Từng loay hoay với vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”, chị Hồ Thị Khánh Ngọc (57 tuổi) đã mạnh dạn dốc hết vốn để đầu tư xưởng sản xuất và kinh doanh tinh dầu. Trải qua nhiều khó khăn, chị vẫn kiên nhẫn đưa sản phẩm của mình ra thị trường và dần được đón nhận.
Được biết, chị từng loay hoay làm rất nhiều “nghề tay trái” trước khi thành công với tinh dầu. Xin chị chia sẻ về hành trình này?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Vỹ Dạ, thành phố Huế. Khi lấy chồng, gia đình hai bên nội ngoại đều khó khăn và vợ chồng tôi là giáo viên nên đời sống khá chật vật khi đồng lương eo hẹp. Tôi luôn loay hoay nghĩ cách làm thêm nghề tay trái để tăng thu nhập cho gia đình.
Lúc đó, con còn nhỏ, chúng tôi xin ở nhà tập thể của nhà trường và mở một cửa hàng nhỏ bán sách giáo khoa, văn phòng phẩm. Thế nhưng thu nhập cũng không đáng là bao. Rồi được thầy hiệu trưởng khi đó hướng dẫn cho tôi cách nuôi heo. Chúng tôi phải vay mượn của bạn bè, đồng nghiệp thêm ít vốn. Ngoài 8 tiếng đồng hồ công tác ở trường học, chúng tôi chịu khó, miệt mài làm việc không ngừng nghỉ.
Nhiều năm trôi qua, đến năm 1998, chúng tôi dành dụm mua được 250m2 đất làm nhà ở tại khu vực đông dân cư, gần trường học. Ở đó chúng tôi không thể nuôi heo được nữa, do ảnh hưởng đến môi trường của khu dân cư. Chỉ còn lại cửa hàng sách giáo khoa, văn phòng phẩm với thu nhập không đáng kể.
Chúng tôi lại rơi vào vòng luẩn quẩn bởi số tiền vay mượn khi làm nhà, mua đất và lại tiếp tục làm thêm, tích lũy, trả nợ,… cứ thế khiến tôi bế tắc, đôi lúc cảm thấy áp lực, tủi thân. Tôi luôn ấp ủ một công việc đem lại lợi ích lâu dài, có tính kế thừa cho các con sau này. Tôi đã tìm tòi học hỏi qua những người đi trước, tìm hiểu qua mạng, qua google để làm các loại tinh dầu.
Có vẻ như chuyện khởi nghiệp của chị là câu chuyện vượt khó, thoát nghèo, làm giàu. Chị đã bắt đầu với tinh dầu như thế nào?
Tôi nghĩ, nếu chỉ mua nguyên liệu lẻ tẻ rồi về nấu mấy mẻ tinh dầu thì không bao giờ khá lên được. Cho nên tôi đã tìm hiểu kỹ các loại cây có thể cho tinh dầu như tràm, sả, chanh, dừa, bưởi,… Sau đó tôi cùng liên kết với vợ chồng một người bạn mua đất rừng trồng tràm, sả, chanh…
Vào năm 2016, tôi đi bước đầu tiên là thuê nông dân trồng cây, sau đó tiến hành xây dựng lò, xưởng để chế biến tinh dầu. Đến năm 2018, cơ sở tinh dầu mới thực sự đi vào hoạt động. Tôi đặt tên là cơ sở: Tinh Dầu Nguyên Chất Ngọc Phương (là tên của tôi và con gái).
Khởi điểm chị có từng gặp thất bại?
Có chứ, thất bại đôi lần do chưa có kinh nghiệm chế biến cũng như điều hành. Tôi đã phải học hỏi rất nhiều từ những người đi trước. Làm tinh dầu cũng rất khó. Tôi vừa học hỏi vừa nghiên cứu rất lâu, thử nghiệm nhiều lần để cho ra sản phẩm tốt nhất.
Làm ra sản phẩm rồi, chị bán được nhiều không? Bài toán thị trường có làm khó được một phụ nữ năng động như chị?
Bài toán thị trường mới là bài toán khó nhất đối với tôi trong sản xuất, kinh doanh. Cái tên Ngọc Phương khi đến với thị trường còn mới mẻ, bởi vậy tôi lại loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là việc đăng ký thương hiệu, mã vạch, kiểm định chất lượng cho sản phẩm. Khi đã hoàn thành các thủ tục, tôi thật sự yên tâm về sản phẩm của mình và tôi đã kết nối nhờ đến sự trợ giúp của các ban ngành để lan tỏa sản phẩm của mình qua nhiều chương trình quảng bá sản phẩm bản địa.
Một khó khăn nữa là giá cả. Trên thị trường có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc và “giá nào cũng bán” nên khi đưa sản phẩm có nguồn gốc đến với người tiêu dùng, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề này. Bởi vậy ban đầu, tôi chỉ sản xuất cầm chừng để từng bước, từng bước lấy được niềm tin của khách hàng, để khách hàng sử dụng và đánh giá.
Hiện tại, cơ sở đã tiến xa đến đâu trên thị trường?
Hiện tại thì chúng tôi yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Ngoài các đại lý, cửa hàng, tiệm thuốc tây và các trung tâm chăm sóc mẹ và bé, chúng tôi đã ký được hợp đồng lớn với công ty có hơn 600 cửa hàng trên toàn quốc. Vậy nên chúng tôi liên tục sản xuất để kịp cung ứng ra thị trường trong thời gian tới và chuẩn bị vào mùa thu đông này. Chữ Tâm – Chữ Tín đã xây dựng nên Thương Hiệu Tinh Dầu Nguyên Chất Ngọc Phương.
Tôi mong rằng sản phẩm sẽ được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và mong muốn được tham gia, kết nối nhiều hội chợ do các ban ngành tổ chức, để sản phẩm của mình được lan tỏa và đi xa hơn nữa. Qua đó, người nông dân trồng nguyên liệu có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo PNVN