Từ sản phẩm gạch bông thủ công, doanh nhân Võ Quốc Thắng đã gây dựng Tập đoàn Đồng Tâm thành thương hiệu gạch men hàng đầu thị trường trong nước. Bên cạnh sự nghiệp kinh doanh, bầu Thắng còn có 2 thập kỷ gắn bó và cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
Người gây dựng thương hiệu gạch Đồng Tâm
Ông Võ Quốc Thắng sinh năm 1967, quê gốc ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, sinh trưởng trong gia đình có 5 người con. Vì gia đình có nghề truyền thống làm gạch bông tại khu Phú Định, quận 6, Sài Gòn mà ngay từ nhỏ ông Thắng đã thấm nhuần những kỹ thuật làm gạch bông như pha màu, trộn xi măng…
Thương hiệu Đồng Tâm do ông Võ Thành Lân (cha đẻ ông Thắng) sáng lập vào tháng 6/1969. Đến năm 1976, cơ sở Đồng Tâm của gia đình ông Thắng sáp nhập cùng nhiều đơn vị sản xuất khác lấy tên là tổ hợp Đồng Hiệp.
Từ những ngày còn niên thiếu, ông đã lăn lộn khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm hiểu về nhu cầu làm nhà và sử dụng gạch trong xây dựng. Đến năm 1985-1986, ông Thắng lúc bấy giờ mới 19 tuổi đã đứng ra khôi phục thương hiệu gạch Đồng Tâm của gia đình.
Ban đầu, ông Thắng và gia đình xây dựng một tổ hợp sản xuất nhỏ với vài công nhân. Bản thân ông Thắng vừa trực tiếp tham gia sản xuất vừa phụ trách bán hàng.
Sau này, ông Thắng tự hào kể lại, sản phẩm gạch bông Đồng Tâm của gia đình ông đã có mặt tại nhiều công trình xây dựng lớn thời bấy giờ và vẫn còn tồn tại đến ngày nay như cư xá Thanh Đa, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương…
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng lớn, Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng – Thương mại Đồng Tâm chính thức được thành lập năm 1993 tại ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Một năm sau, Công ty liên doanh Gạch Ceramic Đồng Tâm ra đời nay đổi thành Công ty CP Đồng Tâm Dotalia với nhà máy chuyên sản xuất gạch men lát nền cao cấp đặt trụ sở tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An .
Tiếp đà phát triển, năm 1999 Đồng Tâm thành lập cơ sở tại miền Trung rồi đến năm 2004 tiếp tục vươn ra miền Bắc bằng khu liên hợp xản xuất VLXD trang trí nội thất tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
Năm 2002 Công ty cổ phần Thành Phát – Long An được thành lập, đây chính là tiền thân của Tập đoàn Đồng Tâm. Sau nhiều lần đổi tên, đến năm 2006, doanh nghiệp chính thức mang tên Công ty cổ phần Đồng Tâm như hiện nay. Kể từ đây, Tập đoàn Đồng Tâm bắt tay xây dựng thêm hàng loạt công ty thành viên, tham gia nhiều lĩnh vực khác.
Hơn 50 năm hình thành và phát triển, từ sản phẩm gạch bông truyền thống, Đồng Tâm đã trở thành một thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành sản xuất gạch men nói riêng tại Việt Nam.
Trên website của Đồng Tâm Group, tập đoàn hiện có 16 công ty thành viên, trải dài trong các lĩnh vực: vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; kinh doanh bất động sản, đầu tư, khai thác cảng biển, xây dựng và cho thuê đất trong khu công nghiệp, cho thuê nhà xưởng. Ngoài ra còn có các công ty liên kết trong mảng giáo dục, dịch vụ, thương mại…
Doanh nghiệp nhà bầu Thắng nổi tiếng với các dự án bất động sản như Cảng quốc tế Long An, dự án Khu đô thị Đông Nam Á Long An, Khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, Đồng Tâm House…
Hiện tại, Đồng Tâm Group có một số dự án trọng điểm đang trong giai đoạn thực hiện gồm: dự án khu dân cư Bắc Lê Lợi – Thành phố Quảng Ngãi với quy mô hơn 7,5 ha; dự án khu trung tâm hành chính tỉnh Long An (Green City) với quy mô 76,6 ha; dự án Đồng Tâm House có quy mô 14.660 m2.
Tại thời điểm tháng 5/2013, Tập đoàn Đồng Tâm có vốn điều lệ là 680,7 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông khi đó gồm: ông Võ Quốc Thắng 47,38%, ông Võ Thành Nhiệm (em trai ông Thắng) nắm 0,07%, ông Châu Văn Huỳnh nắm 0,23%, Trương Quốc Lực nắm 0,6%, Nguyễn Xuân Hoa 0,17% và các cổ đông khác nắm 51,55%.
Từ tháng 9/2023, công ty tăng vốn điều lệ lên mức 995,5 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Hồi đầu năm 2023, Đồng Tâm Group bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy đăng ký công ty đại chúng do không đáp ứng đủ điều kiện để trở thành công ty đại chúng.
Cụ thể, theo danh sách cổ đông tại ngày 14/9/2022, 7 cổ đông lớn của Đồng Tâm Group đã nắm giữ hơn 90,4% số lượng cổ phần. Do đó, công ty không đáp ứng được một trong hai điều kiện trở thành công ty đại chúng được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 là có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
Dù nắm trong tay hệ sinh thái doanh nghiệp đồ sộ nhưng ông Võ Quốc Thắng hiện chỉ đứng tên đại diện pháp luật duy nhất tại Tập đoàn Đồng Tâm.
Ngoài vị trí lãnh đạo cao nhất tại Đồng Tâm Group, ông Thắng từng có thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) giai đoạn 2013-2018.
Để tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bầu Thắng đã phải rời ghế Chủ tịch Kienlongbank để giữ lại vị trí Chủ tịch tại Đồng Tâm Group từ tháng 4/2018.
Trong thời gian đương nhiệm, ông Thắng là người có công lớn đưa Kienlongbank niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán năm 2017. Dù quy mô tài sản và vốn điều lệ còn thuộc top nhỏ nhưng Kienlongbank đã là một trong 18 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hai thập kỷ cống hiến cho bóng đá
Nhắc đến Chủ tịch Võ Quốc Thắng, không thể không nhắc đến tên gọi bầu Thắng vì sự đóng góp của ông với bóng đá. Bầu Thắng chính thức tiếp quản đội tuyển bóng đá tỉnh Long An năm 2000 và thành lập Câu lạc bộ Bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An (tiền thân của CLB Long An) vào tháng 5/2002. Đỉnh cao của Gạch Đồng Tâm Long An là hai chức vô địch quốc gia liên tiếp các năm 2005, 2006.
Bầu Thắng là người tiên phong trong việc mời HLV Calisto về dẫn dắt đội tuyển quốc gia để rồi Việt Nam có lần đầu tiên vô địch AFF Cup (năm 2008).
Bầu Thắng từng có thời gian làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Cũng vì thế mà sau này, ông rút tên khỏi CLB Long An, nhường lại cho người em trai Võ Thành Nhiệm để đảm bảo tính khách quan.
Đến đại hội cổ đông VPF khóa III nhiệm kỳ 2017-2020, bầu Thắng đã rút khỏi VPF và chính thức chia tay bóng đá sau gần hai thập kỷ đóng góp vào sự phát triển môn thể thao này tại Việt Nam.
Dù vậy, bầu Thắng vẫn âm thầm đóng góp cho bóng đá nước nhà bằng những cách khác nhau. Năm 2019, bầu Thắng cùng bầu Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức) bắt tay mở thương hiệu cà phê Ông Bầu. Bên cạnh mục đích kinh doanh, thương hiệu cà phê này sẽ dành một khoản lợi nhuận tích lũy để dành cho sự nghiệp phát triển bóng đá trẻ Việt Nam.
“Mỗi một ly cà phê Ông Bầu, chúng tôi trích ra 1.000 đồng doanh thu, bỏ vào Quỹ phát triển tài năng bóng đá trẻ Việt Nam. Quỹ này được kiểm soát bởi những người có trách nhiệm và sẽ được sử dụng với một mục đích duy nhất là hỗ trợ cho các địa phương, cho VFF xây dựng được những trung tâm bóng đá trẻ ngày một chuyên nghiệp, từ đó theo đuổi những giấc mơ mà bóng đá Việt Nam muốn vươn đến”, ông Võ Quốc Thắng từng chia sẻ.
Ngoài sự nghiệp kinh doanh, ông Thắng từng tham gia nghị trường khi được bầu là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An (khóa XI, nhiệm kỳ 2002-2007).
Ông còn liên tục được bầu là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM nhiệm kỳ 2003-2006 và nhiệm kỳ 2006-2009; đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhiệm kỳ 2002-2005 và nhiệm kỳ 2005-2008.
Từ năm 2008, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2011; đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Năm 2009, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ông Thắng từng được trao tặng danh hiệu Nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN năm 1999, do Tiểu ban ASEAN bình chọn vì đã có thành tích to lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác xã hội.
Doanh nhân Võ Quốc Thắng còn nhiều lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, bằng khen của UBND TP.HCM và các tỉnh: Long An, Quảng Nam, Đồng Tháp,…
Theo Hà Ly-Theo antt.nguoiduatin.vn