Bí ẩn về cây ổi gần trăm tuổi biết “cười” bên lăng mộ vua Lê Lợi ở khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) khiến du khách tò mò. Dù đã gần trăm năm trôi qua, nhưng năm nào cây cũng ra hoa kết trái thơm ngát cả vùng trời.
Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có diện tích khoảng 200ha, thuộc địa phận 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Nơi đây là quê hương cũng là nơi an nghỉ của Anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu nhà Lê Sơ.
Lam Kinh xưa vốn là đất Lam Sơn, nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh xâm lược. Sau 10 năm ròng rã chiến đấu (1418-1428) với sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, đất nước được thanh bình. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Hậu Lê kéo dài suốt 360 năm.
Trải qua hơn 700 năm với bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, Lam Kinh trở thành phế tích. Sau này, Lam Kinh được Nhà nước cho trùng tu, tôn tạo và trở thành Khu di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
Ngày nay, Lam Kinh là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Bên trong khu di tích hiện vẫn còn nhiều điều kỳ bí như chuyện cây lim “hiến thân” hay mối tình “Đa – Thị” hơn 300 năm tuổi,… Trong đó, chuyện cây ổi biết cười bên lăng mộ vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ) khiến nhiều du khách tới tham quan không khỏi bất ngờ.
Cây ổi trăm tuổi “nổi tiếng” vì biết “cười”
Theo chân hướng dẫn viên khu di tích Lê Thị Loan, du khách sẽ ghé thăm lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Nơi an nghỉ của Anh hùng dân tộc Lê Lợi yên tĩnh, rợp bóng mát. Vị trí cây ổi biết “cười” nằm phía bên phải của lăng mộ, phía sau hàng tượng quan hầu và tượng con giống hiền từ đang chầu trước mộ vua.
Cây ổi cao chừng 3m, tuy thân và cành khẳng khiu nhưng quả xum xuê, lá xanh mơn mởn. Tương truyền, cây ổi này được cặp vợ chồng hiếm muộn con cái cung tiến cách đây gần trăm năm.
Chuyện xưa kể rằng, vào những năm 1930, một người đàn ông tên là Trần Hưng Dẫn (quê ở Nam Định), vốn hiếm muộn con cái. Trong một lần ghé thăm lăng mộ vua Lê Lợi, ông liền quỳ trước mộ vua xin cầu tự (cầu con). Trùng hợp thay, vợ ông sau này đã sinh được quý tử nối dõi tông đường.
Để tỏ lòng thành, vợ chồng ông đã cung tiến 2 cặp tượng voi chầu, một cây long não và cây ổi trồng ở lăng mộ nhà vua. Chuyện về cây ổi biết “cười” được một du khách tình cờ phát hiện cách đây hơn chục năm.
Cuối năm 2001, nhà thơ Hoàng Ngọc Phác (quê Phú Thọ) sau một lần viếng thăm vua Lê, bằng tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ khi thấy những điều kỳ lạ ở cây ổi, ông đã đặt tên cho cây là cây ổi cười.
Năm 2008, Bộ Khoa học – Công nghệ cũng đã đưa ra đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen “cười” của cây ổi ở khu di tích Lam Kinh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Nhiều người dân trong vùng hay tin từng tới khu lăng mộ xin chiết cành về ươm trồng. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là những cây được chiết về trồng ở vùng đất khác đều không có dấu hiệu cười như cây ổi mẹ tại khu lăng mộ vua Lê.
Du khách tò mò thích thú
Theo hướng dẫn viên khu di tích, chỉ cần cù nhẹ vào nách của thân cây và nhắm mắt, du khách sẽ cảm nhận rất rõ các đầu lá và cành cây đều rung rinh lên từng hồi như đang cười.
Rất nhiều du khách khi tới thăm lăng mộ vua Lê Lợi đều tò mò thử cảm giác thú vị với cây ổi kỳ lạ. Theo chia sẻ của nhiều người, trong lúc cù nhẹ vào thân cây và nhắm mắt lại, hầu hết mọi người đều có cảm giác lâng lâng, cảm nhận rõ thân và cành của cây ổi rung rinh nhẹ như đang cười.
Cùng gia đình tới tham quan khu di tích Lam Kinh, em Lê Trọng Huân, học sinh Trường THCS Bắc Lương (Thọ Xuân, Thanh Hóa), hào hứng chia sẻ: “Em đã nhiều lần ghé thăm khu di tích cùng gia đình. Nơi đây rất đẹp và thanh bình, giúp em cảm thấy thoải mái sau những ngày học tập mệt mỏi và căng thẳng. Mỗi lần ghé thăm lăng mộ vua Lê Lợi, em cũng thử cù nhẹ lên thân cây và đều cảm nhận được cây rung rinh như đang cười. Em nghĩ rằng, chuyện cây ổi biết cười bên lăng mộ vua là điều vô cùng huyền bí rất khó lý giải”.
Trải qua gần trăm năm, cây ổi vẫn xanh tốt bên lăng mộ vua Lê, mùa nào cây cũng ra hoa và kết trái xum xuê thơm ngát, khi quả chín Ban quản lý khu di tích lại hái quả để dâng vua.
Hàng năm, cứ đến dịp 21 – 22/8 Âm lịch, hàng nghìn du khách và người dân địa phương lại nô nức về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh để tham dự Lễ hội Lam Kinh. Đây là dịp để tri ân công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và quảng bá khu di tích đến bạn bè quốc tế nhiều hơn nữa.
Nhật Minh-Theo Đời sống và Pháp luật