Vì tin tưởng shipper, người đàn ông Trung Quốc đã bị lừa mất số tiền lớn.
Vào tháng 6 năm 2018, một người đàn ông họ Hoàng ở Gia Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc đã đặt mua một món hàng giá 95 NDT (hơn 300 nghìn đồng) trên Taobao. Sau đó vài ngày, anh tra cứu hành trình đơn hàng thì thấy đơn của mình đã đến kho Gia Hưng. Đợi mãi không thấy ai giao hàng, anh Hoàng đã gọi điện đến đơn vị chuyển phát để hỏi thăm tình hình. Bộ phận chăm sóc khách hàng cho biết hiện đơn vị trên không có đủ nhân sự nên hẹn sẽ cố gắng gửi đơn hàng cho anh sớm nhất có thể.
Sau đó không lâu, người đàn ông này nhận được cuộc gọi từ shipper thông báo rằng đơn hàng của anh đã thất lạc và xin số tài khoản của anh để phía đơn vị chuyển phát gửi tiền bồi thường tổn thất. Không hề nghi ngờ, anh Hoàng vội làm theo chỉ dẫn của nhân viên giao hàng này. Đầu tiên, anh nhấn vào 1 đường link mà shipper gửi qua tin nhắn rồi điền thông tin của mình vào.
Ngay sau đó, tài khoản ngân hàng của anh không những không nhận được tiền mà còn bị “rút” mất gần 20.000 NDT (gần 67 triệu đồng). Lúc này, anh Hoàng mới nhận ra mình đã bị lừa nên đã báo cảnh sát.
Qua điều tra, cảnh sát của Sở cảnh sát Vũ Nguyên thuộc phòng Công an huyện Hải Diêm, thành phố Gia Hưng, Chiết Giang, cho biết những kẻ lừa đảo đã mua thông tin của những khách hàng từng sử dụng QQ để mua hàng online từ một nhóm lừa đảo khác.
Khi có được thông tin mua sắm của khách hàng, nhóm lừa đảo này dễ dàng tìm kiếm và theo dõi quá trình vận đơn và dựa vào đó để thực hiện âm mưu của mình. Chúng sẽ giả mạo người giao hàng để gọi điện cho người mua, thông báo đơn hàng bị mất hay hư hỏng và yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin để nhận tiền bồi thường. Bằng 1 liên kết gửi cho nạn nhân, những kẻ lừa đảo sẽ dễ dàng có được thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu ngân hàng của những người nhẹ dạ cả tin rồi chiếm đoạt tài sản.
Cảnh sát cho biết, sau khi nắm được thông tin ngân hàng của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của họ, lúc này phía ngân hàng sẽ gửi mã xác minh đến điện thoại di động của nạn nhân. Chúng sẽ khôn khéo bảo nạn nhân gửi mã cho mình rồi nhanh chóng chuyển tiền đi.
Dù thủ thuật này không quá tinh vi, thường gặp nhưng vẫn được những kẻ lừa đảo sử dụng để “bẫy” những con mồi dễ tin người và thiếu kiến thức. Sau khi lập hồ sơ điều tra, ngày 12/10/2018, phía cảnh sát đã bắt giữ hơn 40 nghi phạm, triệt phá 11 ổ tội phạm bao gồm hacker máy tính, mua bán thông tin công dân…
Cho đến nay, hơn 500 trường hợp đã được xác minh, liên quan đến số tiền hơn 20 triệu nhân dân tệ. Các giao dịch thẻ ngân hàng của băng đảng rửa tiền lên tới hơn 100 triệu nhân dân tệ chỉ trong hơn ba tháng. Vụ việc vẫn đang được xem xét thêm.
Lý Vinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Công an thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cho biết: “Đặc điểm lớn nhất của những vụ lừa đảo này là nghi phạm đã lấy được thông tin cá nhân của người dân một cách nhanh chóng và chính xác; đặc điểm thứ hai là các liên kết lừa đảo được thực hiện rất chuyên nghiệp, nhờ đó kẻ xấu có thể vượt qua tường lửa của các ngân hàng thương mại và tổ chức thanh toán để chiếm đoạt tài sản.”
Để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, cảnh sát khuyến cáo người dân nếu muốn mua sắm trực tuyến thì nên đăng nhập vào trang web chính thức của nhãn hàng để mua. Bên cạnh đó, nên thường xuyên kiểm tra hoặc gọi điện cho bộ phận chăm sóc khách hàng của nhãn hàng hay đơn vị vận chuyển để nắm rõ tình hình đơn hàng của mình cũng như cách thức giao nhận, nhất là với các đơn giá trị lớn. Đồng thời, ngay cả khi biết mình gặp kẻ lừa đảo, hãy bình tĩnh liên hệ cơ quan chức năng để hợp tác điều tra và có hướng xử lý tốt nhất.
(Theo Sina)-Theo Ánh Lê-Theo Nhịp sống thị trường