Có một câu chuyện vô cùng thú vị về số mệnh làm vua của Võ Tắc Thiên khiến các nhà nghiên cứu không thể giải thích. Nó xảy ra khi vị nữ đế này mới chào đời.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Võ Tắc Thiên (624 – 705) chính nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất. Bà nổi tiếng là mỹ nhân xinh đẹp, tài trí hơn người nên khiến hai cha con Đường Thái Tông Lý Thế Dân và Đường Cao Tông Lý Trị si mê.
Bà không có con chung với Đường Thái Tông Lý Thế Dân nhưng lại trở thành hoàng hậu mà Đường Cao Tông Lý Trị sủng ái nhất. Kết tinh của họ là 4 con trai và 2 con gái.
Đến nay, có rất nhiều giai thoại về người nữ vương lạnh lùng và tàn nhẫn này được truyền lại. Dù tính xác thực khó kiểm chứng nhưng những câu chuyện ma mị, liêu trai phần nào khiến hậu thế thêm kinh sợ về bậc vua chúa thời xưa.
Võ Tắc Thiên khóc 7 ngày đêm khi chào đời
Theo đó, có một câu chuyện vô cùng thú vị về số mệnh làm vua của Võ Tắc Thiên khiến các nhà nghiên cứu cảm thấy rất thích thú. Nó xảy ra khi vị nữ đế này mới chào đời.
Vào năm 624, Dương thị – vợ của vị tướng Võ Sĩ Hoạch là quý tộc có tiếng ở Sơn Tây thời bấy giờ đã hạ sinh con gái Võ Chiếu (tên thật của Võ Mị Nương) ở tuổi ngoài 40. Đáng nói, đứa trẻ này sau khi chào đời thì khóc liên tục suốt 7 ngày đêm không ngừng, khiến cha mẹ vô cùng lo lắng.
Võ Sĩ Hoạch phải mời đạo sĩ nổi tiếng Viên Thiên Cương đến. Thế nhưng, họ Viên vừa nhìn thấy Võ Chiếu thì mặt biến sắc. Ông nói với vợ chồng Võ tướng rằng: “Đứa con gái này của hai người không phải người thường, nó có dấu hiệu của rồng và phượng, tức là dấu hiệu của nhà vua. Nếu là con trai, chắc chắn sẽ trở thành vua vào một ngày nào đó”.
Để khiến Võ Chiếu nín khóc, đạo sĩ Viên Thiên Cương đã thì thầm vào tai đứa bé một câu: “Các quan văn võ đã sẵn sàng, xin Người đừng lo lắng”.
Kỳ lạ là sau đó Võ Chiếu đã thực sự ngừng khóc. Và đúng như lời tiên đoán của Viên đạo sĩ, sau này Võ Chiếu đã trở thành Võ Tắc Thiên – nữ đế khét tiếng của lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Lời tiên tri giúp Võ Mị Nương thoát chết
Giai thoại xưa truyền lại rằng, Dương phu nhân vợ của Võ Sĩ Hoạch thấy con gái của mình càng lớn càng diễm lệ, liền bắt đầu kế hoạch chấn hưng gia tộc họ Võ. Lúc bấy giờ, cả gia tộc cũng đã có 2,3 nữ quyến đang làm phi tần của Thái Tông. Những người này ở trong cung bắt đầu truyền ra nhiều tin đồn về dung nhan tuyệt trần của con gái nhà họ Võ.
Tin đồn này chẳng mấy chốc đã đến tai Lý Thế Dân. Những năm tháng ấy, hậu cung của nhà vua cũng quá đỗi tịch mịch, ông liền quyết định cho Võ Tắc Thiên vào cung làm Tài nhân.
Sau đó, dân gian lưu truyền một giả thuyết nổi tiếng về lời tiên tri của Lý Thuần Phong dưới thời Thái Tông: Đường triều sau 3 đời vua sẽ bị một nữ đế họ Võ đoạt lấy thiên hạ.
Đây vốn chỉ là một tin đồn được thường dân bách tính truyền tai nhau nhưng chẳng mấy chốc đã lọt đến tai Lý Thế Dân. Nhà vua nghe xong vô cùng khó chịu, liền bí mật triệu kiến Lý Thuần Phong, người bấy giờ đang đảm nhiệm chức Thái Sử Lệnh, chuyên quản chuyện thiên văn, lịch pháp. Lý Thế Dân đem lời đồn này nói cho Lý Thuần Phong và hỏi ông liệu điều đó có trở thành sự thật hay không.
Lý Thuần Phong sau đó cho nhà vua biết rằng, có ‘thái bạch kinh thiên’, đó là điềm báo có một nữ chủ sẽ nổi dậy. Vị quan giải thích thêm, người phụ nữ hiện đang ở trong cung và là gia quyến của nhà vua. Không tới 30 năm sau sẽ thay vua thống lĩnh giang sơn, tàn sát con cháu nhà Lý Đường.
Lý Thế Dân nghe vậy bèn bàn ý định “tiên thủ vi cường”, thà giết nhầm 3000 người còn hơn bỏ sót, tuy nhiên Lý Thuần Phong khuyên can cho rằng, vua là do trời định, nếu giết người này ắt trời sẽ ban người khác xuống. Nhà vua thấy Lý Thuần Phong nói quả thực có lý, liền quyết định thuận theo ý trời, nương tay với Võ Tắc Thiên. Nếu giai thoại này là sự thực, thì chính lời tiên tri của Lý Thuần Phong đã cứu Võ Tắc Thiên một mạng.
Ngôi mộ của Đường Cao Tông giúp củng cố quyền lực cho nữ chủ họ Võ
Tân Thư Đường có ghi chép, ngay sau khi Đường Cao Tông lên ngôi, ông đã phái công thần Trưởng Tôn Vô Kỵ và Thái sử lệnh Lý Thuần Phong, đi tìm địa điểm đẹp để đặt lăng mộ cho mình.
Hai vị công thần thấy đỉnh núi Lương Sơn đều rất vừa ý: đỉnh chính của Lương Sơn mọc thẳng lên bầu trời; phía bắc hướng ra sông Ô, núi Cửu Tông; phía tây đối mặt sông Tất Thủy, núi Lâu Kính. Sông Ô, sông Tất hòa dòng ôm lấy núi non, tạo nên bức tường bằng nước, bảo toàn long khí vùng đất này.
Vị trí đắc địa như vậy nhưng trong triều có vị đạo sĩ Viên Thiên Cang, chính là người từng tiên tri cho Võ Mị Nương, ra sức phản đối xây lăng ở đây. Bậc thầy tướng số “cả đời chưa xem nhầm một ai” đã phán rằng Lương Sơn là vị trí có những điểm “gây tai họa”. Đầu tiên, long mạch nhà Đường từ núi Côn Lôn chạy ra sông Hoàng Hà, chạy qua nhiều dãy núi. Đường Thái Tông đã được chôn cất ở núi Cửu Tông, vị trí gọi là đầu rồng, nay Hoàng đế Cao Tông là con không thể đặt chôn cất trước đầu rồng được.
Điều quan trọng hơn cả là Lương Sơn có địa thế rất giống với bộ ngực của người phụ nữ. Người dân địa phương nơi đây còn gọi núi Lương Sơn là Nãi Đầu Sơn. Nhìn toàn cảnh khu vực còn giống một người phụ nữ đang nằm ngủ. Nơi đặt được chọn đặt Càn Lăng nhìn bao quát tương đối thấp, âm khí nặng. Đặt mộ phần những người đàn ông họ Lý ở đây giống như có người phụ nữ “ngồi trên đầu”, vương triều dễ thảm bại dưới tay một người phụ nữ.
Cao Tông nghe ý kiến trái chiều của các cận thần cảm thấy rất phân vân. Võ Thiến lúc này mới là Chiêu Nghi nhưng khắc ghi lời sấm thuở nhỏ, nắm ngay lấy cơ hội khuyên bảo Cao Tông đặt mộ phần ở Lương Sơn. Vốn là người nhu nhược nên chẳng mấy chốc Hoàng đế đã bị Võ Tắc Thiên thuyết phục, việc lựa chọn vị trí xây dựng Càn Lăng được quyết định.
Cái tên “Càn Lăng” được vị vua lựa chọn để cân bằng âm dương bởi theo “Kinh dịch” chữ “Càn” mang tính dương, dùng để cân bằng âm khí ở Lương Sơn. Thế nhưng điều này vẫn chưa đủ để làm thay đổi vận mệnh của nhà Đường, Võ Tắc Thiên vẫn lên nắm quyền, tiếm ngôi và lật đổ cả một triều đại.
Năm Thần Long thứ nhất (năm 705), Võ Tắc Thiên 82 tuổi, qua đời vì bệnh tật. Bà hoàng tham vọng bậc nhất lịch sử Trung Hoa cuối đời lại muốn rũ bỏ hư danh hoàng đế mà quay về với thân phận hoàng hậu. Tới phút lâm chung, thụy hiệu mà Võ Tắc Thiên muốn dùng là Tắc Thiên Thuận Thánh Hoàng hậu. Bà còn yêu cầu được hợp táng cùng chồng là Đường Cao Tông Lý Trị. Võ Tắc Thiên được chôn cất tại chính lăng mộ Càn Lăng, Lương Sơn.
Đến này, các nhà khảo cổ vẫn chưa dám mạo hiểm khai quật Càn Lăng vì điều kiện công nghệ chưa đáp ứng để bảo tồn cổ vật trong lăng mộ.
Phượng Nguyễn-Theo Đời sống Pháp luật