Người Trung Quốc có câu “Đừng học cách Khổng Minh kén vợ/ Chỉ được gái A Thừa xấu kinh” để chê nhan sắc vợ của nhà chính trị, quân sự kiệt xuất thời Tam quốc.
Gia Cát Lượng (191 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, quê tại huyện Dương Đô, quận Lang Nha (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Ông là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao kiệt xuất thời Tam quốc.
Theo sử sách, Gia Cát Lượng không chỉ là bậc hiện tài anh minh mà còn sở hữu vẻ ngoài khôi ngô tuấn tú, tay cầm quạt lông, đội khăn xếp, áo dài trắng bay phấp phới. Thế nhưng ông lại chấp nhận lấy một người phụ nữ xấu xí bị liệt vào “Ngũ xú Trung Hoa” – tức 5 người phụ nữ tài năng nhưng xấu nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Gia Cát Lượng bị coi là trò cười trong mắt thiên hạ vì cuộc hôn nhân này. Người đương thời thường nhắc đến: “Mạc học khổng Minh trạch phụ/ Chi đắc A Thừa xú nữ” (Nghĩa là “Đừng học cách Khổng Minh kén vợ/ Chỉ được gái A Thừa xấu kinh”).
Thế nhưng, người vợ của Gia Cát Lượng có thực sự xấu xí đến mức ”ma chê quỷ hờn”? Đến nay, sự thật về nhan sắc của Gia Cát phu nhân vẫn gây nhiều tranh cãi.
Theo Sohu, vợ Gia Cát Lượng có tên Hoàng Nguyệt Anh, người huyện Bạch Thủy, nay là Hồng Hồ, tỉnh Hồ Bắc. Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn. Tương truyền Hoàng thị là một người phụ nữ có làn da ngăm đen, tướng mạo thô kệch, thậm chí có mấy nốt ruồi lớn trên mặt.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa , La Quán Trung có viết: “Gia Cát Chiêm, con trai của Vũ hầu (tức Gia Cát Lượng), tự Tư Viễn. Mẹ, Hoàng thị, là con gái của Hoàng Thừa Ngạn. Người mẹ xấu xí, nhưng có kỳ tài: trên thông thiên văn, dưới tường địa lý; đọc đủ mọi loại sách. Khi Vũ hầu ở Nam Dương, biết bà Hoàng thị hiền thục nên cầu làm vợ” (tạm dịch).
Có giai thoại cho rằng cái mác “xấu xí” của Hoàng thị xuất phát từ việc thử lòng của Hoàng Thừa Ngạn với Gia Cát Lượng. Chuyện rằng, là người ham học hỏi, nghe nói ở Ngọa Long Cương có viên ngoại họ Hoàng, trong nhà Cát nhiều sách quý, Gia Cát Lượng bèn dời tới đây, dựng lều tranh ở gần để tìm dịp hội kiến.
Nhà họ Hoàng có cô con gái tên Hoàng Nguyệt Anh, nức tiếng khắp vùng là một tài nữ. Vì thế Gia Cát Lượng rất muốn gặp gỡ kết giao với nàng. Nhưng Hoàng viên ngoại ra sức ngăn cản. Ông tiết lộ, con gái ông có dung mạo xấu xí, rất khó coi, rồi khuyên Gia Cát Lượng nên tìm cô gái có dung mạo cân xứng.
Trong cuốn Tương Dương ký ghi lại Hoàng Thừa Ngạn có nói với Gia Cát Lượng rằng: “Nghe anh kén vợ, tôi có đứa con gái xấu xí, đầu vàng, da đen, nhưng tài năng có thể phối hợp với anh được. Lượng bằng lòng tức thì Ngạn đem con gái đến cho”.
Trước tình hình đó, Gia Cát Lượng không hề nản lòng ông vẫn muốn dùng tài năng và học vấn của mình để thuyết phục Hoàng viên ngoại tác hợp cho mình và cô con gái nên duyên.
Theo một chuyên gia tiết lộ trên thời báo Hoàn Cầu, Hoàng Nguyệt Anh không chỉ trí tuệ tinh thông mà còn có nhan sắc yêu kiều. Chuyện Hoàng Thừa Ngạn loan tin con gái mình xấu xí, thô kệch chỉ cốt để thử thách lòng kiên trì và bản lĩnh cương nghị của Gia Cát Lượng. Có sách kể, nhan sắc của bà bị “bóp méo” phần nhiều do tên gọi A Sửu (Sửu trong tiếng Hán có nghĩa là xấu xí) mà Hoàng viên ngoại đặt cho con.
Cũng có giai thoại khác, Gia Cát Lượng biết bà không xinh đẹp nhưng ngưỡng mộ tài năng và sự hiền đức của người phụ nữ này nên đã quyết tâm theo đuổi. Ông đã đến thẳng nhà Hoàng viên ngoại cầu hôn. Để thử thách đức lang quân tương lai, Hoàng Nguyệt Anh đưa ra hàng loạt câu hỏi cốt để Gia Cát Lượng bật lên trí tuệ minh mẫn lẫn đức độ của mình.
Với sự thông minh và học thức uyên thâm, để chiếm được trái tim người phụ nữ tài giỏi này, Gia Cát Lượng dốc hết tâm lực, tài trí, cuối cùng cũng thuyết phục được thiên kim tiểu thư họ Hoàng.
Dù sắc đẹp của Nguyệt Anh xấu đẹp thế nào đến nay vẫn còn gây tranh cãi, song người ta đều đồng ý rằng, bà là một người phụ nữ tài hoa xuất chúng.
Giai thoại về chuyện tình của Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh được ghi chép và kể lại khá nhiều, trong đó câu chuyện về chiếc quạt lông cho thấy sự tinh tế, thông minh của Gia Cát phu nhân.
Gia Cát Lượng lần đầu tới cầu hôn, Hoàng Nguyệt Anh đã tặng ông chiếc quạt lông coi như kỷ vật, đồng thời lý giải nguyên nhân: ” Vừa nãy thiếp nhìn thấy tiên sinh và cha cùng đàm luận chuyện thiên hạ, hùng tâm tráng chí quả là rất lớn. Nhưng mà, thiếp phát hiện rằng khi ngài nói tới Tào Tháo và Tôn Quyền thì chân mày lại hiện rõ ưu tư, lo lắng. Thiếp tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt những lúc như vậy”.
Ngụ ý của Hoàng Nguyệt Anh chính là không muốn Gia Cát Lượng để lộ trạng thái cảm xúc thật mà mưu sự bất thành. Chiếc quạt lông vũ sẽ như thứ giúp nhà quân sư che giấu cảm xúc, suy nghĩ thật sự trước đối phương. Chính điều này chứng minh việc Gia Cát Lượng chọn nàng là người chung sống cả đời là đúng đắn. Chiếc quạt lông vũ đã trở thành vật bất ly thân của Gia Cát Lượng. Ông coi nó như thứ báu vật, luôn nâng niu trân trọng.
Sau khi thành thân, phu thê Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh đã chung sống rất hòa thuận. Hoàng Nguyệt Anh ược miêu tả là người “năng lý năng ngoại” (giỏi lo toan việc trong nhà lẫn việc bên ngoài). Không những sắp xếp ổn thỏa việc gia sự, bà còn hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp binh lược của Gia Cát Lượng.
Hoàng Nguyệt Anh có khả năng thông thuộc binh thư, trên biết thiên văn dưới tường địa lý, đa mưu túc trí không thua kém Gia Cát Lượng. Có nhiều giai thoại khẳng định sáng kiến “Mộc ngưu lưu mã” (dùng trâu gỗ ngựa máy vận chuyển lương thực) là của vị phu nhân này. Đây cũng là lý do vợ của Khổng Minh tuy “xấu người”, nhưng vẫn được người đời nể phục.
Chính sử ghi lại cuộc hôn nhân của Khổng Minh và Nguyệt Anh rất viên mãn. Sau này họ có được 2 người con trai là Gia Cát Chiêm và Gia Cát Cẩn.
Theo Lê Chi/VTC News-VTC