Khả năng lãnh đạo giỏi là sự kết hợp nhiều kỹ năng riêng biệt thành một thể thống nhất. Kết hợp 6 hành vi dưới đây có thể rất hữu hiệu trong việc cải thiện khả năng lãnh đạo của bạn.
Từng có lời đồn thổi rằng ông Howard Schultz – giám đốc điều hành của Starbucks sẽ chạy đua giành chức tổng thống, nhưng Schultz đã dẹp bỏ ý tưởng này ngay tức thì. Ông đã bày tỏ trên một bài báo:
“Mặc dù được mọi người khích lệ, nhưng tôi không có ý định tham gia tranh cử tổng thống. Tôi còn chưa hoàn thành tốt việc phục vụ ở Starbucks.”
Để thực hiện cam kết tận tụy với tổ chức của Schultz quả là ấn tượng. Điều đáng ngưỡng mộ nơi ông đó là mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo tận tụy phục vụ.
Tinh thần phụng sự khách hàng tuyệt đối này không phải chỉ là lời chót lưỡi đầu môi với báo giới, mà sứ mệnh của Schulz là phải tạo dựng một công ty mà ở đó mọi người được tôn trọng và đánh giá cao. Ông đã dành thời gian, tiền bạc và công sức của mình để thực hiện tuyên bố này. Ông dự kiến trong 10 năm tới, Starbucks sẽ chi 250 triệu USD để những nhân viên có đủ điều kiện theo học đại học. Bản thân ông Schultz thức dậy vào 4 giờ sáng mỗi ngày để gửi email thúc đẩy và động viên nhân viên của mình. Có email ông đã viết yêu cầu các nhân viên hãy biểu lộ sự đồng cảm đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán sụt giảm là một ví dụ thú vị gần đây về vị lãnh đạo này.
Ví dụ trên để nhấn mạnh rằng bản chất và năng lực của một lãnh đạo thể hiện qua chính hành động và cách hành xử hàng ngày của họ.
Ông Howard Schultz quan niệm: “Ước mơ hơn người khác – tư duy thực tế. Kỳ vọng hơn người khác – tư duy khả thi. Quan tâm hơn người khác – tư duy khôn ngoan.”
Hành vi có thể thay đổi, và các nhà lãnh đạo làm việc để cải thiện, nâng cao kỹ năng của họ để đạt được mục tiêu.
Trong trường hợp của CEO Schultz, ông đã tôi luyện kỹ năng lãnh đạo của mình trong suốt ba thập kỷ. Không chỉ điều hành Starbucks, ông còn làm nhiều công việc khác như đích thân hướng dẫn và cố vấn cho chuyên môn về lãnh đạo cho Giáo sư Warren Bennis của Viện Đại học Nam California. (Giáo sư Warren Bennis cũng là Chủ tịch sáng lập của Viện lãnh đạo thuộc trường đại học Nam California, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của trung tâm giao dục Kennydy chuyên đào tạo công chúng ở trường Đại học Harvard.)
Thông qua việc nghiên cứu, học hỏi những gì mà các nhà lãnh đạo vĩ đại làm và kết hợp có chọn lọc cùng áp dụng thiết thực vào công việc, chắc chắn kỹ năng lãnh đạo của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
Có thể đúc kết ra 6 điều tiêu biểu để làm nên một nhà lãnh đạo vĩ đại:
1. Tử tế mà không nhu nhược
Một trong những điều khó khăn nhất đối với các nhà quản lý chỉ đạo nhân viên, lèo lái được tổ chức chính là sự tử tế và ân cần. Điều này giúp tạo dựng tín nhiệm, đồng thời cũng khích lệ và tán dương đóng góp của nhân viên. Đó là một hành động mang tính cân bằng, giữa việc “ở hiền” mà không hề nhu nhược.
Điểm then chốt để có thể làm được sự cân bằng đó là phải hiểu rằng bản thân lòng tốt chân chính vốn đã là sức mạnh, nó rất giản đơn và thẳng thắn. Việc nói với ai đó sự thật mà họ cần phải biết dù có làm họ mất lòng chính là lòng tốt, còn việc giữ im lặng để bảo vệ họ (có thể là chính bạn) lại là nhu nhược.
Lòng tốt chân chính cần phải vô tư, không đi kèm với điều kiện. Sức mạnh của sự tử tế sẽ suy yếu khi bạn sử dụng nó theo cách vị tư. Hãy nghĩ đến Schultz, ông ấy đã dành 250 triệu đô la để nhân viên học đại học mà không cần điều kiện ràng buộc nào, và ngay khi nhân viên tốt nghiệp, họ có thể tự do rời khỏi công ty. Đó chính là sự tử tế đích thực.
2. Mạnh mẽ nhưng không hà khắc
Mạnh mẽ là phẩm chất quan trọng của một nhà lãnh đạo. Mọi người sẽ dò xét xem liệu một nhà lãnh đạo có đủ mạnh mẽ hay không trước khi họ quyết định đi theo sự dẫn dắt của họ. Mọi người đều mong chờ một người lãnh đạo dũng cảm. Họ cần một người có thể đưa ra quyết định trong những hoàn cảnh khó khăn và quan tâm đến lợi ích của tập thể. Họ cần một nhà lãnh đạo sẽ sẵn sàng ở lại lèo lái tổ chức khi sóng to gió lớn. Thêm vào đó, nhân viên sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện sức mạnh của bản thân khi lãnh đạo của họ là người như vậy.
Rất nhiều nhà lãnh đạo nhầm lẫn rằng độc đoán, kiểm soát, và các hành vi khắc nghiệt khác chính là sức mạnh. Họ nghĩ rằng việc kiểm soát và ép buộc người khác sẽ giúp truyền cảm hứng cho một nhóm người trung thành ủng hộ họ.
Cần lưu ý rằng sức mạnh không phải là thứ bạn có thể ép buộc lên người khác; nó là thứ mà bạn có được sau những lần bạn hành động để vượt lên nghịch cảnh. Sau đó, người khác mới thấy rằng bạn là người mà họ có thể gửi gắm niềm tin.
3. Tự tin nhưng không hề tự mãn
Chúng ta thường bị cuốn hút bởi các nhà lãnh đạo tự tin vì sự tự tin có sức lan tỏa, và nó giúp chúng ta tin rằng những điều tuyệt vời sẽ đến trong tương lai.
Quan trọng là một nhà lãnh đạo cần phải hành động sao cho sự tự tin của mình không bị sa vào kiêu căng tự mãn. Sự tự tin chính là niềm tin. Nó là một cảm xúc đam mê và tin rằng bạn là người nói được làm được. Còn khi sự tự tin xa rời thực tế, bạn bắt đầu ảo tưởng, cho rằng không có gì ngoài tầm tay của bạn, thì sự kiêu ngạo này lại khiến bạn bị mất tín nhiệm.
Những nhà lãnh đạo tự tin, giỏi giang vẫn rất khiêm tốn. Họ không cho phép thành tích và quyền lực mà họ có khiến họ cảm thấy rằng mình vượt trội hơn tất cả. Vì vậy, họ không ngần ngại “xắn tay” làm công việc nặng nhọc khổ ải khi cần thiết, và họ không yêu cầu những người theo họ làm bất cứ điều gì mà họ không nguyện ý.
4. Lạc quan nhưng không xa rời thực tế
Một thách thức lớn khác mà các nhà lãnh đạo phải đối mặt là việc tìm ra sự cân bằng giữa việc duy trì thái độ lạc quan và thực tế.
Có một câu chuyện kể rằng trên một chiếc thuyền buồm có ba người: một người bi quan, một người lạc quan và một nhà lãnh đạo giỏi. Mọi thứ đang êm đẹp cho đến khi bỗng nhiên biển động, gió dữ dội; người bi quan buông xuôi và than vãn về điều đó; người lạc quan ngồi đó mặc kệ, và nói rằng mọi việc rồi sẽ tốt cả thôi; nhưng nhà lãnh đạo vĩ đại nói: “Chúng ta có thể giải quyết việc này!” rồi anh ấy điều chỉnh cánh buồm và giữ cho chiếc tàu thẳng tiến. Sự kết hợp đúng đắn của tính lạc quan và tính thực tế là điều cần thiết để xử lý tình huống và đi đến thành công.
5. Họ là người giỏi hành động hơn là thuyết nói
Nhân tố chủ yếu để mọi người tin tưởng và ca ngợi một người lãnh đạo tài ba chính bởi hành vi chứ không phải là lời nói của họ. Các nhà lãnh đạo vĩ đại giữ gìn hình ảnh và làm gương bằng việc thực hiện lời hứa, họ nói là làm.
6. Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân vì dám chịu trách nhiệm
Những nhà lãnh đạo tuyệt vời nhất sẽ làm bất cứ điều gì vì tổ chức của họ, và họ luôn được mọi người ủng hộ. Họ không tìm cách đổ lỗi và trốn tránh xấu hổ khi thất bại. Họ không ngại nói “Trách nhiệm này thuộc về tôi”, họ được mọi người tin tưởng và sẵn sàng hậu thuẫn, ủng hộ.
Các nhà lãnh đạo vĩ đại cũng nói rõ rằng họ luôn sẵn sàng đối diện với thách thức, những chỉ trích phê bình và những quan điểm khác biệt. Họ hiểu sâu sắc rằng một môi trường mà mọi người sợ phải nói thật, nói thẳng, sợ đưa ra những hiểu biết sâu sắc của bản thân, sợ nêu ra những câu hỏi hay mổ xẻ vấn đề, thì chính là sẽ đưa tổ chức đến thất bại hoặc tiêu vong.
Lời kết
Khả năng lãnh đạo giỏi là sự kết hợp nhiều kỹ năng riêng biệt thành một thể thống nhất. Kết hợp 6 hành vi nêu trên có thể rất hữu hiệu trong việc cải thiện khả năng lãnh đạo của bạn.
Theo CNBC – Tác giả: Travis Bradberry – Minh Huyền (biên dịch)