Khi chảo xuất hiện các dấu hiệu “hết hạn” như là: chảo đã bị trầy xước, chảo đổi màu, chảo bị bong hết lớp chống dính… thì đó là lúc nó cần được thay mới.
Nhà bếp là không gian ấm cúng và được yêu thích nhất, bởi nó là nơi tạo ra các món ăn ngon, đồng thời cũng là nơi nhiều gia đình lựa chọn để thưởng thức thực phẩm.
Để tránh nguy cơ gây bệnh từ khu bếp, chúng ta thường được khuyên nên tách rời đồ ăn sống và đồ ăn chín, khi nấu ăn thì nên bật máy hút mùi, sau khi ăn thì nên rửa bát ngay… Tuy nhiên, vẫn còn một lưu ý nữa mà nhiều người quên nhắc đến đó là: Thay thế dụng cụ nấu ăn định kỳ.
Nhiều gia đình vẫn có quan niệm, bát đũa, nồi, chảo… là thứ có thể mua một lần dùng cả đời. Nhưng thực tế là đồ vật nào cũng đều có “hạn sử dụng” của nó.
Chảo là một ví dụ, khi chảo xuất hiện các dấu hiệu “hết hạn” như là: chảo đã bị trầy xước, chảo đổi màu, chảo bị bong hết lớp chống dính… thì đó là lúc nó cần được thay mới.
Chảo chống dính bị xước: Loại chảo cần được thay mới càng sớm càng tốt để tránh bệnh tật
Những vết xước trên bề mặt chảo là dấu hiệu đáng báo động cho thấy bạn cần mua một cái mới ngay.
Lý do là bởi: Trên bề mặt của chảo chống dính thường được phủ một lớp Teflon. Chất này tạo thành một bề mặt trơn tuột như sáp, dễ lau chùi hơn. Theo PGS.TS Phạm Gia Điền (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Teflon là vật liệu rất thông dụng trong cuộc sống, nhưng độ bền không cao. Chất này ở trên chảo chống dính có thể mòn theo thời gian và dễ trầy xước khi tiếp xúc mạnh với dụng cụ cọ rửa bằng kim loại.
Nếu nấu ăn trên 300 độ C, Teflon của chảo có thể phát sinh độc chất như perflurooctanoic acid (PFOA), Perfluoisobutylene… Những chất này có thể gây tức ngực, khó thở, thậm chí là ung thư, sẩy thai. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cũng đã dán nhãn gây ung thư cho axit perfluorooctanoic (PFOA).
Hiệp hội Ung thư Mỹ cảnh báo chảo có bề mặt bị trầy xước, chảo bị biến dạng, đổi màu… thì cần được thay mới. Nếu không nó sẽ vừa ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn, vừa không tốt cho sức khỏe. Các nhà khoa học nhận thấy rằng, chỉ 1 vết xước trên chảo chống dính có thể khiến 9100 hạt vi nhựa bị bung ra và ngấm vào thực phẩm. Khi ăn vào sẽ để lại hậu quả khôn lường với sức khỏe.
Lưu ý về cách sử dụng chảo chống dính
– Các đầu bếp cho rằng, mọi vật dụng nhà bếp đều có thời hạn sử dụng và đối với dụng cụ nấu chống dính thì thời hạn sử dụng tối đa là khoảng 5 năm. Nếu bạn sử dụng chúng hàng ngày hoặc dùng 3-4 lần/tuần, hãy đảm bảo thay chảo chống dính sau mỗi 4-5 năm để đảm bảo an toàn và tốt cho sức khỏe.
– Khi sử dụng chảo chống dính, bạn nên lưu ý là đổ dầu vào chảo đã được lau khô trước, sau đó mới đặt lên bếp. Không được đợi chảo nóng rồi mới đổ dầu vì sẽ làm bong lớp chống dính, vừa làm giảm tuổi thọ chảo lại gây độc hại cho cả gia đình khi ăn phải.
– Trong quá trình chế biến đồ ăn bằng chảo chống dính hãy để lửa nhỏ, lửa vừa và hạ nhiệt độ xuống nếu chảo quá nóng hoặc bốc khói.
– Ngoài ra, cần lưu ý không rửa chảo chống dính ngay sau khi sử dụng vì sẽ ảnh hưởng đến lớp chống dính của chúng. Hãy để chúng ở nhiệt độ phòng rồi rửa bằng dung dịch xà phòng và xả nhẹ với nước. Khi vệ sinh chảo hãy dùng vải mềm hoặc miếng rửa chén mềm, không chà xát quá mạnh vì sẽ làm chảo bị tróc.
– Theo chuyên gia dinh dưỡng Ann Louise Gittleman, để tránh hoàn toàn hóa chất, bạn có thể sử dụng chảo gang hoặc chảo thép không gỉ.
Ưu điểm của chảo gang đó là dễ vệ sinh, đa năng, giá thành rẻ, nhưng nhược điểm là khá nặng.
Chảo bằng thép không gỉ thì chịu được nhiệt độ cao, thích hợp cho việc xào và chiên thịt, nhưng nhược điểm là chảo dễ bị cháy nếu nhiệt độ quá cao, khi đó chảo có thể khó được làm sạch.
Theo Bảo Nam-Theo PNS