Bảo là cỏ rác thì có lẽ hơi quá, tuy nhiên với 2 trường hợp được nêu ra dưới đây, người dân chỉ là con số không tròn trĩnh.
40 năm không trả lời dân chỉ là…hơi chậm(?).
Đó là trả lời của UBND Tp. Hồ Chí Minh đối với đơn tố cáo của gia đình ông Hoàng Đôn Thận về việc vì sao 40 năm nay, mặc mọi khiếu nại của ông, chính quyền Thủ Đức vẫn im lặng.
Ông Hoàng Đôn Thận, một thiếu tá chính quyền Sài Gòn nhưng là Đặc tình cao cấp của cách mạng, hoạt động đơn tuyến dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Nguyễn Thạch Bích, phó Giám đốc Thường trực công an tỉnh Tiền Giang. Sau giải phóng, mặc dù không thuộc diện phải cải tạo (nếu chỉ là sỹ quan ngụy bình thường ông cũng không thuộc diện phải đi cải tạo bởi ông đã giải ngũ năm 1966), ông vẫn làm đơn xin vào trại bởi như sau này ông thổ lộ, ông muốn tìm hiểu kế hoạch hậu chiến của các sỹ quan ngụy cùng cải tạo. Sau này, ông được đích thân Đại tá Nguyễn Thạch Bích xác nhận “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo theo yêu cầu của điệp báo khu 8 và tình báo Trung ương”.
Việc nhà nước ông hoàn thành xuất sắc nhưng việc nhà ông bị chính quyền chà đạp. Trong 5 năm ông ở trại, mặc dù trang trại của ông có đăng ký kê khai đầy đủ trước khi đi nhưng chính quyền vẫn cho dân vào chặt cây, chiếm đất. Năm 1981 ông ra trại, và bắt đầu từ đó là một hành trình viết đơn khiếu nại gửi chính quyền đòi đất. Đơn gửi họ cứ nhận rồi chuyển đi đâu không rõ, cứ vậy từ năm này sang năm khác. Thậm chí ông thuê người lập cả dự án khu du lịch sinh thái trên khu đất hơn 2 ha trang trại của mình với hy vọng việc đòi đất khả thi hơn. Họ cũng nhận đơn, nhận hồ sơ rồi…hứa. Trước mặt họ hứa với ông, sau lưng ông họ rắp tâm xác nhận rằng đất này không ai tranh chấp rồi ngang nhiên cấp sổ hồng, sổ đỏ cho những người chiếm đất. Tệ hơn nữa, sau khi đã cấp sổ cho nhiều người, họ vẫn thản nhiên tiếp ông, nhận đơn khiếu nại xin đất của ông rồi…vẫn hứa, coi như chưa có bất kỳ điều gì xảy ra trên từng lô đất mà ông đang xin lại. Vậy đấy, hứa và chỉ hứa thôi, hơn 40 năm vẫn vậy, không hề có bất kỳ một văn bản trả lời khiếu nại nào từ chính quyền Thủ Đức.
Thủ Đức im lặng mãi buộc gia đình ông làm đơn khiếu nại, rồi tố cáo gửi UBND Tp. Hồ Chí Minh. Cũng phải chờ đợi mỏi mòn, gia đình ông mới nhận được câu trả lời như kể trên là…hơi chậm. Thôi thì 40 năm, 10 khóa chính quyền, bảo chỉ hơi chậm cũng đành nghe vậy. Nhưng…rồi sao? Chắc chắn họ sẽ rốt ráo giải quyết cho dân? Thật buồn là họ chỉ bảo vậy thôi rồi …không giải quyết.
“Trong những năm tháng hoạt động điệp báo trong lòng địch, chồng tôi đã sẵn sàng đánh đổi không chỉ mạng sống của mình và vợ con mà còn là tất cả những gì mình có nếu chẳng may bị chính quyền Sài Gòn phát hiện. Chế độ cũ đã không lấy được gì từ ông. Vậy mà, hòa bình lập lại, cái chính quyền mà chồng tôi đã từng sẵn sàng hy sinh vì nó đó lại bất chấp luật pháp tước đoạt tài sản của ông dễ dàng như vậy hay sao? Có Thiên lý nào như vậy không?”.
Những lời ca thán này của bà vợ ông Hoàng Đôn Thận không biết có đến được tai những nhà lãnh đạo cao hơn của chúng ta không. Tuy nhiên, hàng loạt các lá đơn khiếu nại, kêu cứu của bà cũng đã được gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước. Hy vọng mọi điều sẽ có hậu sau hơn 40 năm chờ đợi của bà.
Người này vượt biên, tịch thu nhà người khác và một hành trình…im lặng.
Và hành trình im lặng này vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả sau khi có ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Căn nhà số 68 Tạ Uyên, Phường 15, Quận 5 nguyên là một ngôi nhà cấp 4, diện tích khuôn viên 87 m2, nguyên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Lý Hoan, một người mẹ đơn thân sống cùng người con gái tên Lý Lệ Hùng. Mọi việc không có gì đáng nói cho tới một ngày gần cuối năm 1978, mẹ con bà lý Hoan bị đuổi ra khỏi nhà với lý do được thông báo miệng là… nhà 68 Tạ Uyên đã bị nhà nước tịch thu. Còn vì sao bị tịch thu thì không ai nói
Vô lý và uất ức, mẹ con bà Lý Hoan làm đơn khiếu nại. Trong khi việc khiếu nại chưa được trả lời thì bà Lý Hoan nhập viện. Mấy tháng sau, giữa năm 1979, bà Hoan mất tại bệnh viện Chợ Quán, Quận 5, được cấp giấy chứng tử theo quy định. Và từ đây, một hành trình đằng đẵng khiếu nại đòi nhà của người con Lý Lệ Hùng trong sự “im lặng đáng sợ” của chính quyền
Sau hơn 35 năm chờ đợi với cả chục bộ hồ sơ khiếu nại gửi đi với mong muốn tìm một câu trả lời chính thức, ngày 07/01/2014, Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh mới chịu ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu với nội dung bác khiếu nại đòi nhà của bà Hùng. Lý do: “Năm 1978, bà Lý Hoan xuất cảnh bất hợp pháp”. Điều đáng ngạc nhiên là trước khi ban hành quyết định này, trong rất nhiều bộ hồ sơ đòi nhà của bà Lý Lệ Hùng mà UBND Tp. HCM nhận được, luôn có giấy chứng tử ghi rõ bà Lý Hoan mất năm 1979 tại bệnh viện Chợ Quán.
Vô lý, thậm vô lý, bà Hùng tiếp tục khiếu nại lên Bộ xây dựng. Sau hơn một năm “ngâm cứu” hồ sơ, Bộ xác nhận bà Lý Hoan không xuất cảnh nhưng vẫn bác khiếu nại đòi nhà. Và tới lúc này, trước sự truy hỏi liên tục của gia đình bà Lý Lệ Hùng, Thanh tra Bộ xây dựng mới “bật mí” lý do UBND Quận 5 ra quyết định tịch thu nhà 68 Tạ Uyên của bà Lý Hoan là bởi “Chủ nhà Lý Tôn Cẩm và gia đình bỏ đi biệt tích”.
Chẳng biết Lý Tôn Cẩm là ai và dĩ nhiên ông này không thể là chủ nhà 68 Tạ Uyên như Quận 5 bịa đặt, bà Hùng lại tiếp tục con đường tìm công lý ở cấp cao hơn. Và rồi, với sự đồng cảm, thương dân của Đại biểu Quốc hội, phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, câu chuyện đau lòng này đã “đến tai” Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Ngày 12/7/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6202/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Tp. HCM rà soát, xem xét lại vụ việc.
Những tưởng sau gần 45 năm mất nhà oan bởi những quyết định đầy sai trái của chính quyền, hành trình tìm chân lý của gia đình bà Lý Lệ Hùng đã được đền đáp. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Mặc mọi đơn từ của bà Hùng, công văn nhắc nhở của Ban tiếp công dân, Ban dân vận thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội…UBND Tp. Hồ Chí Minh vẫn im lặng. Cho tới mãi ngày 14/12/2022, tức sau hơn 3 năm kể từ chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Thường trực, Ủy ban nhân dân thành phố mới có buổi làm việc đầu tiên với công dân Lý Lệ Hùng, “đề nghị công dân thực hiện quyền khởi kiện vụ việc đến cơ quan tòa án theo quy định tại Điều 44 Luật khiếu nại”. Đành chấp nhận vậy thôi, gia đình bà Hùng lại tiếp tục tìm tới Tòa và…chờ đợi.
Không ít lần chúng ta nghe điệp khúc “nhà nước của dân, do dân, vì dân” nhưng với 2 câu chuyện được dẫn trên đây, chẳng biết dân ở đâu với chính quyền như thế?
Người quan sát