thành công, nhưng đó là nhờ người dân chăm chỉ làm việc. Vẫn còn rất nhiều địa phương bị bỏ lại phía sau và cần được đầu tư để phát triển.
Sự cần thiết phải duy trì tăng trưởng kinh tế cũng là lý do để Trung Quốc e sợ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng đó cũng là lý do để Trung Quốc phẫn nộ trước “chính sách ngăn chặn” của Mỹ. Đối với Trung Quốc, giàu có là chưa đủ mà còn phải mạnh cả về quân sự và công nghệ. Vụ việc CFO của tập đoàn công nghệ Huawei bị bắt ở Canada (theo yêu cầu của các nhà hành pháp Mỹ) được Trung Quốc nhìn nhận là 1 dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể chấp nhận 1 Trung Quốc giàu hơn chứ không phải Trung Quốc mạnh hơn.
Tổng thống Trump khiến giới học giả Trung Quốc bị tách làm đôi. Thế hệ cũ, đặc biệt là những người nằm trong thế hệ đầu tiên tới Mỹ du học, cảm thấy sốc và một chút buồn bã khi Donald Trump bất ngờ thắng cử năm 2016. Nhưng thế hệ trẻ hơn từng chứng kiến thảm họa mà Mỹ gây ra ở Iraq và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 lại có thiện cảm hơn với ông Trump. Một mặt họ cho rằng Tổng thống Trump đã đoán đúng căn bệnh mà nước Mỹ hiện đang mắc phải. Ông cũng đúng khi cho rằng Mỹ nên rút quân khỏi Trung Đông và châu Á để tập trung giải quyết các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, mặt khác họ cho rằng nội các lộn xộn của ông Trump cho thấy hệ thống chính trị của Trung Quốc ưu việt hơn.
Trong suốt năm ngoái, các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài tới thăm Bắc Kinh đều bị ấn tượng mạnh bởi một hiện tượng bất ngờ. Nói những người ủng hộ cải cách ở Trung Quốc ngưỡng mộ ông Trump cũng không chính xác. Nhưng có một nhóm các học giả Trung Quốc âm thầm vui mừng trước những “đòn tấn công” của Tổng thống Trump. Nguyên nhân là bởi họ coi áp lực bên ngoài là cách tốt nhất để buộc Trung Quốc phải thực hiện những cải cách cần thiết, từ xóa bỏ độc quyền nhà nước đến mở cửa thị trường.
Giới học giả Trung Quốc cũng thừa nhận Trung Quốc đã đánh giá sai Tổng thống Trump khi ban đầu chỉ nhìn ông như 1 doanh nhân New York hay phát ngôn gây sốc, đồng thời cũng đánh giá quá thấp lòng trung thành của các cử tri đã ủng hộ Trump. Những động thái đẩy cuộc chiến thương mại leo thang của ông Trump khiến không ít lãnh đạo Trung Quốc bị sốc. Mùa xuân 2018, Trung Quốc vẫn cho rằng ông Trump đang “làm quá” trong “vở kịch chiến tranh thương mại”, và cả hai bên sẽ thiệt hại lớn nếu 1 cuộc chiến thương mại thực sự nổ ra.
So với lời đe dọa sẽ trút “lửa và cuồng giận” vào Triều Tiên năm 2017, rõ ràng chính sách đối ngoại của ông Trump ở thời điểm hiện tại khiến Bắc Kinh hài lòng hơn. Mỹ đã tỏ ra thờ ơ với vấn đề nhân quyền của Triều Tiên, đồng thời sẵn sàng ngừng tập trận ở Hàn Quốc miễn là Triều Tiên ngừng thử bom và tên lửa hạt nhân đe dọa Mỹ. Đó chính là chính sách “đóng băng đổi lấy đóng băng” mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thôi thúc những người tiền nhiệm của ông Trump sử dụng.
Ông Tập từng nói với các vị khách nước ngoài rằng ông cảm thấy tức giận trước sự thiếu kiên nhẫn của nước Mỹ. Tại 1 hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU tháng 7 năm ngoái, ông than phiền rằng Mỹ quay lưng khỏi WTO chẳng bao lâu sau khi Trung Quốc gia nhập tổ chức này một cách chật vật, cựu Tổng thống Obama đã thuyết phục ông gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong khi ông Trump nôn nóng rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định này ngay sau khi nhậm chức Tổng thống.
Sự mất kiên nhẫn không phải là điều quá mới mẻ trong quan hệ Mỹ – Trung, nhưng điều quan trọng là dường như niềm tin của Trung Quốc vào tương lai của nước Mỹ đang phai nhạt. Giới chức Trung Quốc từng muốn nhận được sự kính trọng từ Mỹ, tự hỏi tại sao siêu cường này lại không thể chấp nhận việc hệ thống chính trị hiện nay là phù hợp nhất với Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, họ vẫn giữ quan điểm nước Mỹ giàu hơn và mạnh hơn nhưng không phải là mô hình mà họ muốn học theo. Tuy nhiên, họ không còn quan tâm quá nhiều đến chuyện nước Mỹ phải nghĩ tốt về mình.
Câu chuyện sẽ trở nên đặc biệt tồi tệ nếu như các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu tin vào lời cáo buộc Mỹ thích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Với quan điểm này, khi xảy ra xung đột, các quan chức Trung Quốc sẽ không muốn đề xuất những điều khoản nhượng bộ hay thúc đẩy cải cách có thể giúp sửa chữa quan hệ Mỹ – Trung. Trong quan hệ địa chính trị cũng như trong hôn nhân, thường thì cảm xúc chán ghét sẽ không bao giờ mang lại kết cục tốt đẹp.
Thu Hương – Theo InfoNet/Economist