Trong tiền kiếp, phú ông này rất giàu có song chưa từng bố thí cho bất kỳ ai 1 đồng tiền hay hạt gạo. Sự tham lam ích kỷ ấy khiến ông phải chịu nghiệp báo đích đáng ở kiếp sau.
Vào thời đại mà Đức Phật còn tại thế, tại đất Ấn Độ có một vị phú ông nổi tiếng keo kiệt, bủn xỉn. Người này lúc sinh thời vô cùng giàu có, thậm chí còn được người đời coi là kẻ giàu nhất thiên hạ.
Đất đai trong chu vi mười mấy dặm đối với ông ta chẳng qua chỉ là một con số nhỏ. Trong biệt phủ nơi ông ở còn cất giấu vô số trâu báu quý giá, gia sản có tới mấy kho bạc, kho tiền, kho trân trâu, mã não…
Mặc dù được xem là người ngồi trên núi vàng núi bạc của thiên hạ, nhưng phú ông này có một thói xấu mà ai cũng biết. Đó chính là vô cùng keo kiệt.
Ông ta chẳng những không thích làm việc thiện mà còn coi thường chuyện bố thí. Câu cửa miệng của vị phú ông ích kỷ ấy từ trước đến nay vẫn là: “Lấy tiền của mình đi cho thiên hạ là hành động ngu xuẩn của những kẻ ngu ngốc”.
Mặc dù có người từng chỉ mặt phê phán, nhưng phú ông ấy trước sau vẫn khăng khăng cố chấp, còn căn dặn cho người hầu giữ cửa rằng:
“Từ nay về sau bất kể là người nào, bất luận là chuyện gì, chỉ cần đến nhà ta xin ăn, xin quyên tiền hay khất thực thì đều không được cho bước chân vào cửa, bởi vì ta đây tuyệt nhiên sẽ không bố thí một đồng tiền hay một hạt gạo nào hết.
Nếu như có kẻ cố ý đi vào, các ngươi phải đem hắn ném ra ngoài, nghe rõ hay chưa?”.
Với bản tính keo kiệt của mình, phú ông luôn luôn sống trong nỗi sợ hãi về việc hao tài, mất của. Vì lo lắng có kẻ vào nhà ăn trộm vật báu, có chim mổ thóc, có chuột ăn vụng, nên bốn phía trong phòng và trên các nóc nhà trong phủ đều giăng đủ mọi lưới, bạt để đề phòng, ngay tới một con ruồi cũng chẳng thể bay vào.
Bản thân phú ông trước nay cũng chẳng mấy khi ló mặt ra ngoài chỉ vì tham sống sợ chết, tham của tiếc mạng.
Cũng bởi giàu nứt đố đổ vách, lại thêm tính cách keo kiệt có tiếng, danh tiếng chẳng mấy vẻ vang của phú ông kia cứ vậy mà vang xa, ai ai nhắc tới cũng không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.
Di ngôn ích kỷ của người cả đời không biết cho đi
Thế nhưng phàm là người tham sống sợ chết tới đâu thì chung quy cũng không thoát khỏi vòng tuần hoàn của sinh – lão – bệnh – tử. Nhiều năm sau, phú ông nọ lâm trọng bệnh. Khi đã hấp hối, ông liền gọi con trai độc nhất tới bên giường để căn dặn:
“Bệnh này của ta đã chẳng thể chữa được nữa, có lẽ chỉ cầm cự được thêm vài ngày. Thế nhưng ta không bỏ được của cải trong nhà, nên ta đặc biệt giao phó hết cho con.
Con phải nhớ rằng sau khi ta chết, bất luận người nào tới đây xin xỏ thì cũng không được cho bọn họ bất kỳ cái gì, càng không được để họ bước vào cửa, cũng không cần phải làm việc công ích vô bổ nào. Bởi đó vốn chỉ là những việc mà kẻ ngu ngốc mới làm mà thôi!
Chỉ cần con nghe lời ta, thì với tiền tài mà ta để lại, các con dù ngồi không mấy đời cũng vẫn không lo cái ăn, đã nhớ kỹ hay chưa?”.
Người con nghe xong lời cha dặn cũng gật đầu nghe theo. Anh càng dặn dò kỹ với gác cửa về việc không bố thí cho bất kỳ người nào, phàm là ai đến xin ăn, xin tiền đều bị đuổi thẳng mặt.
Vài ngày sau đó, phú ông già cả đã buông tay trần thế vì bệnh tật và tuổi già. Sau khi bước vào cõi luân hồi, ông đã đầu thai làm con của một gia đình vô cùng nghèo khó, lại bị căn bệnh mù lòa bẩm sinh vì di truyền từ mẹ ruột.
Kiếp sau của phú ông và lời cảnh tỉnh thế nhân về nghiệp báo
Khi đã bước sang tuổi 12, cậu bé của gia đình nghèo khổ ấy được mẹ giao lại một vài đồ vật và nói:
“Con nay đã trưởng thành, nhưng từ khi sinh ra lại không may bị mù, mà thời này chẳng có ai thuê kẻ mù làm việc. Vì vây con không thể làm gì khác ngoài đi ăn mày. Nay mẹ cho con một cây gậy, một cái bát và một cái tay nải, con hãy ra ngoài xin ăn thì mới mong cầm cự được qua ngày”.
Cậu bé nghe theo lời mẹ dặn, rời nhà đi ăn xin khắp nơi. Có một ngày, cậu tìm đến cửa ngôi biệt phủ của chính mình ở kiếp trước.
Thế nhưng khi mới dò dẫm bước qua bục cửa, người con trai của phú ông đã phát hiện có kẻ tới ăn xin, liền quát tháo người hầu lôi ra ngoài khiến cậu ngã vỡ đầu chảy máu.
Câu chuyện trớ trêu ấy đến tai Đức Phật, Ngài vốn đã biết đây chính là quả báo mà phú ông keo kiệt phải trả ở kiếp này.
Sau đó, Ngài đích thân đi đến cửa ngôi biệt phủ ấy, dùng Phật lực của mình cho cả hai cha con thấy được vòng luân hồi của phú ông. Chỉ khi nhìn lại những cảnh ấy, cậu bé ăn mày mới biết được kiếp trước mình chính là chủ nhân keo kiệt đã làm nên cơ ngơi này.
Bấy giờ, Đức Phật cất tiếng hỏi:
“Con từng có rất nhiều tiền tài, nhưng đã bao giờ con để mình tận hưởng niềm vui chúng mang lại hay chưa?”.
Cậu bé mù nay đã nhớ lại những ký ức của phú ông trong tiền kiếp, liền thở dài mà đáp:
“Kiếp trước con chưa từng được tận hưởng niềm vui từ sự giàu có, nay lại phải chuyển kiếp trở thành một kẻ ăn xin mù lòa…”.
Nghe lời thở than ấy, Đức Phật chỉ lắc đầu đáp:
“Đây chính là quả báo của lòng tham và sự ích kỷ mà thành”.
Nghe xong những lời đó, người con trai của phú ông cuối cùng cũng tỉnh ngộ. Kể từ đó, anh dốc lòng làm việc thiện, tu tập Phật pháp, sau khi qua đời được thì được lên trời hưởng phúc báo.
Bài học rút ra
Vì sao người càng tham lam lại càng dễ nghèo khó? Bởi nghèo khó chính là quả báo của sự tham lam.
Vậy tại sao người càng rộng lượng sẽ càng trở nên giàu có? Bởi giàu có là phúc báo của tấm lòng rộng lượng.
Không ít người cho rằng càng tham lam, càng ích kỷ thì mới có thể tích lũy và gìn giữ được nhiều của cải. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy.
Thế nhân phần lớn đều tin tưởng vào thứ gọi là vận mệnh, là số mạng, mà ít ai thực sự nhìn ra rằng, vận mệnh hay số mạng đều được dựa vào phúc báo hoặc quả báo từ những việc mà ta đã từng làm ở các đời, các kiếp.
Sự giàu – nghèo của mỗi người trước nay cũng không nằm ngoài quy luật nhân quả báo ứng. Cổ nhân có câu: “Tham lam là ngọn nguồn của bần hàn”, phàm là người càng tham lam ích kỷ thì chỉ có một kết cục duy nhất là mất nhiều hơn được.
*Theo chuyên trang Phật giáo Trung Quốc
Theo Trần Quỳnh – Trí thức trẻ