Khởi nghiệp bán mì trộn ở tuổi 26, chị Lâm Thảo Uyên thổ lộ chị chưa từng nghĩ quán mì trộn Tên Lửa của mình sẽ mở rộng ra 6 chi nhánh trong 4 năm.
Từ sở thích cá nhân và công thức nấu ăn gia đình, chị Uyên đưa món mì trộn trở thành món ăn được giới văn phòng và nhiều bạn trẻ yêu thích, bán đắt hàng trên các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến.
Khi “mẹ bỉm” làm liều kinh doanh
Năm 2019, chị Lâm Thảo Uyên nảy sinh ý định kinh doanh ẩm thực khi vừa sinh con đầu lòng. Gia đình ai cũng ngăn cản vì biết bán đồ ăn thật ra rất vất vả, chị Uyên lại chưa từng có kinh nghiệm trong ngành F&B. Tuy nhiên, người mẹ trẻ vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ. Chị chọn món mì trộn để thử sức và chủ yếu kinh doanh online để tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành.
“Từ nhỏ tôi đã rất thích ăn mì khô, nhất là với sợi mì gói. Khi nấu cho gia đình, tôi cũng hay tự làm thêm sốt trộn và ai cũng thích. Món này lại làm rất nhanh, gọn nên tôi quyết định mang ra bán thử. Thời gian đầu, tôi chỉ bán online. Mọi thứ đều do tôi tự làm tại nhà, đóng gói, lên thực đơn, đặt dịch vụ giao hàng hoặc nếu gần thì tự tôi đi giao. Lúc đó con mình còn nhỏ, làm gì thì cứ đúng 16 giờ là tôi nghỉ để dành toàn bộ thời gian cho con”, chị Uyên kể lại về những ngày đầu mở quán.
Món ăn giản dị của chị Uyên nhanh chóng được khách hàng đón nhận. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị nhanh nhạy mỗi ngày đều tìm cách đa dạng các “topping” ăn cùng mì trộn, từ trứng chiên, xá xíu, bò viên cho đến phá lấu, gà chiên mắm tỏi hay thịt chiên giòn. Tất cả các công thức đều do chị Uyên mày mò, thử nghiệm. Từ một món ăn gia đình, chị Uyên bán thử, lắng nghe khách hàng phản hồi rồi cân chỉnh theo khẩu vị dung hòa nhất có thể.
Món mì trộn trở thành món ăn “hot trend” của các bạn trẻ sau khi lên các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến (Ảnh: Mì trộn Tên lửa)
Tiếng lành đồn xa, sau khoảng 2 tháng kinh doanh, đối tượng khách hàng của cửa hàng mì trộn không còn gói gọn trong phạm vi bạn bè, hàng xóm xung quanh nữa mà có những khách hàng ở xa cũng tìm đến hỏi mua mì. Do muốn đầu tư nghiêm túc cho việc bán buôn, và một mình không thể quán xuyến hết mọi việc nếu mở rộng kinh doanh, chị Uyên quyết định đăng ký đưa mì trộn Tên Lửa lên bán trên các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến, trong đó có GoFood của Gojek.
Theo lời chị Uyên, số lượng khách hàng tăng gấp 10 lần sau nửa năm chị đưa quán lên ứng dụng. Nhóm khách hàng chủ yếu là người trẻ, nhân viên văn phòng, sinh viên. Chỉ trong thời gian ngắn, món mì trộn của chị Uyên cũng trở thành món ăn “hot trend” của các bạn trẻ. Quyết định “khởi nghiệp” của chị đã có quả ngọt. Lúc này, gia đình cũng “xắn tay” vào hỗ trợ, giúp chị Uyên thêm tự tin và mạnh dạn để tiếp tục hành trình của mình.
Phát triển nhờ ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến
Bà chủ quán mì trộn chia sẻ: “Bán trên ứng dụng rất tiết kiệm chi phí. Thay vì phải tự thân giao hàng hay nhờ người giao hàng thì tôi có các shipper của các ứng dụng hỗ trợ. Ứng dụng cũng rất dễ thao tác, quy trình rõ ràng, nhanh chóng nên tôi không gặp khó khăn khi sử dụng. GoFood của Gojek ngoài mang đến cho quán nhiều khách hàng mới, nền tảng cũng hỗ trợ rất nhiều về mặt marketing, truyền thông. Thời gian đầu, tôi không có thời gian để tạo trang bán hàng riêng, mua quảng cáo, hay làm marketing quảng bá. Tất cả đều nhờ ứng dụng mang khách hàng mới đến cho mình”.
Các quán ăn có thể phục vụ khách hàng nhanh chóng và hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của các tài xế từ các nền tảng đặt đồ ăn.
Phát triển ổn định sau khi đưa quán lên Gojek và các nền tảng khác, năm 2020, chị Uyên mở thêm 2 chi nhánh ở quận 5 và quận 10. Tức trong vòng một năm kinh doanh, quán đã có 3 chi nhánh. Chị bắt đầu lên kế hoạch để xây dựng Mì trộn Tên Lửa trở thành một chuỗi cửa hàng, thuê và đào tạo thêm nhân viên, mở thêm khu vực ăn tại chỗ. Đến năm 2022, số lượng chi nhánh cửa hàng mì của chị phát triển thành 5 cửa hàng và đến 2023 là 6 chi nhánh tổng cộng. Đúng như tên gọi, hàng mì trộn của chị Lâm Thảo Uyên có tốc độ phát triển “tên lửa”.
Cửa hàng đầu tiên của chuỗi thương hiệu đặt ở quận Bình Tân, cũng là nhà chị Uyên, giờ đóng vai trò bếp trung tâm. Tuy quán hiện đã mở rộng quy mô nhưng chị Uyên vẫn tập trung bán online, và chỉ có 2 cửa hàng phục vụ ăn tại chỗ. Chị Uyên nhận định việc lựa chọn hình thức bán hàng phải dựa trên tính chất món ăn, tình hình thực tế, nhu cầu của khách hàng và kế hoạch của chính chủ doanh nghiệp.
Bà chủ Mì trộn Tên Lửa cho biết hiện tại, doanh thu bán online của hệ thống chiếm 90% tổng doanh thu, và khách hàng đặt nhiều nhất vào giờ ăn trưa. “Trong năm ngoái, GoFood của Gojek là nền tảng đứng đầu về mặt đóng góp doanh số cho quán. Có những hôm ở một chi nhánh có thể nhận vài trăm đơn một ngày, shipper tập trung chờ lấy hàng rất đông. Nếu chỉ bán offline thôi có lẽ mình vẫn đang giậm chân tại chỗ chứ khó lòng phát triển được như ngày hôm nay”, chị Uyên khẳng định.
Nhà hàng, quán ăn có thể tự thực hiện đăng ký gian hàng trực tuyến trên ứng dụng Gojek tại đây. Bất kỳ nhà hàng nào cũng có thể sử dụng thiết bị di động truy cập vào trang đăng ký GoFood để tạo lập hồ sơ nhà hàng. Nếu thông tin đầy đủ và chính xác, thời gian từ lúc Gojek nhận được thông tin đăng ký từ nhà hàng đến lúc cửa hàng có thể bắt đầu hoạt động trên Gojek là 4-5 ngày.
Ánh Dương-Theo Tổ Quốc