Trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, Shark Nguyễn Hòa Bình khuyên 2 người điều hành startup L’arlesienne nên tập trung học rồi ra khởi nghiệp, bởi chính ông từng trải qua giai đoạn vừa học vừa khởi nghiệp như thế. “Chú thấy đó là quãng thời gian đáng tiếc”, Shark Bình nói với cặp du học sinh cấp 3.
Startup L’arlesienne xuất hiện trong tập 4 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 để kêu gọi đầu tư 300 triệu đồng cho 15% cổ phần. Đây là thương hiệu thời trang cao cấp, với sản phẩm chính là những chiếc túi da mang thiết kế độc đáo. Sau 6 tháng mở bán bộ sưu tập đầu tiên, L’arlesienne đã bán được 95% sản phẩm, đạt hơn 500 triệu đồng doanh thu, tỷ suất lợi nhuận là 28%.
Đáng chú ý, hai người điều hành L’arlesienne – cũng là hai nhân sự duy nhất của doanh nghiệp – đều mới đang học cấp 3. Nhà sáng lập Đinh Phúc Khang vừa bước qua tuổi 18, còn Giám đốc mỹ thuật Nguyễn Ngọc Khánh Linh năm nay 16 tuổi. Phúc Khang cho biết do chưa đủ tuổi, L’arlesienne lấy tên mẹ của em làm người đại diện theo pháp luật.
“Chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất khi ở cạnh khách hàng của mình”
L’arlesienne đã đạt được cam kết đầu tư 300 triệu đồng cho 30% cổ phần từ Shark Phạm Thanh Hưng. Trong khi đó, 4 “cá mập” còn lại đều từ chối với lý do những người điều hành công ty đều đang du học tại Mỹ và cần tập trung vào học.
Shark Nguyễn Hòa Bình – vị doanh nhân có kinh nghiệm khởi nghiệp từ rất sớm đưa ra lời khuyên trên góc độ một người từng trải qua tình huống tương tự.
“Chú thấy các con có niềm tâm huyết và nắm bắt được nhiều kiến thức trong ngành thời trang. Chú từng khởi nghiệp năm 19 tuổi. Các con bây giờ 18 tuổi, trẻ hơn chú hồi xưa, năng lực cũng tốt hơn chú hồi 19 tuổi rất nhiều. Chú hồi đấy còn “non và xanh” lắm.
Chú cũng từng trải qua giai đoạn khởi nghiệp xong đi học. Một phần thời gian ở Việt Nam, một phần thời gian đi du học, phải chia đôi thời gian nửa học nửa làm. Chú thấy đó là quãng thời gian đáng tiếc. Chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất khi ở cạnh khách hàng của mình.
Chú khuyên các con thời gian tới nên tập trung học thật tốt và thật nhanh, sau đó ra khởi nghiệp, tại Mỹ hoặc Việt Nam đều được, miễn mình thấy hiệu quả và tự tin nhất“, Chủ tịch NextTech bày tỏ.
Giai đoạn khởi nghiệp “Ba Không” của Shark Bình
Chia sẻ trong chương trình “Quốc gia Khởi nghiệp” của VTV hồi năm 2018, Shark Bình cho biết ông bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2001, khi đang là sinh viên năm 2 tại ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Thời điểm đó nói thật là hoàn toàn không có gì trong tay. Có thể nói là khởi nghiệp “Ba Không”. Không có vốn, không có trụ sở, cơ sở vật chất và không có nhân viên. Tất cả chỉ một mình: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, kiêm nhân viên, kiêm tất cả mọi thứ.
Tuy nhiên, hồi đó “Ba Không” nhưng lại thêm một cái “không” nữa rất thuận lợi. Đó là không có đối thủ. Quá nhiều cơ hội để có thể bắt tay khởi nghiệp bất kỳ cái gì mà mình muốn tại thời điểm đó. Và một cái “Có” mà tôi nghĩ rất khác biệt. Đó là nhận thức“, Shark Bình kể lại.
Ông chỉ ra rằng thời sinh viên hầu như ai cũng rất rảnh, thông thường chỉ bận vào các kỳ thi cuối kỳ. Đại đa số sinh viên thời của ông có thể đi chơi, ngủ, chơi thể thao, hoặc tụ tập với bạn bè.
“Thế nhưng, không hiểu sao tại thời điểm đó tôi có một nhận thức là khi mình đang có rất nhiều thời gian rảnh như vậy, tại sao không làm cái gì đó liên quan đến chuyên môn của mình trong tương lai.
Nếu thành công, thuận lợi thì lúc ra trường mình sẽ có một sự nghiệp riêng. Trong trường hợp thất bại, mình cũng sẽ thu gặt được rất nhiều kinh nghiệm để xin việc và có giá hơn trên thị trường lao động“, Shark Bình phân tích.
Với tư duy đó, ngay từ thời đại học, Shark Bình đã đi làm phát triển phần mềm và tham dự thật nhiều cuộc thi, bao gồm giải 3 cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam” năm 2000. Những thành tích đó giúp ông cảm thấy tự tin vào bản thân, tiếp tục đi thi nhiều giải thưởng khác nữa và liên tục giành giải.
“Đó chính là một loại vốn – vốn về uy tín và kinh nghiệm. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan, doanh nghiệp bắt đầu biết đến tiếng tăm của mình. Tôi còn nhớ hợp đồng đầu tiên nhận được, lần đầu tiên kiếm được tiền, là một hợp đồng xây dựng hệ thống phần mềm quản lý. Tôi kiếm được khoảng 2 triệu đồng, tương đương gần 200 USD. Với số vốn này, thay vì ăn chơi, không hiểu sao tại thời điểm đó tôi nghĩ rằng mình cần phải lập doanh nghiệp“, Shark Bình hồi tưởng.
Minh Anh-Theo An ninh Tiền tệ