Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực – ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, cho biết.
Hải Phòng là 1 trong số 5 thành phố, đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Trên địa bàn thành phố hiện có 15 quận, huyện, trong đó có 2 huyện đảo là huyện Cát Hải và huyện Bạch Long Vĩ.
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Thành uỷ, HĐND, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, thương mại của thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 198.000 tỷ đồng, tăng 13,42% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 5 trong cả nước về quy mô.
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng – phát biểu tại Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng – cho biết: Trong thời gian qua, hoạt động hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Sở Công Thương Hải Phòng đã tích cực phối hợp với các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, đặc biệt là Vụ Thị trường trong nước, phối hợp với Sở Công thương các tỉnh/thành phố, các Sở, ngành địa phương, đơn vị triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương tổ chức các Hội chợ triển lãm, các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Đa dạng hoạt động kết nối tiêu thụ hàng hóa
Cùng với đó, Sở Công Thương Hải Phòng tổ chức kết nối tiêu thụ hàng hoá giữa các doanh nghiệp Hải Phòng với các doanh nghiệp của các tỉnh/thành phố trong cả nước; hỗ trợ đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, số lượng vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố và ngược lại như: Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hải Dương, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Kon Tum, Tây Ninh… và các sản phẩm, hàng hoá đó được người tiêu dùng thành phố Hải Phòng tin dùng.
Đồng thời đặc biệt chú trọng, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Số chuyến hàng do doanh nghiệp trong và ngoài thành phố thực hiện thông qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo hàng năm bình quân trên 4 chuyến/tuần.
Hạ tầng thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 huyện đảo được quan tâm và có nhiều khởi sắc, đã hình thành phương thức kinh doanh mua sắm như chợ, các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích tiện lợi; trên 10 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn 2 huyện đảo đã được hỗ trợ trang thiết bị, máy móc phục vụ theo Đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, trên 28 lượt cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ tham dự Hội nghị kết nối cung cầu, Hội nghị xúc tiến thương mại, Hội chợ triển lãm của các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.
Năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, tại các huyện đảo đã tổ chức được 6 phiên chợ hàng Việt với quy mô mỗi phiên chợ 25 gian hàng của trên 30 doanh nghiệp tham dự, thu hút trên 1.500 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu mỗi phiên chợ từ 1,5 – 2,5 tỷ đồng; Xây dựng được 1 mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt” tại huyện Cát Hải. Qua đó giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất… mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường đặc biệt là thị trường vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Theo PNVN